Luận tội, đề nghị mức án vụ Vạn Thịnh Phát: Cần loại trừ bà Trương Mỹ Lan khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn
Xem mức án viện kiểm sát đề nghị với 86 bị cáo TẠI ĐÂY
Bị cáo buộc 3 tội, bà Trương Mỹ Lan phủ nhận thâu tóm SCB
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB, qua đó thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho SCB tổng cộng hơn 630.000 tỉ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội: tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại tòa trước đó, bà Trương Mỹ Lan phủ nhận nắm 91% cổ phần SCB. Quá trình hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB, bà Lan nói mình chỉ đứng ra kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, kêu gọi bạn bè và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65% cổ phần, cho mượn nhiều tài sản để giúp SCB tái cơ cấu.
Tuy nhiên khi được hỏi tên của các cổ đông nước ngoài đã góp vốn vào SCB, bà Lan nói không nhớ. Bà Lan cũng khẳng định những người ở SCB không phải thân tín của mình và bà không có quyền thao túng SCB.
Bà Lan xin hội đồng xét xử xem xét việc định giá bất động sản theo giá thị trường, xem xét lại về số tiền quy buộc là chiếm đoạt, gây thiệt hại, xem xét các tội danh quy buộc đối với bà.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng phủ nhận việc đưa hối lộ cho một số cán bộ trong đoàn thanh tra ngân hàng để che giấu sai phạm của SCB.
Hai cựu lãnh đạo thanh tra ngân hàng đổ lỗi cho nhau
Tại tòa, ông Nguyễn Văn Hưng (nguyên phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) nói mình là người ký quyết định thanh tra chứ không phải là người phụ trách thanh tra giám sát.
Bị cáo không chỉ đạo làm sai lệch kết quả thanh tra. Bị cáo không nhớ rõ có tham gia các cuộc họp mà các thành viên đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra. Bị cáo có đọc báo cáo của đoàn thanh tra, chấp thuận báo cáo của đoàn thanh tra báo cáo Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của bị cáo thì bị cáo đã thừa nhận và trình bày rõ.
Đối với báo cáo của CIC, sau khi nhận được báo cáo của CIC thì đã bút phê là chuyển đoàn thanh tra xử lý gấp, theo đó đoàn thanh tra phải xử lý theo chỉ đạo của bị cáo trước đó. Việc không thực hiện là trách nhiệm của đoàn thanh tra.
Theo quy định thì trong quá trình thanh tra không gửi các kết quả cho thành phần hội đồng quản trị, ban kiểm soát của ngân hàng, ngân hàng chỉ biết được các kết quả vi phạm từ lúc ký quyết định thanh tra.
Còn theo bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khi mang thùng xốp đựng tiền đến nhà bị cáo thì chỉ nói là gửi quà cảm ơn chứ cũng không nói là tiền và bao nhiêu.
Về báo cáo kết quả thanh tra lần 1 theo bị cáo là đúng sát với kết luận thanh tra thực tế và bị cáo đã trình cho bị cáo Hưng để báo cáo nội dung cho Ngân hàng Nhà nước và chuẩn bị cho cuộc họp báo cáo Chính phủ nhưng ông Hưng đã chỉ đạo để sửa lại, sau đó bị cáo chỉ đạo cho cấp dưới là chị Phụng, Tuấn Anh, Khánh Linh sửa lại.
"Bị cáo cho rằng bị cáo Hưng không dám thừa nhận đã chỉ đạo sửa, bị cáo sẽ đưa ra chứng cứ chứng minh anh Hưng đã chỉ đạo, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm báo cáo lên bàn anh Hưng, còn báo cáo lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ là anh Hưng phải chịu trách nhiệm" - bà Nhàn khai.
Các bị cáo khác hầu hết đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
SCB muốn được ưu tiên thu hồi nợ
Được xác định là bị hại trong vụ án, đại diện Ngân hàng SCB cho rằng tổng số tiền thiệt hại thực tế (tính đến ngày 17-10-2022) là: 677.286 tỉ đồng và tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18-10-2022 cho đến ngày 5-3-2024 là 84.515 tỉ đồng. Số tiền này tiếp tục phát sinh cho đến khi SCB thực tế thu hồi được nợ.
Đối với vật chứng là 1.116 tài sản bảo đảm và vật chứng là những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa, thu giữ được, SCB kính đề nghị giao cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý…
Đối với những tài sản bị hoán đổi và xuất ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, SCB đề nghị hội đồng xét xử có biện pháp quyết định thu hồi 240 tài sản hoán đổi nói trên và các tài sản khác được hoán đổi (nếu có cơ sở xác định) để giao lại cho Ngân hàng SCB quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý… để thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại.
SCB đề nghị hội đồng xét xử tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm và kê biên, phong tỏa tài sản thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, những cá nhân đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan còn chưa được kê biên, phong tỏa... giao cho SCB để khắc phục thiệt hại.
Bên cạnh đó, SCB yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan là các công ty thẩm định giá; xác định quyền ưu tiên thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại khi xử lý tài sản; trách nhiệm bồi thường, khắc phục thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận