Theo thông báo mới nhất của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) gửi đến phụ huynh vào tối 18-3, sau một ngày làm việc cùng với các cơ quan ban ngành cũng như các nhà đầu tư, những vấn đề về nhân sự, tài chính của nhà trường vẫn đang tiếp tục được quyết liệt giải quyết.
Khó khăn tài chính
Nhà trường sẽ hoạt động trở lại vào ngày 19-3, nhằm đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại. "Việc dạy và học vẫn sẽ có sự gián đoạn không thể tránh khỏi trong tuần này. Nhà trường sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách để việc dạy và học trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể", thông báo cho biết.
Ngày 18-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ tịch hội đồng trường AISVN, xác nhận việc nhà trường hiện đang gặp khó khăn về tài chính dẫn đến không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho tập thể giáo viên và nhân viên trường nên họ không đến trường giảng dạy.
"Nhà trường mời phụ huynh họp hôm 17-3 để cùng tìm ra giải pháp giúp trường trong thời gian khó khăn về tài chính. Chiều 18-3, nhà trường đã họp để tập trung giải quyết những vấn đề về nhân sự, tài chính của trường.
Hằng năm nhà trường có đợt nghỉ xuân trong thời gian một tuần. Nên trường cũng họp để sắp xếp lại kế hoạch nghỉ xuân phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh không bị mất bài trong thời gian nghỉ học và không bị ảnh hưởng" - bà Em khẳng định.
Đồng thời bà Em cũng thừa nhận vào thời điểm tháng 10-2023 nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. "Chúng tôi vô cùng cảm ơn toàn thể phụ huynh đã đồng hành cùng nhà trường, đóng góp các khoản thu bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024. Phần lớn phụ huynh đóng thêm phí dịch vụ xe đưa đón học sinh, một số ít đóng phí nâng cấp chương trình học thuật IB, nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất…
Nhưng sự đóng góp nửa chừng bị gãy do một số ý kiến chưa đồng thuận trong hội phụ huynh. Số tiền đóng góp của phụ huynh cuối cùng vẫn không đủ để giải quyết khó khăn trước mắt của nhà trường", bà Em nói.
"Cần khoảng 50 tỉ"
Về các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn hiện nay của nhà trường, bà Út Em cho biết đồng ý tiếp xúc với các quỹ đầu tư ngắn hạn. Theo bà, hiện nhà trường có hơn 1.300 học sinh với hơn 900 phụ huynh. Các phụ huynh có thể đầu tư vào trường để sở hữu cổ phần.
"Thật ra nhà trường hiện đang cần khoảng 50 tỉ đồng, để an toàn thì có nguồn tiền đầu tư vào trường 80 tỉ đồng, nên tôi không cần đến mức 200 tỉ đồng.
Nếu không có quỹ đầu tư, không có nguồn vốn của phụ huynh, tôi tính đến giải pháp thứ ba là mời nhóm nhà đầu tư vào trường để sở hữu cổ phần của trường. Tuy nhiên, tôi mong muốn việc đầu tư vào trường phải góp phần ổn định nhân sự nhà trường, không gây xáo trộn", bà Út Em nói.
Bà Út Em cũng xác nhận sẽ thông báo số lượng phần trăm cổ phần cụ thể vào ngày 19-3, sau khi có kết quả cuộc làm việc với đối tác. Bà cũng đồng ý tiếp xúc với các quỹ đầu tư ngắn hạn (không chỉ riêng quỹ đầu tư mà ông L.A.T. giới thiệu) và chậm nhất ngày 21-3 sẽ phải có giải pháp.
Các cuộc tiếp xúc và thương lượng với quỹ đầu tư sẽ có sự chứng kiến của đại diện phụ huynh và đại diện ban điều hành để làm sao cuộc thương lượng sớm đi đến kết quả và nhà trường được vận hành trở lại sớm nhất có thể.
Phụ huynh gửi đơn đến Sở GD-ĐT
Chiều 18-3, một nhóm phụ huynh đã đến Sở GD-ĐT TP.HCM để gửi đơn cầu cứu khẩn cấp và phản ánh việc học sinh Trường quốc tế AISVN đến trường nhưng không có giáo viên. Nguyên nhân là do giáo viên không được nhà trường trả lương, nợ bảo hiểm, vi phạm cam kết... nên đồng loạt nghỉ việc, lúc 21h ngày 17-3.
Theo phụ huynh, thời gian qua rất nhiều lần phụ huynh đối thoại, đóng tiền, hỗ trợ trả lương giáo viên nhưng bà Út Em không khẩn trương giải quyết vấn đề.
Nay phụ huynh làm đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đơn đến Sở GD-ĐT đề nghị khẩn trương tham mưu lãnh đạo, cấp có thẩm quyền giải quyết cho các em học sinh sớm được quay trở lại trường tiếp tục học tập, tránh gây ra những ảnh hưởng, hệ lụy xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến ngành giáo dục.
Đồng thời một nhóm phụ huynh khác cũng cho biết đã gửi đơn đến cơ quan công an yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em.
Cũng theo phụ huynh, phản ánh liên tục từ giáo viên nước ngoài đến học sinh và phụ huynh về việc bà Út Em vi phạm hợp đồng lao động, không thực hiện trả lương đúng hạn với đỉnh điểm là việc chậm trả lương và đơn phương ngừng đóng bảo hiểm y tế từ tháng 1-2024 dẫn đến việc giáo viên không thể đến trường để giảng dạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận