Một tiết học môn toán "2 trong 1" của học sinh lớp 9/6 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) sáng 2-3. Học sinh không thể đến trường có thể theo dõi bài giảng trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo vị hiệu trưởng trên: "Số học sinh, giáo viên nhiễm COVID-19 liên tục tăng khiến mọi hoạt động bị xáo trộn. Có ngày, tôi quên cả ăn sáng và ăn trưa vì phải liên tục xử lý các ca F0 và chuyển đổi phương thức dạy học cho các lớp.
Khổ nhất là tình trạng giáo viên nhiễm COVID-19 và không thể giảng dạy. Trường phải bố trí cho các giáo viên khác "choàng gánh", sắp xếp lại thời khóa biểu cho giáo viên bộ môn để đảm bảo học sinh lớp đó vẫn được đi học trực tiếp".
Giáo viên kiêm bảo mẫu
Không chỉ thiếu hụt giáo viên, nhiều trường học ở TP.HCM hiện đang thiếu bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng vì các cô là F0 và vì chưa tuyển được người mới sau nhiều tháng trường đóng cửa.
Học sinh Trường mầm non Bé Ngoan, quận 1, TP.HCM đi học trực tiếp tại trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Đợt dịch vừa qua, lực lượng bảo mẫu trường chúng tôi đã nghỉ việc gần hết. Bây giờ tìm người mới rất khó vì không có nguồn. Mức lương bảo mẫu hiện cũng không hấp dẫn người lao động nên trường không thể tuyển được người mới.
Áp lực gửi con học bán trú của phụ huynh thì quá cao. Trường đành động viên giáo viên kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu. Thế nhưng, những ngày gần đây, số giáo viên là F0, F1 ngày một tăng dẫn đến việc thiếu giáo viên đứng lớp kéo theo thiếu luôn cả người phụ trách công tác ăn, ngủ cho học sinh", lãnh đạo một trường THCS ở quận 1 cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, đến giữa tháng 2-2022, đa số trường phổ thông ở TP.HCM đều đã mở lớp bán trú để đáp ứng yêu cầu gửi con cả ngày ở trường của phụ huynh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2 nhiều trường thông báo ngưng tổ chức bán trú vì không có bảo mẫu, không có nhân viên cấp dưỡng vì số học sinh là F0 tăng nhanh...
Một lãnh đạo Trường THCS Colette (quận 3) thông tin: "Trường chúng tôi đã ngưng bán trú được một tuần để chờ xem tình hình dịch bệnh thế nào rồi tính tiếp. Thay vì tổ chức cho học sinh ăn, ngủ, học tập và sinh hoạt cả ngày trong trường, chúng tôi chỉ tổ chức dạy trực tiếp một buổi, buổi còn lại học sinh sẽ học online".
Căng kéo kinh phí
Một trong những nỗi lo thường trực của các hiệu trưởng trường phổ thông hiện tại chính là kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
"Hiện tại, các trường đều được cấp ngân sách để chi cho các hoạt động giáo dục. Ngân sách này sẽ được cấp theo số học sinh hiện có của mỗi trường. Tuy nhiên, chúng tôi đành phải trích một phần từ khoản này để chi cho các hoạt động chống dịch như: mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, mua các loại nước khử khuẩn để vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế và giáo viên sử dụng trong những trường hợp có trẻ nghi nhiễm COVID-19...
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM tại lớp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khoản kinh phí này được xem như một miếng bánh. Khi trường đã cắt một phần lớn để chi cho phòng chống dịch thì dĩ nhiên phần bánh còn lại dùng cho các hoạt động giáo dục học sinh sẽ giảm đi", hiệu trưởng một trường mầm non nổi tiếng ở nội thành TP.HCM phân tích.
Không những thế, các hiệu trưởng còn đứng trước một bài toán nan giải là chi tiêu quá nhiều thì cuối năm khoản tiền thu nhập tăng thêm (còn gọi là tiền thưởng Tết) của giáo viên sẽ giảm đi. Mà như vậy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ mà hiệu trưởng còn có thể bị kiện vì không biết cách tính toán và chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Thực tế đã có nhiều hiệu trưởng ở TP.HCM phải giải trình các đơn khiếu kiện xung quanh chuyện này.
Cô Cao Thị Ngọc Lan - hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM - bày tỏ: "Thời kỳ dịch bệnh, phụ huynh đa số cũng đang khó khăn. Nhiều người đã phải nghỉ việc ở nhà suốt mấy tháng trời, nay họ mới đi làm lại, mới gửi con được mấy bữa mà trường đã huy động tiền của thì không ổn tí nào".
Cô Lan thừa nhận việc trường kêu gọi sự chung tay phòng chống dịch từ nhiều lực lượng khác nhau là do... may mắn. "Trường chúng tôi may mắn là có phụ huynh làm việc tại một đơn vị sản xuất nước rửa tay và dung dịch sát khuẩn nên được tài trợ phần này, không phải đi mua. Ngay cả dung dịch Cloramin B nhà trường cũng được một đơn vị quân đội hỗ trợ. Họ còn giúp nhà trường thực hiện phun, xịt khuẩn những khi cần thiết".
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng ở quận 1, quận 3, đúc kết: "Trong giai đoạn như hiện tại, trường không thể thực hiện xã hội hóa theo kiểu kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Thay vào đó, hiệu trưởng phải tận dụng tất cả các mối quan hệ của mình, của trường để tìm những nhà hảo tâm có tiềm lực và xin hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh, xin hỗ trợ máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, khẩu trang, đồ bảo hộ...".
"Cầm cự" bán trú
Những trường còn đang "cầm cự" bán trú thì tình hình F0, F1 biến động theo từng ngày nên công tác tổ chức ăn, ngủ cho học sinh rất bị động. "Thực phẩm được trường đặt sẵn với nhà cung cấp. Họ đã giao và các cô cấp dưỡng đã chế biến, nấu nướng xong xuôi thì giáo viên báo có học sinh bị sốt. Thế là học sinh nghi nhiễm và cả những em F1 cũng phải về nhà cách ly.
Học sinh không ăn trưa thì trường không thể thu tiền ăn của phụ huynh được. Nhưng kinh phí đâu để trường bù lỗ cho tình trạng trên thì chưa biết. Điều đáng nói là những ngày gần đây ngày nào trường cũng gặp những ca F0, F1 như vậy", hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận