Phóng to |
Hiện trường tai nạn tàu - Ảnh: THÁI LỘC |
Có mặt tại hiện trường hồi 9g sáng hôm qua 13-3, Tuổi Trẻ đã ghi nhận hiện trường vụ tai nạn đường sắt nặng nề nhất từ trước đến nay xảy ra trưa 12-3 vẫn còn ngổn ngang. Ba toa tàu bị trật bánh văng ra khỏi đoàn tàu E1 mang số hiệu B-21552, B-21553, B-21554 bị lăn về phía biển. Ông Phạm Văn Tỉnh - trưởng BQL cơ sở hạ tầng của Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết: ngay từ tối 12-3, Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đã huy động 150 cán bộ, công nhân viên triển khai công việc thâu đêm để khắc phục hệ thống đường ray. Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng cũng đã huy động hai cần trục cứu hộ đường sắt để đưa đến hiện trường nhằm cẩu các toa tàu ra khỏi đường ray, giải phóng đường sắt.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại Huế, ga Hà Nội đã cố gắng làm mọi biện pháp thông báo tin tức, tình hình cho thân nhân người bị nạn tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Chung - trưởng ga Hà Nội - cho biết: “Ga Hà Nội đã có một ban chỉ đạo việc giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Chúng tôi đã thông tin cho các gia đình nạn nhân biết tình hình. Hà Nội có ba người thiệt mạng, chiều 13-3 thi hài được đưa ra Hà Nội và ga tổ chức tang lễ. Ông Chung cũng cho biết thêm, lịch chạy tàu của ga Hà Nội vẫn được giữ nguyên, riêng có chuyến tàu Thống Nhất mang ký hiệu E1 chạy 23g đêm 13-3 sẽ được chuyển sang chạy vào 8g sáng 14-3, hành khách nào có nhu cầu trả, đổi vé đều sẽ được đáp ứng. |
|
Đến 14g cùng ngày, công tác giải phóng hiện trường cơ bản đã được khôi phục khi toa tàu số hiệu B-21552 được các đơn vị cẩu và hất ra khỏi đường sắt. Đúng 25 phút sau, đoàn tàu E2 từ TP.HCM đi Hà Nội sau sáu giờ đồng hồ nằm tại ga Lăng Cô đã được phép chuyển bánh với vận tốc 5 km/g và có người dẫn đường đi qua đoạn đường sắt này. Cùng thời gian này, Cục CSGT đường bộ đường sắt (Bộ Công an) và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc nói trên. Trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, đúng 13g50, niêm phong của đầu máy tàu E1 đã được mở và hộp đen với số hiệu 098192173 được các cơ quan thu giữ để đưa ra Hà Nội phục vụ công tác điều tra.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sau khi xảy ra tai nạn, trưởng tàu E1 Nguyễn Đình Chiểu và lái máy tàu Bùi Thái Sơn được đưa về Hà Nội, cả hai sẽ được yêu cầu triệu tập vào hôm nay 14-3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ hồi 19g tối qua (13-3), ông Nguyễn Hữu Bằng - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại khu vực Lăng Cô trưa 12-3. Theo ông Nguyễn Tiến Hiệp - người phát ngôn của Tổng công ty Đường sắt VN, thông thường những vụ tai nạn như thế này phải mất khoảng một tháng cơ quan điều tra mới có kết luận cuối cùng. Giả thuyết tàu E1 bị tai nạn do phải chạy bù giờ cho đúng lịch trình cũng bị bác bỏ.
Phóng to |
Các cơ quan chức năng đang tìm kiếm người bị nạn - Ảnh: THÁI LỘC |
Ông Hiệp cũng cho biết tất cả hành khách đi tàu có vé đều được bảo hiểm của PJICO với mức bồi thường 30 triệu cho người tử vong và tiền thuốc men, viện phí cho người bị thương. Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt VN quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng tiền mai táng và lo phương tiện đưa thi thể các nạn nhân về quê theo yêu cầu của gia đình. Những người bị thương được hỗ trợ ban đầu 500.000 đồng và được giúp đỡ phương tiện nếu họ muốn về quê điều trị.
Ông Nguyễn Hồng Hiển, người phát ngôn của bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi người tử nạn 1 triệu đồng và mỗi người bị thương 500.000 đồng. Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình cũng đã gửi thư chia buồn, thăm hỏi đến thân nhân và gia đình những người không may đã mất và những người bị thương trong vụ tai nạn.
Cũng trong ngày hôm qua (13-3), thượng tá Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Công an Thừa Thiên - Huế, cho biết thông tin ban đầu từ một số hành khách và dân chúng địa phương cho hay đoàn tàu chạy với tốc độ quá nhanh. Theo qui định của ngành đường sắt, đây là đoạn đường xung yếu, tốc độ chạy tàu chỉ cho phép tối đa 40km/g. Anh Phan Hoàng Hải, chiến sĩ đồn biên phòng 236, cho biết sau khi nghe tiếng tàu đổ, anh chạy ra hiện trường và nhìn thấy đầu tàu cùng hai toa xe còn lại vẫn chạy theo quán tính đến một đoạn khá xa gần 1km mới dừng lại.
Miễn phí điều trị, cấp cứu nạn nhân tàu E1 |
“Thực hiện ngay các phương án cấp cứu nạn nhân hàng loạt, huy động mọi nguồn lực hiện có, bao gồm cán bộ chuyên môn, phương tiện cấp cứu, thuốc men... để cấp cứu nạn nhân, không thu bất kỳ khoản viện phí nào”? Hôm qua 13-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đã ký công điện khẩn gửi hai sở Y tế Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng, Bệnh viện (BV) T.Ư Huế và BV Đa khoa Đà Nẵng về cấp cứu, điều trị nạn nhân tàu E1 gặp nạn.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã cử đoàn cán bộ thuộc Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn vào Đà Nẵng và Huế nắm tình hình tại chỗ, giải quyết ngay những khó khăn. Đến chiều 13-3, tại BV T.Ư Huế đã có 10 người được mổ cấp cứu, trong đó có năm người có dấu hiệu khả quan. Tại BV Đa khoa Đà Nẵng có ba ca nặng, trong đó có một ca tiên lượng xấu.
* Tại BV Đà Nẵng, sau khi được các nhóm bác sĩ nỗ lực cứu chữa, hiện đã có 8/32 bệnh nhân bị thương do tai nạn đường sắt đã xuất viện. Chiều 13-3, đại diện Bộ GD-ĐT đã vào BV Đà Nẵng thăm hỏi bảy nạn nhân là cán bộ, giáo viên Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng bị tai nạn trên tàu E1. Bộ đã quyết định hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và 1 triệu đồng/người bị thương.
Cũng trong chiều 13-3, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh đã quyết định hỗ trợ các nạn nhân ở Đà Nẵng bị chết là 2 triệu đồng, chi toàn bộ mai táng phí. Riêng 30 nạn nhân đang điều trị ở Đà Nẵng cũng được hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng.
|
|
Tin bài liên quan:
* Hệ thống đường sắt Bắc Nam đã khôi phục sau 26 giờ ách tắc* Ngành đường sắt khẩn trương giải tỏa để thông đường* Tai nạn đường sắt thảm khốc ở khu vực Lăng Cô: đã xác định được danh tính 6 nạn nhân* Tai nạn tàu E1 qua ống kính của một nạn nhân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận