Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-2, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Armenia Suren Papikian và người đồng cấp phía Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố hai nước vừa ký thỏa thuận hợp tác quân sự quan trọng.
Trong đó, Pháp cam kết sẽ bán súng trường có độ chính xác cao cho Armenia cũng như huấn luyện một số sĩ quan quân đội của Yerevan.
Số vũ khí trên sẽ do Tập đoàn quốc phòng PGM của Pháp cung cấp. Tuy nhiên, giá trị cụ thể của thương vụ không được hai bên công bố.
"Armenia quyết tâm hiện đại hóa quân đội. Chúng tôi sẽ tự thân làm điều đó với sự giúp đỡ của các quốc gia đối tác. Đây là động thái sử dụng tất cả công cụ hòa bình để bảo vệ biên giới của chúng tôi", ông Papikian tuyên bố trong buổi họp báo chung với ông Lecornu.
Trong thời gian tới, Armenia sẽ gửi năm binh sĩ đến Học viện quân sự Saint Cyr Coetquidan của Pháp để được tập huấn. Bên cạnh đó, Paris cũng đề xuất giúp Yerevan huấn luyện các hạ sĩ quan của nước này.
Ngoài ra, ông Lecornu còn xác nhận Paris sẽ cử cố vấn quân sự chuyên về các hệ thống phòng thủ đất đối không để giúp Armenia tự vệ trước "đòn tấn công từ thế lực tiềm tàng" nhắm vào dân thường.
Động thái trên của Armenia diễn ra chỉ một ngày sau khi nước này tuyên bố tạm dừng việc tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) - liên minh quân sự do Nga dẫn đầu - hôm 22-2.
Chia sẻ với Đài France24 của Pháp, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc CSTO đã làm Armenia thất vọng khi không đứng ra bảo vệ nước này trong những căng thẳng về chủ quyền với nước láng giềng Azerbaijan những năm gần đây.
"Với chúng tôi, Hiệp ước an ninh chung đã không làm đúng mục tiêu, đặc biệt vào năm 2021 và 2022. Armenia không thể để điều đó xảy ra mà không phản ứng. Giờ đây, về mặt thực tiễn, chúng tôi đã tạm ngưng việc tham gia hiệp ước này. Chúng ta sẽ cùng theo dõi xem những gì sẽ xảy ra sau đó", Thủ tướng Armenia tuyên bố.
CSTO là liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, thành lập năm 1992, đến nay còn sáu thành viên gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Giống như NATO, hiến chương của CSTO cũng có điều khoản xem bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên là cuộc tấn công vào cả khối.
Trong những tháng gần đây, ông Pashinyan đã nhiều lần thể hiện sự bất bình của mình với Nga và những cam kết hợp tác an ninh giữa hai nước. Ông cho rằng Matxcơva đã quá thờ ơ trước những nguy cơ về chủ quyền Armenia gặp phải với láng giềng Azerbaijan.
Thậm chí, thủ tướng Armenia còn khẳng định Yerevan không thể tiếp tục phụ thuộc vào Nga để đảm bảo an ninh trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận