Tại họp báo cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 4-5, ông Hoàng Mai Tùng - phó giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) - cung cấp thêm thông tin về việc đoàn tàu metro bị vẽ bậy.
Cụ thể đoàn tàu số 3 (toa số 2) bị vẽ bậy vào ngày 29-4. Theo đó, lúc 3h15 sáng 29-4, bảo vệ tuần tra không phát hiện dấu hiệu bất thường nào, đến 4h30 sáng cùng ngày bảo vệ mới phát hiện đoàn tàu số 3 bị vẽ bậy theo hình thức vẽ đường phố.
Ngay sau đó, bảo vệ đã báo thông tin đến Công an phường Long Bình (TP Thủ Đức). Đến 10h30 sáng 30-4, phía Công an TP Thủ Đức và Công an phường Long Bình đến ghi nhận hiện trường, thông tin, tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp xử lý.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và nhà thầu Hitachi tiến hành che những hình vẽ, đồng thời dùng dung môi tẩy xóa. Đến ngày 2-5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hoàn thành việc tẩy xóa các hình ảnh.
Cũng theo ông Tùng, hiện nay đoàn tàu đã được khắc phục nguyên trạng ban đầu và ban quản lý đang phối hợp Công an TP Thủ Đức rà soát, điều tra vụ việc.
Ông Tùng cho biết nguyên nhân đoàn tàu số 3 bị bôi bẩn, vẽ bậy có thể do đoàn tàu này sau khi di chuyển tới vị trí mới trong depot Long Bình, khu vực tiếp giáp nhà dân nên có khả năng bị người ngoài quan sát thấy và đột nhập vào vẽ bậy.
Đối với hợp đồng bảo hiểm đoàn tàu, ban quản lý đã ký kết với nhà thầu Hitachi có hạng mục bảo hiểm cho toàn bộ tài sản, thiết bị, con người… cho xuyên suốt quá trình thi công, vận hành và bảo dưỡng của đoàn tàu.
Hiện đoàn tàu đang trong quá trình thi công, thử nghiệm để chuẩn bị cho công tác vận hành, do đó thuộc hoàn toàn trách nhiệm về nhà thầu Hitachi.
“Hiện nay đoàn tàu vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư, do đó mọi trách nhiệm, bảo quản và các vấn đề có liên quan thuộc về chủ đầu tư Hitachi. Liên quan việc bảo hiểm đoàn tàu là giữa nhà thầu chính và đơn vị bảo hiểm”, ông Tùng cho biết.
Theo hợp đồng là có bảo hiểm, còn con số cụ thể, bao nhiêu thì thuộc về trách nhiệm giữa bên nhà thầu chính và đơn vị bảo hiểm với nhau, ông không cung cấp được.
Sau cuộc họp giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhà thầu Hitachi và Công an TP Thủ Đức đã đưa ra 3 nhóm giải pháp là sẽ bố trí thêm nhân sự bảo vệ nghiêm ngặt khu vực depot Long Bình.
Yêu cầu 30 phút phải có hai nhóm bảo vệ xen kẽ, thay phiên nhau đi tuần tại vị trí các đoàn tàu. Tăng cường hệ thống camera giám sát và hệ thống chiếu sáng phủ khắp depot.
Đồng thời có quy chế phối hợp an ninh giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhà thầu Hitachi và đơn vị bảo vệ, khi có xảy ra vấn đề thì báo động.
Hiện tại vụ việc vẫn đang được Đội cảnh sát hình sự Công an TP Thủ Đức truy tìm người đã vẽ bậy để xử lý nghiêm.
Cũng tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết đây là vụ việc rất đáng phê phán, lên án hành vi làm hư hỏng tài sản nhà nước, gây mất mỹ quan, coi thường pháp luật.
Về vụ việc, giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP Thủ Đức tập trung điều tra, xác minh, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ vụ việc, truy xét hung thủ, xử lý nghiêm vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận