Trả lời đại diện viện kiểm sát, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khai: khi bà Trương Mỹ Lan cần một số tiền để phục vụ nhiều mục đích, bị cáo được chỉ đạo phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để lấy thông tin về cá nhân, pháp nhân đứng tên khoản vay, tài sản đảm bảo.
Đọc thêm về vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY
Từ thần tượng, đến thất vọng với bà Trương Mỹ Lan
Bị cáo khẳng định không tham gia vào việc tìm người vay hay tạo lập công ty, bị cáo chỉ yêu cầu cấp dưới về thủ tục hồ sơ vay.
Về việc bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng các bị cáo ở SCB tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản của bà Lan đưa vào để rút tiền thì bị cáo nói mình đã làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 5-2010, trải qua nhiều vị trí, chức vụ từ phó giám đốc khối tái thẩm định cho đến phó tổng giám đốc.
"Lúc gặp chị Lan bị cáo rất thần tượng chị, bị cáo tin tưởng vào tài kinh doanh của chị nên trung thành tuyệt đối.
Chị Lan nói sao làm vậy mà không suy nghĩ gì, nhưng sáng nay nghe chị Lan nói vậy bị cáo không trách chị, mà bị cáo chỉ tự trách mình đặt niềm tin sai chỗ.
Trước đây, anh Võ Tấn Hoàng Văn có nói với bị cáo anh em mình không giỏi để làm chủ, nhưng phải lựa chủ giỏi để mà theo. Lúc đầu xảy ra vụ án, bị cáo suy nghĩ rằng mình sai như thế nào thì mình nhận như vậy, không đổ thừa cho ai.
Lúc đó bị cáo và nhiều anh em ở SCB động viên nhau là cố gắng hết sức để giúp chị Lan vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng sau phần khai của chị Lan, bị cáo thấy thất vọng", bị cáo Dung xúc động nói.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung bị cáo buộc trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với bị cáo Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo cấp dưới tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho bị cáo Lan sử dụng.
Bị cáo Dung biết rõ các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma" do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống Core Banking tại Ngân hàng SCB là "HSTT - Hội sở tiếp thị".
Các khoản vay này giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay.
Thực tế các đơn vị tại Ngân hàng SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Dung đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.000 tỉ đồng và gây thiệt hại lãi phát sinh 69.000 tỉ đồng.
Bị cáo Tạ Chiêu Trung (tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú) khai được bà Trương Mỹ Lan giao theo dõi, quản lý biến động cổ đông tại Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên bị cáo chỉ theo dõi riêng nhóm cổ đông đứng tên giùm bà Trương Mỹ Lan vì SCB có số lượng cổ đông rất lớn, lên đến hơn 3.000 cổ đông.
Bị cáo Trung cho biết được giao bảng theo dõi có sẵn thông tin người đứng cổ phần, khi có chuyển nhượng, thay đổi thông tin về người đứng tên cổ phần thì bị cáo sẽ cập nhật trên danh sách.
Bị cáo Tạ Chiêu Trung được bà Trương Mỹ Lan giao luôn việc điều hành việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông để đảm bảo các cá nhân đứng tên cổ phần hộ Trương Mỹ Lan đúng tỷ lệ % quy định của Ngân hàng Nhà nước (dưới 5%).
Đồng thời, cổ đông phải là người thân quen để họ không gây khó dễ, nếu các cá nhân chuyển nơi cư trú (ra nước ngoài), bị bệnh nặng thì phải chuyển nhượng ngay cho người khác tránh rắc rối.
Để chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Tạ Chiêu Trung liên hệ với Đặng Phương Hoài Tâm (Văn phòng hội đồng quản trị Công ty Vạn Thịnh Phát) và các nhân viên tập đoàn, lấy thông tin nhân thân của người nhận chuyển nhượng và bà Trương Mỹ Lan là người chi trả tiền thuế, phí chuyển nhượng.
Dương Tấn Trước: Bà Trương Mỹ Lan nhiều lần hứa trả tiền nhưng chưa thực hiện
Về lời khai của bà Trương Mỹ Lan cho rằng bị cáo Dương Tấn Trước và các bị cáo thuộc SCB tự xử lý đối với khoản vay 1.500 tỉ đồng, bị cáo Trước khẳng định việc này có sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo bị cáo Trước, trong quá trình hợp tác làm việc, bà Lan lúc nào cũng có một danh sách các dự án có dư nợ xấu ở Ngân hàng SCB.
Bị cáo nhận thấy dự án Thanh Yến có pháp lý đầy đủ, bà Lan cũng đề nghị bị cáo Trước và Công ty Tường Việt nhận chuyển nhượng với giá 2.500 tỉ đồng.
Bị cáo Trước không phải thanh toán tiền, mà lập hồ sơ vay 3.500 tỉ đồng của SCB. Trong đó: 2.500 tỉ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến; 1.000 tỉ đồng để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.
Dương Tấn Trước chỉ đạo nhân viên của Công ty Tường Việt phối hợp nhóm ở SCB thực hiện phương án vay vốn bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay, với số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên cũng theo bị cáo Trước, sau đó bà Trương Mỹ Lan đã nói bị cáo tập trung làm việc khác, để lại dự án Thanh Yến cho Trương Huệ Vân phát triển.
Sau khi lấy lại dự án Thanh Yến, bà Lan cũng nhiều lần hứa sẽ trả lại tiền cho bị cáo Trước nhưng chưa thực hiện.
Còn về khoản vay 1.500 tỉ đồng, bị cáo Trước nói là phí dịch vụ. "Bằng trí tuệ của mình, bị cáo tư vấn pháp lý một số dự án cho chị Lan nên chị Lan hứa sẽ trả phí dịch vụ cho bị cáo. Thế nhưng chị Lan nói chưa có tiền nên nhờ công ty của bị cáo vay Ngân hàng SCB vì công ty tín dụng tốt", bị cáo Trước nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận