Phạm Công Danh tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần khẳng định sẽ bán tài sản để khắc phục hậu quả nhưng mọi việc không đơn giản như lời nói.
Ngày 9-8, hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm làm thất thoát 9.000 tỉ đồng tiếp tục với phần xét hỏi.
HĐXX đã yêu cầu bị cáo Danh làm rõ phần vốn góp của hai vợ chồng bị cáo Danh trong số vốn điều lệ 1.000 tỉ của Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh.
Lấy tài sản trả nợ: “Chờ bàn thêm!”
Theo trình bày của bà Quách Kim Chi, vợ bị cáo Phạm Công Danh, Công ty TNHH Thiên Thanh được thành lập vào năm 2000, vốn điều lệ là 50 tỉ.
Sau đó, tới năm 2010 thì thành lập Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh với hai thành viên là bà Kim Chi và chồng là bị cáo Danh, vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Danh góp 80% tương đương 800 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về nguồn vốn góp 20%, tương đương 200 tỉ đồng của bà Chi vào Tập đoàn Thiên Thanh là góp bằng gì, có giấy chứng nhận góp vốn hay không, giấy chứng nhận do cơ quan nào cấp và hiện đang ở đâu?
Bà Kim Chi cho rằng do doanh nghiệp hoạt động theo mô hình gia đình, toàn bộ tài sản giữa hai vợ chồng là tài sản chung, do chồng quyết định có sự đồng ý của mình nên không rõ.
Theo lời bị cáo Phạm Công Danh, trong quá trình thành lập, chuyển đổi và nâng vốn điều lệ từ 50 tỉ lên 1000 tỉ có nộp tiền mặt vào tài khoản, có khi đưa tài sản vào. Tuy nhiên do sức khoẻ không tốt, thời gian qua đã lâu nên không nhớ rõ, đề nghị cho phép trao đổi với luật sư và trình bày, giao nộp các giấy tờ chứng minh sau.
Trước đó, luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo Nguyễn Chí Bình, nguyên giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch IDICO (IDICO), hỏi bị cáo Danh có sẵn sàng sử dụng các tài sản thế chấp để khắc phục hậu quả, nếu chưa đủ thì có bổ sung thêm để khắc phục hậu quả hay không?
Bị cáo Danh đáp: “Mong muốn, nguyện vọng của tôi là tận dụng hết các tài sản có sẵn, cả kê biên và không kê biên để khắc phục tất cả chứ không riêng vụ việc của ông Bình. Những tài sản của IDICO có liên quan tới trách nhiệm của tôi và vợ tôi, vì hiểu biết và trình độ của tôi chưa rõ đâu là của tôi và vợ tôi. Tài sản hình thành do hai vợ chồng, nhưng trách nhiệm hoàn toàn không liên quan tới vợ tôi, do đó đề nghị xem lại tôi làm chứ vợ tôi không biết gì”.
Bà Quách Kim Chi khẳng định: “Với tư cách là vợ và là thành viên sáng lập, có trách nhiệm tới đâu thì xin HĐXX xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, với từng trường hợp cụ thể, xin phép để tôi bàn với chồng tôi về hướng giải quyết”.
Bị cáo kêu oan
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Phan Thành Mai trình bày về số tiền 4.500 tỉ đồng mà nhóm cổ đông mới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), nộp vào tài khoản phong tỏa của Agribank làm vốn điều lệ theo phương án phát hành cổ phần của VNCB.
Số tiền này sau khi được phê duyệt tái cơ cấu đã rút ra, hòa vào dòng tiền của ngân hàng từ tháng 1-2014.
Sau khi đưa vào dòng tiền của ngân hàng, VNCB đã trả lại cho BIDV tổng cộng 2.600 tỉ đồng. Trong đó, tổng số nợ mà 12 cổ đông thuộc Tập đoàn Thiên Thanh vay BIDV gồm lãi là 4.700 tỉ đồng, trừ số đã thanh toán thì còn nợ lại 2.100 tỉ đồng.
Số tiền 2.600 tỉ đồng đã trả cho BIDV thì có khoảng 2.500 tỉ đồng được đảm bảo bằng tài sản là bất động sản, trong đó có sân vận động Chi Lăng và một lô đất khác. Theo định giá của Hội đồng định giá trong vụ án thì hai lô đất này chỉ được định giá là khoảng 2.600 tỉ đồng, tuy nhiên giá trị thực tế cao hơn rất nhiều.
Chỉ tính riêng Hội đồng định giá của một ngân hàng khác, giá trị lô đất này được định giá là khoảng 6.000 tỉ đồng. Do đó, nếu lấy tài sản đảm bảo bán đi để tất toán khoản vay thì tài sản còn dư chứ không gây thiệt hại gì.
Bị cáo Phan Tuấn Anh, nguyên quyền trưởng phòng tín dụng hội sở VNCB - người bị truy tố về hành vi làm thất thoát 1.600 tỉ đồng của VNCB - khẳng định: “Dòng tiền làm tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 7.000 tỉ đồng bằng số tiền vay của BIDV đã hòa vào dòng tiền của ngân hàng.
Trong đó, ngoài số tiền đã trả nợ 2.600 tỉ, số tài sản còn lại có giá trị thực tế cao hơn nhiều lần số tiền còn nợ. Liên quan tới các hồ sơ mà cáo trạng cáo buộc bị cáo không thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp và phương thức sử dụng vốn của Tập đoàn Thiên Thanh là làm oan.
Vì quy định không buộc bị cáo phải thực hiện các việc này, mà trách nhiệm đó thuộc về bộ phận, cá nhân khác. Bị cáo chỉ có thể thẩm định thực tế khi có yêu cầu, trong khi không có ai yêu cầu bị cáo làm điều đó vì hồ sơ đã đầy đủ theo quy định. Cho tới giờ này, bị cáo khẳng định không vi phạm bất cứ quy định nào và bị cáo bị oan”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận