Các cơ quan đang thúc đẩy việc xử nghiêm theo nghị định 42/2019 của Chính phủ về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản" để cứu ngành thủy sản.
Phạt "khủng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Hoàng Ân - phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho biết đang củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính với ông Lý Văn Theo (xã Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang). Dựa trên nghị định 42, ông Lý Văn Theo phải nộp phạt khoảng 2 tỉ đồng.
Sự việc này bắt nguồn từ việc cơ quan chức năng phát hiện một thiết bị giám sát hành trình tàu cá số BTK 001889 không được lắp đặt trên tàu cá, mà lắp đặt... trên tường của Hãng nước đá Phương Thảo I (thị trấn Rạch Gốc, Ngọc Hiển, Cà Mau). Khi kiểm tra để tìm chủ thiết bị hành trình tàu cá thì phát hiện thêm một thiết bị hành trình số BTK 002633 đặt trên nóc kho chứa xăng dầu Hoàng Quân (khóm 1, thị trấn Rạch Gốc).
Qua xác minh, hai thiết bị trên là của hai tàu cá do ông Lý Văn Theo làm chủ, đang đánh bắt trên biển nhưng không xác định được tọa độ.
"Dù đang trong quy trình củng cố hồ sơ, bước đầu khi lập biên bản, chủ tàu cá đã thừa nhận hành vi vi phạm, chấp nhận lỗi. Dự kiến cuối tuần này chúng tôi sang Kiên Giang làm việc, hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính, sau đó trình UBND tỉnh xử phạt. Việc xử lý này nhằm răn đe, tiến tới Cà Mau sẽ xử lý nghiêm với các tàu cá cố tình vi phạm" - ông Ân nói.
Tàu cá neo đậu tại cửa biển Rạch Giá sáng 20-11 và hai thiết bị giám sát hành trình phát hiện nằm bờ, thay vì được gắn trên tàu cá của ông Lý Văn Theo - Ảnh: K.NAM - N.HÙNG
Công an cũng vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết từ tháng 7-2019 đến nay, sở đã liên tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nghị định 42. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 10 đã tổ chức 2 đợt cao điểm kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả: đã kiểm tra, xử phạt 334 phương tiện không thực hiện các nội dung cam kết IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).
Đặc biệt, Công an tỉnh Kiên Giang cũng điều tra 3 nhóm đối tượng đã đưa 110 tàu đi khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài cũng như môi giới trung gian chuộc thuyền viên (ngư dân) về nước. Các lực lượng chức năng đã xử phạt 79 tàu cá vi phạm vùng biển các nước, với tổng số tiền phạt 4,7 tỉ đồng. Cùng với phạt tiền, cơ quan thẩm quyền còn ra quyết định tước giấy phép khai thác 6 tháng của 55 tàu cá.
Ông Tâm khẳng định dù rất thông cảm với các chủ tàu trong tình hình ngư trường cạn kiệt nhưng không thể không xử lý nghiêm. Vì nếu để EC chuyển từ "thẻ vàng" sang "thẻ đỏ" thì ảnh hưởng hết sức lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-11, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết dù xử lý tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ theo quy định tại nghị định 42 là khó khăn, nhưng Bình Định quyết tâm phải xử lý nghiêm để làm gương.
"Nếu không xử lý quyết liệt, một số ngư dân không có ý thức trong việc chống khai thác IUU tiếp tục vi phạm vùng biển nước khác thì rất khó gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam mà chúng ta đã cam kết với EC. Do vậy, dù "đau" cũng phải làm cương quyết" - ông Châu nói.
Đồ họa: TUẤN ANH
Huy động cả hải quân tham gia
Tại buổi thông tin về lĩnh vực thủy sản mới đây, ông Trần Đình Luân - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết sau 2 năm đã ban hành được Luật thủy sản, 2 nghị định, 8 thông tư, trong đó có việc thực thi pháp luật đưa mức xử phạt lên đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân. "Vừa rồi từ Chính phủ đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành khác và các địa phương đã vào cuộc rất mạnh. Đến nay, những vi phạm đánh bắt trái phép tại các quốc đảo không còn" - ông Luân nói.
Sau khi nghị định 42 có hiệu lực, 28 tỉnh đã xử phạt 417 trường hợp. Tại Bến Tre đã phạt trường hợp đầu tiên 800 triệu đồng với 1 tàu vi phạm. Ông Luân cho hay tới đây sẽ bố trí nguồn lực, nhân lực đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ xác nhận, chứng nhận, kiểm tra, thanh tra... Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng cảnh sát biển, biên phòng và hải quân đồng loạt ra quân, tiếp tục làm, áp dụng ngay những biện pháp để ngăn chặn tàu cá của chúng ta vi phạm ở các vùng biển.
* Bà CAO THỊ KIM LAN (giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định):
Ngư dân cần nghĩ đến lợi ích của cả ngành thủy sản
Đoàn kiểm tra vừa qua của EC đã quyết định kéo dài thời gian phạt "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, do việc khắc phục các hạn chế và các quy định trong khai thác chưa đạt kết quả tốt nhất như mong đợi. Việc EC kéo dài thời hạn phạt "thẻ vàng" này khiến ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục thiệt hại, việc xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EC tiếp tục bị kiểm duyệt khắt khe, doanh số giảm sút.
Trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU, tôi thấy Nhà nước đã thực hiện rất quyết liệt. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm, tôi tha thiết mong ngư dân Việt Nam khi khai thác cần nghĩ đến lợi ích của cả ngành thủy sản quốc gia, của uy tín Việt Nam. Tôi biết nhiều chủ tàu khó khăn, nguồn lợi thủy sản suy giảm, cạn kiệt. Tuy nhiên, nếu vì quyền lợi cá nhân của mình, của nhóm mình mà cứ làm liều, gây hại cho cả một ngành thủy sản quốc gia thì không thể chấp nhận được.
DUY THANH ghi
* Ông ĐẶNG DUY HẢI (chi cục phó Chi cục Thủy sản Đà Nẵng):
Miễn phí thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân
Đà Nẵng có hơn 520 tàu cá xa bờ nhưng chưa có trường hợp nào vi phạm nghị định 42, cũng như chưa vi phạm quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của EC (IUU).
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên hỗ trợ 100% giá trị thiết bị giám sát hành trình (20-30 triệu đồng/thiết bị) và 1 năm thuê bao cho chủ tàu. Đây là kết quả các động thái tích cực của cơ quan chức năng như tăng cường thanh tra, kiểm soát tàu ra vào cảng, cập nhật nhật ký hành trình, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thủy sản.
T.LỰC - L.TRUNG
Xuất khẩu thủy sản sang EU tiếp tục giảm
Theo VASEP, sau hơn hai năm EU cảnh báo "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt. Trong đó năm 2018 xuất khẩu sang thị trường này giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD. Xu hướng này tiếp tục sang năm 2019 khi tính đến ngày 15-10, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ đạt 1 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2018.
EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong 3 năm qua. Thế nhưng do tác động của "thẻ vàng" IUU, từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
TRẦN MẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận