24/06/2019 19:53 GMT+7

Vụ tranh chấp 30.000 tỉ của gia đình bà Tư Hường: Có xử lý hình sự?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Khi vụ án xảy ra, đã có những ý kiến trái chiều quanh việc tranh chấp tài sản trong gia đình thì nên khởi kiện dân sự hay xử lý hình sự?

Vụ tranh chấp 30.000 tỉ của gia đình bà Tư Hường: Có xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chấn tố cáo con trai cùng một số đối tượng chiếm đoạt tài sản khoảng 30.000 tỉ đồng - Ảnh tư liệu

Liên quan đến việc ông Nguyễn Chấn (96 tuổi, chồng bà ) tố cáo con trai là (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á) câu kết với một số người tự ý mở két sắt và chiếm đoạt tài sản, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Tuy nhiên, các con gái của bà Hường lại có đơn gửi cơ quan điều tra cho rằng nếu có việc trong gia đình thì đó chỉ là quan hệ dân sự và các bên có thể khởi kiện ra tòa.

Mấu chốt của vụ án là việc ông Nguyễn Quốc Toàn có ý thức chiếm đoạt tài sản của cha mẹ hay không.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chấn cho rằng ông chỉ tạm giao cho con trai chìa khóa két sắt, mở hay không, mở lúc nào và dùng các giấy tờ có giá trị vào việc gì thì phải được ông cho phép.

Mặc dù vậy nhưng ông Toàn đã tự ý mở két sắt khi chưa được sự đồng ý của ông, tự ý sang tên cổ phần, chuyển dịch tài sản cho các cá nhân khác…

Trong khi đó, 3 người con gái của ông Chấn cho rằng các tài sản mà ông Toàn mua bán, chuyển nhượng là hợp pháp, hợp lệ vì đó là tài sản mà bà Tư Hường đã chia cho các con trước khi mất.

TS Đinh Thế Hưng - trưởng phòng pháp luật hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có) trong trường hợp này phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người cha.

Vì đối với các tài sản do người cha đứng tên, nếu ông nói đã cho phép con trai sử dụng hoặc thay mặt chuyển nhượng thì không vấn đề gì. Nếu người cha nói chỉ giao cho con giữ để phục vụ việc kinh doanh mà con lại sang tên đổi chủ thì người con dễ bị xử lý hình sự.

"Đặc thù của tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có được tài sản do chủ sở hữu giao cho bằng hợp đồng ngay thẳng, được lập hợp pháp. Sau khi có tài sản, người phạm tội nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt bằng các thủ đoạn như gian dối, cố tình không trả và không hề có ý định trả lại.

Bao trùm lên tội này là ý thức chiếm đoạt tài sản sau khi có được tài sản do chủ sở hữu giao. Nếu không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì tranh chấp giữa các bên sẽ chỉ là quan hệ dân sự" - TS Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, từ trước đến nay việc xử lý hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rất khó, bởi ranh giới giữa "được tín nhiệm" và ý thức chiếm đoạt rất khó phân định.

Đối với tranh chấp trong gia đình bà Tư Hường, TS Hưng cho rằng cần làm rõ nội dung ủy quyền của ông Chấn cho con trai như thế nào mới có thể kết luận cụ thể

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng tài sản tranh chấp trong gia đình bà Tư Hường chủ yếu là bất động sản và cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp. Những tranh chấp này thông thường được giải quyết bằng pháp luật về dân sự hoặc kinh doanh thương mại.

"Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án tranh chấp tài sản thừa kế là rất thấp. Tuy nhiên, nếu có việc giả mạo chữ ký để hợp thức hóa sang tên các giấy tờ về bất động sản với cổ phần cổ phiếu, thay đổi người đại diện theo pháp luật những thành viên sáng lập của công ty cổ phần để nhằm mục đích chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hình sự" - luật sư Tú cho biết.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên