19/04/2020 19:52 GMT+7

Vụ xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công thương 'không tiếp thu'?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Trước thông tin Tổng cục Hải quan cho rằng đã góp ý mà không tiếp thu, Bộ Công thương khẳng định mọi phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng đều được xin ý kiến các bộ, ngành và được tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Vụ xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công thương không tiếp thu? - Ảnh 1.

Tính đến 13h ngày 18-4, trong số 400.000 tấn gạo hạn ngạch tháng này mới có 6.829 tấn gạo đã được xuất khẩu. Ảnh chụp màn hình cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan - Ảnh: L.THANH

Thông tin phát đi ngày 19-4, Bộ Công thương cho biết các phương án điều hành xuất khẩu gạo đã có 2 lần trình Thủ tướng trên cơ sở xin ý kiến các bộ, ngành, tiếp thu, giải trình đầy đủ, gồm cả ý kiến Bộ Tài chính.

"Tất cả các báo cáo của Bộ Công thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch" - Bộ Công thương nhấn mạnh.

Dừng gạo tẻ thường giá thấp chỉ để mua vào dự trữ quốc gia?

Trước đó, trong thông tin phát đi ngày 17-4, Tổng cục Hải quan cho rằng Bộ Công thương đã không tiếp thu, liên quan đến đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm, và chỉ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến ngày 15-6 để đảm bảo mua gạo dự trữ quốc gia.

Theo tài liệu của Tuổi trẻ Online, tại văn bản đóng góp ý kiến về xuất khẩu gạo của Bộ Tài chính  ngày 3-4, lý do của đề xuất trên là để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia. Bởi đang có tình trạng các doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ không thực hiện thương thảo hợp đồng.

Đề xuất này không được tiếp thu ngay trong bản Bộ Công thương gửi Thủ tướng ngày 6-4. Văn bản đính kèm cũng đã có giải trình cụ thể lý do không đồng ý.

Cụ thể, do trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, giảm tới 40% so với thông thường, cộng thêm vụ hè thu sắp thu hoạch, nên lượng gạo còn lại rất nhiều.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật về hợp đồng, đấu thầu để báo cáo Thủ tướng xem xét và có chế tài phù hợp với các hợp đồng không tuân thủ.

Tìm hiểu thêm của Tuổi trẻ Online, loại gạo tẻ thường mà Bộ Tài chính đề nghị cấm xuất khẩu tới ngày 15-6 là gạo IR50404, mục đích là để cơ quan dự trữ quốc gia mua vào.

Một lãnh đạo Bộ Công thương cho hay việc không tiếp thu đề nghị này vì "không phù hợp". Lý do là gạo IR50404 diện tích xuống giống năm nay rất ít, chỉ 12-13% tổng diện tích. Do đó, nếu chỉ cấm xuất khẩu với loại gạo này, thì đa số gạo vẫn được xuất khẩu, tức là có thể đe dọa tới an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tư duy cấm để ép dân phải bán giá rẻ cho dự trữ theo là "không thể chấp nhận".

Trường hợp thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính, thì toàn bộ gạo xuất khẩu sẽ  trưng cầu giám định để đảm bảo, gạo xuất đi không phải là gạo IR50404. Như vậy có nguy cơ phát sinh chi phí, gây gánh nặng cho doanh nghiệp. Vấn đề này Bộ Công thương cũng nêu ra trong bản giải trình tại văn bản ngày 6-4 gửi Thủ tướng.

Ngày 10-4 Thủ tướng quyết mới gửi góp ý có chậm?

Một vấn đề khác được Tổng cục Hải quan nhắc lại và cho rằng Bộ Công thương không tiếp thu, là văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương ngày 10-4, nêu rõ: Phương án điều hành được nêu cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Tuy nhiên, khi rà soát lại hai báo cáo chính thức được Bộ Công thương đại diện cho đoàn kiểm tra liên ngành soạn gửi Thủ tướng, cho thấy từ báo cáo ngày 28-3, Bộ Công thương đã đưa ra nguyên tắc quản lý số lượng được phép xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu sẽ diễn ra theo cách thức doanh nghiệp đăng ký tờ khai trước sẽ được xuất khẩu trước, và trừ lùi vào tổng lượng tháng 4. Nếu lượng thực xuất ít hơn số lượng đã mở theo tờ khai, thì sẽ được cộng trở lại.

Báo cáo này còn khẳng định: "Đoàn kiểm tra liên ngành thống nhất cho rằng với kinh nghiệm, nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện nay, phương án đã trình bày là khả thi về mặt kỹ thuật với Tổng cục hải quan".

Nội dung này tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng ngày 6-4 trên cơ sở đã tiếp nhận góp ý. 

Thực tế, trong văn bản góp ý của Bộ Tài chính gửi ngày 3-4, không nhắc đến những bất cập, khó khăn trong triển khai cơ chế về đăng ký tờ khai hải quan khi tiến hành xuất khẩu.

Lưu ý này chỉ được Bộ Tài chính đưa ra trong văn bản góp ý ngày 10-4, cũng là ngày mà Thủ tướng đã đồng ý cho xuất 400.000 tấn gạo tại văn bản 2827. Lúc đó, Bộ Tài chính mới nêu ra bất cập trong phương án Bộ Công thương đưa ra, là doanh nghiệp sẽ rất bị động...

Theo một chuyên gia về thương mại, việc quản lý số lượng gạo xuất khẩu theo nguyên tắc đăng ký trước sẽ được xuất trước, sẽ đảm bảo công bằng nếu có biện pháp quản lý về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng "mở tờ khai để xí chỗ".

Theo đó, tới đây cơ quan hải quan có thể đưa ra biện pháp kỹ thuật như yêu cầu doanh nghiệp khai thông tin quan trọng là tên tàu và số hiệu container. Như vậy thì tất cả các doanh nghiệp đang tồn hàng tại cảng sẽ được đi hết vì đã có tàu chờ (tên tàu) và hàng đã có sẵn trong container tại cảng (số hiệu container và thậm chí là số kẹp chì).

Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Tổng cục Hải quan nói gì? Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Tổng cục Hải quan nói gì?

TTO - Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch, ngày 17-4, Tổng cục Hải quan đã thông tin nhiều vấn đề trong điều hành xuất khẩu gạo.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên