Bà Jehanne Roccas, đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam - Ảnh: Quỳnh Trung |
“Bản thân tôi rất thích đọc những bình luận trên Facebook để biết được người dân Việt Nam đang nghĩ gì và nhận xét gì về những hoạt động của chúng tôi, để từ đó chúng tôi làm tốt hơn vào lần sau |
Trước đó, cơ quan quản lý đô thị của Đà Nẵng cũng mở Facebook để dân phản ảnh những chuyện họ quan tâm... Theo tôi, đây là điều thú vị, thể hiện sự quan tâm và lắng nghe của chính quyền đối với người dân.
Khi đến Việt Nam, tìm hiểu tôi được biết tỉ lệ người dân tiếp cận Internet rất cao và Facebook là mạng xã hội phổ biến ở đây nên tôi quyết định thành lập trang Facebook mới của sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, tận dụng mạng xã hội này để quảng bá các hoạt động của sứ quán.
Lắng nghe để ra quyết sách đúng đắn
Ở Bỉ, hầu hết các bộ trưởng đều sử dụng mạng xã hội (phổ biến nhất là Twitter) để giao tiếp và trả lời câu hỏi của người dân.
Nếu các bộ trưởng bận không thể trả lời hết câu hỏi của người dân, đội ngũ trợ lý sẽ làm thay họ vì chúng tôi quan niệm rằng lắng nghe những mối bận tâm, lo lắng của người dân là điều vô cùng quan trọng.
Chúng tôi muốn biết người dân bận tâm như thế nào về tình hình an ninh, chính sách thuế, các vấn đề môi trường... để từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn.
Với trang Facebook mới của sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam nói trên, chúng tôi cố gắng cập nhật tin tức của sứ quán mỗi ngày.
Chúng tôi thường đưa tin về các hoạt động văn hóa, xã hội, thông tin học tập ở Vương quốc Bỉ, các hoạt động chính trị, kinh tế và những thông tin thú vị khác của sứ quán lên Facebook.
Tôi và các nhân viên sứ quán cùng nhau nghĩ cách làm thế nào đưa những tin tức này lên mạng xã hội một cách sinh động để thu hút người xem.
Chẳng hạn như Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 vừa rồi, chúng tôi có post (đăng) một tấm ảnh trên Facebook sứ quán mô tả hai nhân viên nam người Bỉ ở sứ quán, một người mang một bó hoa, người kia cầm máy hút bụi, xung quanh là những nhân viên nữ của sứ quán đang cười rạng rỡ. Nhiều người rất thích tấm ảnh này vì sự hài hước.
Trước khi đến Việt Nam làm đại sứ, tôi không chơi Facebook nhưng để theo dõi hoạt động của trang Facebook sứ quán, tôi cũng mở tài khoản Facebook cá nhân.
Điều này thật thú vị vì Facebook giúp tôi kết nối với những người bạn ở Việt Nam, cùng chia sẻ những điều thú vị, mới lạ về đất nước này.
Không chỉ sứ quán Bỉ ở Việt Nam mà sứ quán Bỉ tại nhiều nước khác trên thế giới cũng sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với người dân nước đó, chẳng hạn như ở Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Nhiều quán ăn, quán nhậu ở khu vực Bàu Thạc Gián, Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) phủ mái che ra tận đường, người dân phản ảnh qua email của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và được ông chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý, tháo dỡ ngay. Trong ảnh: vỉa hè và đường phố đã thông thoáng sau khi được tháo dỡ mái che - Ảnh: Phan Thành |
Chính phủ điện tử đem lại sự minh bạch
Hệ thống chính phủ điện tử ở Bỉ phổ biến đến nỗi chúng tôi không thể tưởng tượng chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu không có nó.
Người dân ở Bỉ có thể xem thông tin và sử dụng các mẫu đơn trực tuyến trên các trang web của chính phủ. Thậm chí, người dân có thể bỏ phiếu bầu cử hoặc đóng thuế ở bất kỳ nơi đâu miễn là họ có máy tính hoặc điện thoại kết nối Internet.
Chính phủ điện tử giúp việc cung cấp dịch vụ công hiệu quả và minh bạch hơn. Cụ thể, hệ thống chính phủ điện tử giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người dân và góp phần tinh giản bộ máy nhà nước.
Sứ quán Vương quốc Bỉ ở Hà Nội có hỗ trợ một số dự án cải thiện quản trị, hành chính công ở một số tỉnh thành miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trong những dự án này, chúng tôi khuyến khích chính quyền địa phương tham vấn người dân trước khi ra quyết định hoặc chính sách.
Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ các tỉnh thành nói trên cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công. Theo đó, chúng tôi chia sẻ nhiều kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chính phủ điện tử.
Theo tôi quan sát, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Bỉ nói riêng vui mừng khi Bộ Kế hoạch & đầu tư ra mắt hệ thống quy định điện tử (eRegulations) vào năm ngoái.
Qua eRegulations, nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm thấy các thông tin dữ liệu trực tuyến về đầu tư ở Việt Nam. Đây là một công cụ rất hữu hiệu, góp phần mang lại sự minh bạch toàn diện đối với các thủ tục đầu tư nước ngoài tại đất nước các bạn.
Sẽ có nhiều bài học nếu dám thử Ông John Nielsen, hiện là đại sứ Đan Mạch tại Tây Ban Nha và cựu đại sứ tại Việt Nam từ năm 2010-2015, là một trong những đại sứ nước ngoài đẩy mạnh kênh ngoại giao Facebook để tiếp cận và kết nối với công dân Việt Nam mỗi ngày. Đại sứ John Nielsen từng chia sẻ với Tuổi Trẻ về ngoại giao Facebook: “Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có trang Facebook chính thức rồi. Thay vì luôn phải ở thế phòng bị, tôi tin rằng các chính trị gia Việt Nam sẽ có được rất nhiều bài học nếu dám thử”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận