08/02/2025 10:51 GMT+7

Vụ Thi hành án TP.HCM thu giữ 78 tỉ đồng: Bản án là pháp lý cao nhất, không được làm trái

Từ vụ Thi hành án dân sự TP.HCM thu giữ 78 tỉ đồng bị viện kiểm sát kháng nghị, các chuyên gia cho rằng bản án là pháp lý cao nhất mà cơ quan thi hành án phải thi hành theo.

Vụ Thi hành án TP.HCM thu giữ 78 tỉ đồng: Bản án là pháp lý cao nhất, không được làm trái - Ảnh 1.

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI

Vụ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ra quyết định thu giữ hơn 78 tỉ đồng bị viện kiểm sát kháng nghị đã thu hút sự quan tâm của dư luận cùng các chuyên gia pháp lý. 

Tuổi Trẻ Online trao đổi với các chuyên gia để làm rõ hơn vụ việc này.

Thi hành án phải tuân theo bản án

Theo luật sư Lê Văn Hoan - Đoàn luật sư TP.HCM, Luật Thi hành án dân sự quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm về việc thi hành án. 

Như vậy về nguyên tắc, chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự chỉ được thi hành theo nội dung của bản án.

Và trong quá trình thi hành án thì viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nếu phát hiện vi phạm trong việc thi hành án thì viện kiểm sát kháng nghị hành vi, quyết định của thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm...

Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - cũng cho rằng theo quy định, bản án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý cao nhất để Cục Thi hành án dân sự thi hành theo. Trong bản án hình sự phúc thẩm tuyên rõ về trách nhiệm dân sự của Công ty ALC II, của ông Vũ Quốc Hảo và các đương sự khác liên quan khoản tiền bồi hoàn hơn 78 tỉ đồng.

"Trong tình huống Cục Thi hành án dân sự cho rằng án tuyên chưa rõ, chưa chính xác thì có quyền đề nghị giải thích, kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định.

Nếu không, cơ quan thi hành án phải chấp hành bản án. Theo quy định Luật Thi hành án dân sự, trong 10 ngày kể từ khi thu được tiền, tài sản thi hành thì chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán...", luật sư Tuấn nói.

Phải trả lời kháng nghị của viện kiểm sát

Liên quan đến kháng nghị của viện kiểm sát, luật sư Lê Văn Hoan cho rằng Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được kháng nghị thì cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải trả lời kháng nghị.

Nếu chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải thực hiện theo kháng nghị. 

Nếu không nhất trí với kháng nghị của viện kiểm sát thì Cục Thi hành án dân sự phải báo cáo với Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. 

Văn bản trả lời của thủ trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Nếu xét thấy văn bản trả lời kháng nghị đã có hiệu lực thi hành của Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự không có căn cứ thì viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tháng 11-2020 Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án hình sự phúc thẩm về vụ án tham ô xảy ra tại ALC II. Bản án nêu: "Toàn bộ số tiền Công ty ALC II được bồi thường và hoàn trả sẽ giao cho Công ty hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt". Đây là công ty quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết tuyên bố phá sản đối với Công ty ALC II.

Đến tháng 10-2024, Cục Thi hành án dân sự đã nhận số tiền hơn 78 tỉ đồng, nhưng lại ra quyết định thu giữ mà không giao cho Công ty Sen Việt như án tuyên.

Nhận thấy việc làm trên là trái bản án, không đúng quy định pháp luật nên Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị.

Phản hồi với Tuổi Trẻ Online, Cục Thi hành án dân sự TP cho hay đã báo cáo, đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, hướng dẫn nghiệp vụ để có cơ sở xử lý đối với số tiền đã thu giữ.

Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty ALC II được Bộ Công an khởi tố vào năm 2011. Trải qua nhiều phiên tòa xét xử, tòa đã tuyên phạt tử hình đối với 2 bị cáo đứng đầu là Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc ALC II và Đặng Văn Hai, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh.

Vụ Thi hành án thu giữ 78 tỉ đồng: Bản án là pháp lý cao nhất, không được trái - Ảnh 2.Vụ kháng nghị thu giữ 78 tỉ trái bản án: Thi hành án TP.HCM xin ý kiến cấp trên

Từ kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM về việc Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thu giữ hơn 78 tỉ đồng trái bản án, quy định trong vụ án Công ty Cho thuê tài chính II, cục này đã báo cáo xin ý kiến cơ quan cấp trên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên