Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS được đề nghị nhận tiền "hỗ trợ" để rút đơn - Ảnh: THÁI THỊNH |
Vỏ tàu thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc trong hợp đồng, chất lượng và quy trình sơn tàu không đảm bảo, máy tàu không đúng, phát biểu của những người có trách nhiệm trước sau không đồng nhất hay nghi vấn dùng tiền mua sự im lặng của ngư dân… Tất cả những khuất tất trong chuyện vừa đóng xong đã gỉ sét và hư hỏng máy móc phải nằm bờ tại Bình Định đang làm dư luận rất bức xúc.
Nhiều ý kiến bức xúc về việc Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng tàu sai thiết kế, sai chi tiết dẫn đến việc hư hỏng nhưng vẫn cứ “lấp lửng”...
Phải bồi thường thiệt hại khi tàu nằm bờ
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, công ty đóng tàu và ngư dân phải có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng đóng tàu.
Trường hợp công ty đã thay đổi vỏ tàu, máy tàu hoặc các nguyên vật liệu khác so với hợp đồng mà không có thỏa thuận với ngư dân là phía công ty đã vi phạm hợp đồng.
“Đây là sự vi phạm hợp đồng khi một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Do đó, công ty đóng tàu phải có nghĩa vụ bồi thường hợp đồng”, ông Lễ phân tích.
Điều 302 Luật thương mại quy định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu ngư dân thấy việc hư hỏng, sửa chữa tàu ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì có thể khởi kiện để tòa xem xét, giải quyết vụ việc dựa trên cơ sở quy định của pháp luật.
Ngư dân có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại của mình và có quyền yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại đó như: thay máy mới, vỏ tàu mới, bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ không đánh bắt...
Dư luận xấu trong xã hội, hậu quả xấu về kinh tế
Tàu vỏ thép nằm bờ - Ảnh: Trường Đăng |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết việc ngư dân đã ký hợp đồng đóng tàu với công ty đóng tàu là thuộc về quan hệ dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý về mặt dân sự, nếu phát hiện phía công ty có dấu hiệu lừa dối khách hàng thì doanh nghiệp này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Như phản ánh thì đơn vị đóng tàu đã vi phạm đạo đức kinh doanh. Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải trải qua bước giám định, kiểm tra, xác minh xem công ty có lừa dối hay không.
Việc cung cấp sản phẩm kém chất lượng rất nguy hại về kinh tế và tính mạng của người dân. Vì vậy, cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của hành vi đóng tàu kém chất lượng của bên đóng tàu là gì, từ đó đưa ra biện pháp xử lý. Trong trường hợp này, tôi thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự”, ông Hưng nhấn mạnh.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng việc nhầm lẫn hay sai sót, phải có cơ quan thẩm quyền vào điều tra thì mới có kết luận chính xác. Điều nhận thấy rõ nhất là vụ việc đang để lại hậu quả xấu về kinh tế cho ngư dân và dư luận xấu trong xã hội.
Điều gì xảy ra khi ngư dân đồng ý không khiếu nại? Việc hai bên có thỏa thuận không khiếu nại, tự khắc phục... là thỏa thuận riêng của hai bên nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến bên thứ ba - đó là ngân sách nhà nước và ngân hàng hỗ trợ tín dụng. Bởi theo nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định trường hợp đóng mới tàu vỏ thép: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Nếu con tàu bị đóng sai thiết kế, không đúng nguyên vật liệu... thì không thể hoạt động được, ngư dân không có lãi để trả nợ ngân hàng, không đóng thuế cho nhà nước để bù vào ngân sách đã hỗ trợ thì bên thứ ba cũng bị thiệt hại. Do đó, bên thứ ba cũng có thể khiếu nại hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý để làm rõ vụ việc. |
“Gỉ sét” lòng tin của ngư dân Nhiều bạn đọc phẫn nộ cho rằng phải làm rõ, truy cứu trách nhiệm đến cùng vụ 18 tàu vỏ thép mới đóng đã hư hỏng nặng. Để việc này xảy ra là điều không thể chấp nhận được. Tàu chạy ngoài khơi, làm như vậy là quá coi thường sinh mệnh của hàng trăm ngư dân theo tàu, bám biển. Bạn đọc Duy Minh tức giận: “Không thể chấp nhận một chính sách đúng đắn của nhà nước lại biến thành “miếng mồi ngon” cho những người làm ăn gian dối. Ngư dân vốn đã sống khó khăn, nay quyết “bấm bụng” đóng tàu vỏ thép để ra khơi xa, kiếm thêm thu nhập, bám biển giữ chủ quyền đất nước nhưng lại thêm khổ vì tàu hỏng, phải chờ không biết đến khi nào?" Nhiều ý kiến cho rằng phải xem lại việc đăng kiểm tàu, có không việc chỉ ngồi bàn giấy để kiểm tàu? "Theo Tổ đăng kiểm số 3, Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) - đơn vị được phân công giám sát 20 tàu cá vỏ thép Bình Định tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), trách nhiệm của đăng kiểm viên chỉ kiểm tra các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giấy tờ nhập khẩu, chứng thư giám định… có phù hợp với số chìm trên máy và các chỉ số kỹ thuật khác, sau đó đồng ý cho cơ sở đóng lắp đặt để thử tại bến và thử đường dài - L.Anh ghi". Chị Hoàng Mai (Q.9, TP.HCM) cho rằng hành vi sai phạm, cố qua mặt pháp luật phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cũng phải đặt câu hỏi trách nhiệm của đơn vị tư vấn, giám sát ở đâu trong quá trình sản xuất tàu để đến khi bàn giao tàu mới “té ngửa”. Toàn bộ tàu vỏ thép đã đóng đều do đơn vị đăng kiểm của tổng cục đăng kiểm sao lại để xảy ra những hư hỏng lớn như vậy. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
>> Luật sư Trần Ngọc Quý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận