07/04/2019 09:25 GMT+7

'Vũ trụ giang hồ' từ phim chiếu trên mạng

TIẾN VŨ - ĐỨC TRẦN - NGỌC DIỆP
TIẾN VŨ - ĐỨC TRẦN - NGỌC DIỆP

TTO - Thời gian gần đây, khi truy cập vào mục top trending (xu hướng) của YouTube, sẽ thấy những video có nội dung về 'anh chị' đại ca giang hồ và hàng loạt web drama, phim ca nhạc có đề tài về các băng đảng xã hội đen.

Vũ trụ giang hồ từ phim chiếu trên mạng - Ảnh 1.

Đang có xu hướng làm phim giang hồ, “anh chị”, bạo lực chiếu trên YouTube, thậm chí khi ăn khách còn được dựng lại để chiếu rạp - Ảnh: Q.ĐỊNH

Dù được đầu tư sản xuất nhưng chúng chỉ dừng lại ở mức phim giải trí bởi kịch bản lỏng lẻo, hời hợt. Nhưng không chỉ có vậy!

Cứ đâm thuê chém mướn là hot?

Nhiều nghệ sĩ hài đã thực hiện những sản phẩm có nội dung về cuộc sống để tiếp cận số đông khán giả.

Trong danh sách nghệ sĩ Việt đã nhận nút Play vàng YouTube có khá nhiều là "chủ nhân" của những dự án phim chiếu mạng giang hồ như Thu Trang, Quách Ngọc Tuyên, Nam Thư, Hồ Quang Hiếu, Lâm Chấn Khang. Quách Ngọc Tuyên là một diễn viên không được nhiều người biết đến đã nhanh chóng đạt được nút Play vàng sau web drama Vi Cá tiền truyện.

Hồ Quang Hiếu với nhiều sản phẩm âm nhạc cũng phải đợi đến Thiếu niên ra giang hồ mới nhận được nút Play vàng.

Thực tế này dẫn đến câu hỏi: ở thị trường phim chiếu mạng, cứ làm phim về đề tài đâm thuê chém mướn là sẽ hot? Và nghệ sĩ biến mình thành người trong "giới anh chị" như một cách để gây chú ý?

Vì sao phim về đề tài giang hồ lại thu hút cộng đồng mạng?

Tháng 12-2018, web drama Người trong giang hồ phần 6 của ca sĩ Lâm Chấn Khang đã trở thành video VN đầu tiên lọt vào top 10 video nổi bật thế giới với 61 triệu lượt xem.

Sau đó xuất hiện Chị Mười Ba (Thu Trang), Anh Vi Cá (Quách Ngọc Tuyên), Thập Tứ (Nam Thư). Cứ thế, "vũ trụ giang hồ" trong phim chiếu mạng hình thành và là món ăn giải trí nổi bật từ năm 2018 tới nay.

Ưng Hoàng Phúc cũng nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi này với Ông trùm – Dẹp loạn giang hồ

Cũng trong năm 2018, trong top 10 video được xem nhiều nhất của VN có đến 5 sản phẩm có nội dung về đề tài giang hồ: Người trong giang hồ, Đại gia tửng phần 2 (Lâm Chấn Khang); Thập Tam Muội (Thu Trang); Giang hồ Chợ Mới (Thanh Tân, Xuân Nghị, Duy Phước) và Đại ca đi học (FAPtv Cơm Nguội).

Diễn viên hài Nam Thư trả lời Tuổi Trẻ: "Khán giả muốn xem thì nghệ sĩ chúng tôi sẽ thực hiện bằng những tâm huyết và công sức lao động của mình" (!?).

Không chỉ web drama, có nhiều clip của các nhóm Vlog dù vô tình hay cố ý cũng đã cổ xúy bạo lực học đường hoặc hình ảnh "anh chị" giang hồ.

Mang tính chất hài hước nhưng đoạn nhạc Những chị đại học đường (chế bài hát Baby one more time kinh điển) trên nền hình ảnh những nữ sinh đánh đấm bắt nạt bạn bè.

Điều đáng nói là trước đó, kênh channel của đoạn nhạc chế này chứa hầu hết là các clip giải trí tính chất hài, không nhuốm màu bạo lực, và được một nhóm làm nội dung video thực hiện có bài bản với hơn 2 triệu lượt đăng ký theo dõi - một con số kỷ lục với một Vlog người Việt.

Vũ trụ giang hồ từ phim chiếu trên mạng - Ảnh 4.

“Vũ trụ giang hồ” dần hình thành qua loạt web drama. Phim chỉ dừng lại ở mức phim giải trí bởi kịch bản lỏng lẻo, hời hợt

Chặn nội dung xấu chỉ là một giải pháp

Một nhà sản xuất (giấu tên) cho biết: "Việc lập một trang web hay một trang fanpage trên mạng xã hội rất dễ, không cần phải xin phép ai. Nếu cẩn thận thì gắn ở dưới đáy trang dòng chữ "đang chạy thử nghiệm", thử nghiệm cả... trăm năm cũng được. Phim để phát trên nền tảng này cũng thế, không cần phải xin phép, cứ thế tung lên mạng".

Nhà sản xuất này cho biết thêm: "Ngoài web drama, trên mạng còn đầy kênh có nội dung độc hại. Cá nhân tôi đã từng nhận thử thách phát triển một kênh theo hướng trí tuệ, nhân văn, còn đồng nghiệp thì chọn sốc - sex - sến. Chỉ thời gian ngắn trang của đồng nghiệp đã đạt được 100.000 người theo dõi, còn trang của mình ì ạch mãi".

Kể từ vụ xử lý phim sitcom Căn hộ 69 (năm 2014) đến nay, các cơ quan có chức năng ở VN vẫn còn rất lúng túng, chỉ khi dư luận lên tiếng, thanh tra, công an vào cuộc thì mới xử lý. Mạng xã hội vẫn là một không gian mới, quá mở, đầy thách thức, trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng tại VN đang khá chồng chéo.

Trailer series phim NGƯỜI TRONG GIANG HỒ | LÂM CHẤN KHANG

Liên quan đến những web drama bị cho là có vấn đề, nếu phim có đề cập đến vấn đề trẻ em phải có cơ quan bảo vệ trẻ em vào xác minh, liên quan đến bạo lực phải có công an vào cuộc, về phân tích nội dung phim phải có cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Nên lâu nay với sự chồng chéo này, cơ quan này vẫn nghĩ là việc của cơ quan kia. Chỉ khi báo chí lên tiếng, các cơ quan cùng vào cuộc thì mới giải quyết được vụ việc cụ thể.

"Việc chặn, hạ các trang có nội dung xấu hiện nay chỉ là một trong những giải pháp thôi, chứ không phải câu trả lời cho mọi vấn đề. Vì khi mình dùng quyền để yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài hạ một trang nào đó nếu không cẩn thận sẽ bị coi là lạm dụng quyền hạn, và có thể còn bị khiếu nại ngược" - một quan chức của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết.

Vũ trụ giang hồ từ phim chiếu trên mạng - Ảnh 6.

Poster phim Giang hồ Chợ Mới

Vị này cho biết thêm: "Nhiều nước có thể ra hẳn luật để buộc những ông lớn như Facebook, Google phải kiểm soát những video bạo lực, giết chóc. Nhưng ở VN quy định làm luật rất lâu. Hơn nữa luật của mình chỉ có thể điều chỉnh được các đối tượng ở VN, còn ở nước ngoài thì rất khó. Nên khi học kinh nghiệm quốc tế thì cũng phải vận dụng vào hoàn cảnh VN".

Các cơ quan chức năng ở VN đang nghiên cứu cách xử lý những kênh có nội dung xấu trên mạng xã hội, bằng cách liên kết với ngân hàng, để chặt đứt nguồn tiền mà những trang này kiếm được từ mạng xã hội nước ngoài.

Trong sự lúng túng đó của câu chuyện quản lý, ông Nguyễn Đăng Bền, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư IGV - Group, nhận định: "Cuối cùng vẫn là phải nâng cao nhận thức chung cho xã hội. Cung cấp cho người trẻ những sản phẩm văn hóa, giáo dục tốt hơn, cho họ nhiều trải nghiệm tốt hơn, khi đó họ sẽ có sức đề kháng và biết lựa chọn những sản phẩm tốt cho cá nhân họ".

Vũ trụ giang hồ từ phim chiếu trên mạng - Ảnh 7.

Một cảnh bạo lực trong học đường

Web drama là một hình thức phim chiếu mạng miễn phí, có thể một hoặc nhiều tập. Ở VN, các web drama thường chọn phát sóng trên YouTube. Bằng cách này, công chúng có thể theo dõi thuận tiện, linh hoạt hơn phim truyền hình và chiếu rạp nên nó trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ chọn lựa.

Thời gian gần đây, rõ là sức ảnh hưởng chung của từ khóa #đạica #gianghồ đang phổ quát trên diện rộng khiến những người làm nội dung phục vụ lượt xem để kiếm lợi nhuận thông qua quảng cáo và lượt tương tác đã chạy theo. Thậm chí họ làm sản phẩm chỉ hơn thua nhau về độ phủ sóng (viral) thay vì quan tâm đến mặt tích cực.

Dù được công chiếu miễn phí nhưng lợi ích thu về của những sản phẩm này là không hề nhỏ. Ngoài số tiền YouTube trả cho kênh khi đăng ký quảng cáo còn có tiền của các nhãn hàng tài trợ để đưa hình ảnh sản phẩm vào phim/clip. Vì lợi nhuận, nghệ sĩ nuông chiều thị hiếu của khán giả, còn những kẻ bất hảo thì chọn việc thực hiện các nội dung gây sốc về "cuộc đời thật" của một tay giang hồ để tối đa hóa lượng truy cập của người dùng mạng.

Sao chọn nắm đấm là giải pháp?

Năm 2018, nhà làm phim người Đan Mạch Lars von Trier đã táo bạo mang đến công chúng một trong những bộ phim bạo lực nhất lịch sử điện ảnh The house that Jack built (tạm dịch: Ngôi nhà của Jack) gắn các quan điểm nghệ thuật với kẻ sát nhân hàng loạt Jack.

Sau khi thực hiện vô số tội ác, Jack cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là tấm phông nền đạo đức giả, bởi "tội ác được mô tả trong tiểu thuyết là những khoái cảm thầm kín mà chúng ta không thể thỏa mãn trong nền văn minh bị kìm kẹp này".

Dù cho đó chỉ là lời ngụy biện của một nhân vật trong phim, nhiều người phải liên tưởng đến những tác phẩm điện ảnh chiếu mạng (web drama) đang gây lợn cợn cho người xem trong thời gian gần đây - ở cả khía cạnh nghệ thuật lẫn đạo đức.

Nếu so với Hàn Quốc và Trung Quốc, làn sóng web drama ở VN tuy bắt đầu muộn hơn nhưng lại đang mở rộng. Web drama là "mỏ vàng" cho các nhà làm phim bởi chúng không chỉ thoát khỏi sự kiểm duyệt khắt khe của các nhà đài, cơ quan văn hóa truyền thống mà còn tiếp cận được với lượng lớn người sử dụng mạng xã hội.

Trung tâm Chiếu phim quốc gia

Hai bạn trẻ lựa chọn phim tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG

Phim chiếu mạng thường có độ dài từ 8 - 10 phút để tiếp cận với thói quen của người dùng mạng xã hội. Thế nhưng, với thời lượng ngắn như vậy, nhà làm phim phải nghĩ cách tạo nên những đoạn thắt nút, mở nút rồi lại thắt nút ngay trong một tập phim để thu hút người xem đến với những phần sau.

Cũng chính vì thế, những bộ phim giang hồ thanh trừng hay ướt át tình cảm học đường có thể được xem là "đường tắt" cho các nhà làm phim vì dễ tạo xung đột, cao trào trong những môtip như vậy.

Với sự linh động, khả năng nắm bắt tâm lý giới trẻ một cách nhanh nhạy, web drama là một xu thế không thể đảo ngược.

Thế nhưng, những vấn đề đạo đức, văn hóa vẫn mãi luôn nhức nhối một khi các nhà làm phim tiếp tục đi theo con "đường tắt" hòng chiếm lấy số đông. Rồi sẽ lại có thêm những kẻ chọn trở thành một giang hồ thật để được giới trẻ tung hô chứ không phải xa xôi như trên màn ảnh.

Một xã hội như vậy còn tồi tệ hơn điều kẻ sát nhân Jack mô tả trong The house that Jack built, tội ác không những được chất chứa trong các bộ phim chiếu mạng mà còn được công khai và được một bộ phận công nhận.

Những web drama dễ dãi như hiện nay cũng không khác biệt nhiều so với các bộ phim về giang hồ Hong Kong những năm 1990 của thế kỷ trước. Nó có thể được thay thế bằng những bộ phim truyền hình chất lượng nhưng rất mất thời gian.

Với web drama, những nhà làm phim nghiêm túc và làm công tác văn hóa không có nhiều thời gian nữa bởi sự lan truyền mạnh mẽ của chúng trên mạng xã hội.

Cho đến khi nào còn suy nghĩ những nắm đấm giải quyết mọi vấn đề, dù là trên phim hay trong đời thực, khi ấy chúng ta còn phải sợ hãi cất lên tiếng nói của mình.

Theo Hãng tin AFP, sau thảm kịch xả súng hàng loạt tại New Zealand, ngày 4-4 Quốc hội Úc đã thông qua dự luật mới, buộc các công ty mạng xã hội như YouTube, Facebook phải chịu trách nhiệm rõ ràng và nghiêm túc hơn với những sai phạm xảy ra trên nền tảng của họ.

Theo đó, các lãnh đạo công ty mạng xã hội có thể bị bỏ tù đến 3 năm nếu không gỡ bỏ tức thời (sau khi được thông báo) các nội dung cực đoan. Đây có lẽ là điều luật đầu tiên trên thế giới quy trách nhiệm hình sự cho các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ liên quan tới các nội dung độc hại phát tán trên các nền tảng mạng xã hội.

Việc không gỡ bỏ các video ghi lại "một hành động khủng bố", giết người, tra tấn, cưỡng hiếp và bắt cóc bị cho là hành vi phạm pháp. Vì thế các đơn vị cung cấp nội dung cũng như dịch vụ hosting (dịch vụ lưu trữ dữ liệu online) sẽ phải chịu trách nhiệm.

Về mức phạt hành chính, các hãng công nghệ có thể đối mặt với mức phạt lên tới 7,5 triệu USD, hoặc 10% doanh thu toàn cầu thường niên của họ nếu không "loại bỏ nhanh chóng" nội dung vi phạm sau khi nhận được thông báo.

MAI THỤY - D.K.THOA

* Gắn trách nhiệm lên các nhà quảng cáo

Ông Nguyễn Quang Đồng

Ông Nguyễn Quang Đồng

Thông tin trên truyền thông nói chung đều có xu hướng là các thông tin tiêu cực hút khách hơn, những thứ nhảm nhí, thông tin xấu lan nhanh hơn các thông tin hữu ích.

Từ đó có thể xem đây là giải pháp để hạn chế thông tin xấu, nhảm nhí tràn lan trên mạng, cơ quan quản lý có thể làm ngay và rất hiệu quả đó là gắn trách nhiệm lên các nhà quảng cáo.

Cụ thể, Bộ Thông tin - Truyền thông có thể yêu cầu các nhà quảng cáo Việt Nam phải gây sức ép để quảng cáo không xuất hiện trong các video có nội dung tiêu cực, "xấu độc", đặc biệt là quảng cáo của các nhãn hiệu dành cho trẻ em như quảng cáo sữa...

Bộ Thông tin - Truyền thông hoàn toàn có thể can thiệp được. (Ông Nguyễn Quang Đồng -viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông)

* Cần ý thức rõ vai trò của nghệ sĩ

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh

Tôi không có điều kiện xem nhiều các sản phẩm trên các kênh YouTube nhưng tôi biết khi làm ra một sản phẩm nghệ thuật phải đáp ứng được tính thẩm mỹ, giáo dục và giải trí - điều cả thế giới công nhận chứ không phải riêng gì VN.

Tác phẩm có tính giáo dục, thẩm mỹ thì mới giá trị, được xã hội công nhận, đánh giá tốt. Nói "tôi chỉ làm để phục vụ giải trí" thì không ổn.

Là người nghệ sĩ, phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Từ trong trường học, chúng tôi đã giáo dục các sinh viên của mình rất rõ ý thức, vai trò của người nghệ sĩ, sự đóng góp của họ trên mặt trận văn hóa của cộng đồng, của xã hội. (Đạo diễn - NSƯT Công Ninh - trưởng khoa đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM)

* Phim ảnh có thể là nguyên nhân của hành vi xung hấn

Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn

Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn

Về chuyện phim ảnh bạo lực và tác động xấu của nó đối với nhân cách người trẻ, chúng ta đã hiểu biết khá nhiều và từ rất lâu, đặc biệt với nghiên cứu nổi tiếng ấn tượng được tiến hành từ những năm 1960 của thế kỷ 20.

Cụ thể, người ta cho trẻ mẫu giáo xem một băng hình người lớn ngồi trên con búp bê bơm hơi, đánh vào mũi, đầu và chân tay rồi đá búp bê liên tục. Sau đó, trẻ được đưa vào phòng với một búp bê và nhiều đồ chơi khác.

Như dự đoán, trẻ bắt chước hành động hung ác, đặc biệt chúng nghĩ ra thêm cách mới để hành hạ búp bê, và cũng đối xử tàn bạo với các đồ chơi khác. Tức là, không chỉ bắt chước hành vi xung hấn trông thấy mà trẻ thậm chí còn chơi hung hăng hơn hẳn. (Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn)

T.ĐIỂU - L.ĐOAN ghi

Khi "gái điếm", "giang hồ" bỗng nhiên mà hot trên web drama

TTO - Gần đây, loại hình web drama (phim chiếu mạng) chứng kiến sự ồ ạt ra mắt sản phẩm khai thác thân phận, đời sống của những phụ nữ buôn hương bán phấn, đại ca - chị đại hoặc cả hai.

TIẾN VŨ - ĐỨC TRẦN - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên