Iran và các tổ chức Hồi giáo thân cận với nước này cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh. Theo lời các quan chức Iran nói với New York Times hôm 31-7, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã chỉ đạo "tấn công trực tiếp vào Israel".
Iran cân nhắc kịch bản tấn công
Israel đã ám sát nhiều quan chức Iran cũng như các nhóm Hồi giáo thân Iran tại Trung Đông. Nhưng nguy cơ xung đột trực diện giữa Iran và Israel đã lớn hơn nhiều kể từ ngày 7-10-2023, thời điểm Israel phát động cuộc chiến nhằm tiêu diệt tổ chức Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Hồi tháng 4, Iran lần đầu tiên trực tiếp phóng hơn 300 tên lửa và drone vào lãnh thổ Israel mà không "sử dụng" các lực lượng ủy nhiệm. Đó là động thái nhằm đáp trả việc Israel ám sát các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định vụ ám sát ông Haniyeh lần này đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng không chỉ đối với cuộc chiến ở Dải Gaza mà còn với mối quan hệ vốn dĩ thù địch giữa Israel và Iran. Nếu Israel thực sự đã giết ông Haniyeh, đây sẽ là lần đầu tiên nước này tấn công vào lãnh thổ Iran bằng phương tiện bay phóng từ bên ngoài.
Từ đầu tháng 7, chỉ huy Amir Ali Hajizadeh của IRGC đã từng nói "chúng tôi đang đợi thời cơ" tấn công trực tiếp lần hai vào Israel với số lượng tên lửa và máy bay nhiều hơn nữa. Theo Đài Al Jazeera, hiện Iran có kho tên lửa lớn nhất Trung Đông, bao gồm các loại tên lửa siêu thanh về lý thuyết đủ sức vươn tới Israel chỉ trong vài phút.
Mặc dù vậy, cách thức và quy mô trả đũa của Iran lần này vẫn là điều chưa rõ. Đại giáo chủ Khamenei, Tổng thống Masoud Pezeshkian và IRGC đều chưa tiết lộ đây là một cuộc tấn công trực tiếp, tấn công bất đối xứng, hay một nỗ lực phối hợp với các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong "trục kháng chiến".
Nếu Iran và các nhóm ủy nhiệm cùng đánh Israel, điều này đồng nghĩa chiến tranh lan rộng trên nhiều mặt trận. Song theo chuyên gia về Iran Negar Mortazavi, hồi tháng 4 Iran đã không muốn có sự leo thang đáng kể sau khi Israel tấn công vào tòa nhà lãnh sự quán của họ ở Syria.
"Iran đã trả đũa nhưng theo một cách giảm thiểu tác động từ cuộc tấn công của mình nhằm tránh bước leo thang lớn. Tôi cho lần này cũng sẽ tương tự", nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách quốc tế (Washington, Mỹ) nói với Đài Al Jazeera.
Đùa với lửa
Những ý kiến như của bà Mortazavi nêu trên cho thấy các cuộc tấn công của Israel có thể "an toàn" với mục đích kép: vừa khiến Iran mất mặt và gửi thông điệp đe dọa cho sự an toàn của các nhóm Hồi giáo thân Iran, vừa có khả năng tiếp tục củng cố vai trò một lãnh đạo thời chiến cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Hiện nhiều ý kiến tin rằng số phận của ông Netanyahu đang nằm trong tay các bộ trưởng cánh hữu ở nước này. Dù vậy, kể cả khi các bên đều sáng suốt và không mắc sai lầm, màn đấu trí này vẫn tiềm ẩn mối đe dọa lớn và lâu dài.
Lữ đoàn Qassam, nhánh quân sự của Hamas, gọi vụ ám sát ông Haniyeh là "sự kiện nguy hiểm" có thể mang tới hậu quả lớn cho toàn bộ khu vực.
Trong khi đó, trên mạng xã hội X, cựu ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dùng lập luận thường thấy của phe thân Iran cho rằng Thủ tướng Israel Netanyahu cố ý kéo dài xung đột để giữ vị thế, tự cứu lấy sự nghiệp chính trị của mình.
Ông Zarif viết: "Mỹ và Liên minh châu Âu lúc này phải nhận ra rằng sự tồn vong của ông Netanyahu phụ thuộc vào cái chết và sự hủy hoại. Đã đến lúc phương Tây ngừng che chở cho sự điên rồ của ông Netanyahu, đồng thời cùng thế giới chấm dứt tình trạng hỗn loạn tự sát của ông ta".
Phe Iran có vẻ đoan chắc ông Netanyahu cố dùng chiến tranh để duy trì quyền lực, nhưng cũng thừa hiểu nhiệm vụ quan trọng nhất của Thủ tướng Israel vẫn là số con tin tại Dải Gaza.
Gần 10 tháng chiến tranh ở Gaza, các khảo sát gần đây tiếp tục cho thấy công chúng xem việc giải cứu con tin là ưu tiên hàng đầu chứ không phải "quét sạch Hamas" hay các chiến dịch nhỏ lẻ.
Hồi tháng 5, ngay cả một khảo sát trên tờ báo cánh hữu Hayom cũng cho thấy có 28% người trả lời nói kịch bản "chiến thắng" của Israel phải là giải cứu con tin, trong khi chỉ 17% xem bức tranh diễn tả sự hủy diệt dành cho Hamas là "chiến thắng".
Quan trọng hơn, cơn giận của Iran cũng tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Kể cả khi Iran không thể "xả giận" bằng việc tấn công đủ mạnh vào Israel, Tehran cũng sẽ có cớ đẩy mạnh chương trình hạt nhân khi họ nhận thấy nhiều "mối đe dọa an ninh" trong khu vực.
Đối với những nước mong muốn Iran giữ cam kết không làm giàu urani hay không chế tạo vũ khí hạt nhân, việc ngăn Israel "khiêu khích" cũng là mục tiêu cần đạt được...
Israel tuyên bố giết chỉ huy quân sự Hamas
Hôm 1-8, Israel tuyên bố đã giết chết Mohammed Deif, chỉ huy nhánh quân sự của Hamas, trong một vụ không kích tại Dải Gaza hồi tháng trước.
"Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) khẳng định rằng vào ngày 13-7-2024, các máy bay IDF đã tấn công khu vực Khan Yunis, và sau một đánh giá tình báo, có thể xác nhận Mohammed Deif đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công ấy", quân đội Israel thông báo.
Ông Deif được cho là một trong những "đạo diễn" của cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel vào ngày 7-10-2023, dẫn tới cuộc chiến Gaza như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận