Chị Nguyễn Hoài M., 38 tuổi, nhà ở xã Bình Đức, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, bị cảm lạnh tình cờ đi khám bệnh phát hiện mình mắc COVID-19. Trong chuyên môn, nếu vừa cảm lạnh, vừa nhiễm COVID-19, người ta gọi là đồng nhiễm virus, may mắn là hai bệnh đồng nhiễm này ít nguy hiểm hơn nhiễm COVID-19 đơn thuần.
Hiện tại, mọi người chỉ nghĩ đến một loại virus, đó là SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19. Tuy nhiên, thế giới phải đối mặt với nhiều loại virus đường hô hấp, chẳng hạn như cúm A và virus hợp bào hô hấp (RSV), gây ra hàng trăm nghìn ca tử vong mỗi năm.
Nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp hiện nay chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả, ngoại trừ cúm và SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Glasgow (Anh) cho thấy có tới 30% trường hợp nhiễm trùng có thể chứa nhiều hơn một loại virus. Trước đây, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx (New York, Mỹ) cũng phát hiện chỉ trong một tháng gần 5% bệnh nhân vừa mắc COVID-19 vừa bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác.
Ở các bệnh viện nhi của TP.HCM, tháng 9-2021 đã có 5 trường hợp bé dưới 15 tuổi vừa mắc COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết cùng lúc. Sốt xuất huyết diễn biến rất nặng nhưng được cứu sống.
Có hai khả năng xảy ra khi bị đồng nhiễm virus: một là chúng có thể tấn công cơ thể gây ra nhiều thiệt hại hơn là tự chúng tấn công riêng lẻ, như giữa sốt xuất huyết và COVID-19. Mặc dù hai virus này gây ra các bệnh nặng tương tự như sốc, tổn thương đa cơ quan, nhưng chúng sử dụng các thụ thể khác nhau trên tế bào của chúng ta để xâm nhập.
Thứ hai là chúng ngăn chặn và ức chế sự phát triển lẫn nhau, hay gặp ở các loại virus cùng đường lây nhiễm và cùng một cách thức xâm nhập tế bào. Khả năng này thường xảy ra ở các loại virus đường hô hấp hơn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy một ca cảm lạnh thông thường do rhinovirus có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus COVID-19, qua vai trò của Interferon.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận