Một dự án điện mặt trời áp mái đang được thi công - Ảnh: THẾ KIỆT
Những dự án điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tại các khu công nghiệp, nhà xưởng và các trang trại vẫn gặp vướng khi mỗi địa phương yêu cầu những hồ sơ khác nhau trong khi hoàn thiện hồ sơ là cơ sở để ngành điện trả tiền điện.
Cùng một hình thức đầu tư, cùng một loại năng lượng nhưng mỗi tỉnh lại có một cách hiểu khác nhau, khiến các nhà đầu tư "chóng mặt".
"Xoay vòng" trách nhiệm
Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh việc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu tạm ngưng trả tiền điện một số dự án ĐMT, Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp để nghe các cơ quan có liên quan trình bày. Trong khi chờ được hướng dẫn, Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ghi chỉ số và tạm dừng trả tiền điện phát sinh từ ngày 1-3, nhưng đến nay UBND tỉnh và các sở ngành vẫn chưa có công văn hướng dẫn "hỗ trợ" cho ngành điện.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết cuối tháng 5-2022 có nhận được văn bản hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thủ tục môi trường. Tại văn bản này, sở trích dẫn các điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1-1-2022) và nghị định hướng dẫn thi hành, đề nghị Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu căn cứ vào luật và nghị định để xác định từng chủ đầu tư có phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường hay không.
Tuy nhiên khi cầm văn bản này trình cho điện lực, doanh nghiệp lại được trả lời rằng "văn bản của ngành môi trường trả lời chung chung", ngành điện cần nêu rõ trường hợp này có phải làm các thủ tục về môi trường không. Quay lại phản ảnh với chuyên viên môi trường, doanh nghiệp nhận được câu trả lời "không thể trả lời cụ thể, mà chỉ trả lời chiếu theo luật, quy định"!
Trao đổi lại với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận ngành điện cần ngành môi trường trả lời cụ thể trường hợp doanh nghiệp nào đó có phải làm các thủ tục về môi trường hay không. Còn trả lời chung chung, chiếu theo luật, quy định... thì ngành điện không có chuyên môn.
"Các chủ đầu tư ĐMT mái nhà cứ làm thủ tục về môi trường gửi sở chức năng. Sở xác định phải làm hay không làm, phải trả lời cho chính chủ đầu tư đó. Chủ đầu tư kẹp vào hồ sơ gửi điện lực đầy đủ thì điện lực sẽ trả tiền", vị này nói.
Về việc ai gửi văn bản hỏi sở ngành chức năng cũng có vướng mắc, ông Trương Văn Thôi, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng phía ngành điện nên phân loại các trường hợp rồi gửi văn bản để hỏi ngành chức năng. Nhưng một lãnh đạo ngành điện lại nói rằng việc hỏi thuộc trách nhiệm các chủ đầu tư khi làm dự án, các chủ đầu tư cam kết sẽ bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Vẫn chưa thống nhất cách hiểu
Ông Ph., giám đốc một công ty ĐMT, cho biết nhiều doanh nghiệp đầu tư ĐMT mái nhà ở phía Nam đang gặp vướng do quy định mỗi địa phương khác nhau, có địa phương "đẻ" thêm thủ tục dù dự án đã vận hành hai năm qua. Chẳng hạn, một dự án trên mái nhà xưởng tại Vĩnh Long gặp vướng do doanh nghiệp nhận được thông báo phải hoàn thiện hồ sơ về môi trường, trong đó phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hệ thống ĐMT.
Cũng theo ông Ph., nhà đầu tư chỉ lắp tấm quang năng, nhưng để có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải làm cho cả nhà máy từ A đến Z với khối lượng thủ tục lớn, thường kéo dài từ 1-3 tháng. Trước đó, ngày 13-5-2022 Sở TN&MT Vĩnh Long đã ký văn bản trả lời Công ty Điện lực Vĩnh Long về thủ tục các dự án ĐMT, trong đó nêu rõ hộ gia đình lắp ĐMT mái nhà không thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường.
Nhưng với các chủ đầu tư là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lắp đặt thêm ĐMT mái nhà thì phải có giấy phép môi trường. "Nếu không có giấy phép môi trường thì ngành điện cũng sẽ tạm ngưng thanh toán tiền điện, trong khi việc yêu cầu giấy phép này lại không thống nhất giữa các địa phương", ông Ph. bức xúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết liên quan kiến nghị của các nhà đầu tư ĐMT mái nhà, tới nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất mà phải chờ... cuộc họp với các sở, ngành liên quan. Theo ông Bồ Kỹ Thuật - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cơ quan này không chủ động yêu cầu về giấy phép xây dựng mà sau khi Bộ Công thương kiểm tra nên Công ty Điện lực Bình Dương mới có văn bản hỏi sở.
Cũng theo cơ quan này, đối chiếu các quy định trong lĩnh vực xây dựng, các hệ thống ĐMT mái nhà là "công trình cấp IV" và "không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng". Thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với hệ thống trong khu công nghiệp là ban quản lý các khu công nghiệp, còn lại là UBND cấp huyện nơi có công trình.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhà đầu tư, hệ thống ĐMT mái nhà chỉ là thiết bị lắp đặt trên mái nhà (đã được cấp phép trước đó) nên không cần phải xin phép xây dựng... Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương cho biết sau cuộc họp liên ngành, nếu vẫn còn chưa rõ và chưa thống nhất thì sở sẽ có báo cáo lên Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn về vấn đề này.
Một dự án điện mặt trời áp mái tại Vũng Tàu - Ảnh: Đ. HÀ
Phải sớm gỡ vướng
Ngày 10-6, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản thông báo kết luận của ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh - về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan các công trình ĐMT mái nhà.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của các sở ngành, ông Minh cho rằng việc ngành điện tạm ngưng thanh toán tiền điện với các công trình ĐMT mái nhà đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp cũng như môi trường thu hút đầu tư của Bình Dương.
Do đó, ông Minh giao Sở Xây dựng chủ trì với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công ty Điện lực và các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp làm việc, thống nhất về nội dung để hướng dẫn doanh nghiệp, người dân hoàn thiện hồ sơ theo hướng đơn giản nhất, nhất là đối với các hộ dân đã đầu tư và sử dụng công trình ĐMT mái nhà.
Giám đốc Sở Công thương được giao làm tổ trưởng tổ công tác với sự tham gia của giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, lãnh đạo các sở ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các dự án ĐMT mái nhà.
BÁ SƠN
Doanh nghiệp "ấm ức" vì bị phạt
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Thanh tra Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn với lý do không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cho thuê mái để lắp ĐMT.
Theo chủ đầu tư dự án ĐMT này, số tiền mà doanh nghiệp sở hữu nhà xưởng phải nộp là 85 triệu đồng, nhưng thực tế chủ đầu tư dự án ĐMT phải đóng phạt. "Dù phạt để cho tồn tại nhưng chúng tôi rất ấm ức vì dự án đã làm đầy đủ, bổ sung các thủ tục liên quan đến giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy... bây giờ lại phạt thêm khoản này nữa", vị này nói.
"Dọa" kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp
Trong văn bản hướng dẫn thủ tục cấp phép bổ sung giấy phép xây dựng đối với hệ thống ĐMT mái nhà đã hoạt động theo đề nghị của doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho rằng ĐMT mái nhà là công trình xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp phải hoàn thiện hàng loạt thủ tục về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường...
Do công trình đã vận hành từ năm 2020 theo quyết định số 13 của Chính phủ về ĐMT, trong khi các văn bản liên quan đến các thủ tục khác cần hoàn thiện mà ban này viện dẫn lại được ban hành từ năm 2021, ban quản lý này cho rằng công ty chưa cấp đủ hồ sơ, chưa có cơ sở để xác định dự án này thuộc diện miễn hay cấp giấy phép xây dựng.
Cũng theo văn bản này, nếu công trình thuộc diện phải xin phép xây dựng thì ban này sẽ phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận