Thực tế, vấn đề bất ổn của bếp ăn, bữa ăn cho học sinh sinh viên đã xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng phần lớn các vụ việc liên quan tới vấn đề vệ sinh an toàn nguồn thực phẩm, quy trình chế biến và việc ăn bớt khẩu phần ăn.
Còn việc cho sinh viên ăn "cơm thừa, canh cặn" thì lại là điều ít được phát hiện.
Nhìn lại việc xảy ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội, việc dồn cơm và canh thừa được làm công khai như một việc hiển nhiên. Đáng sợ nữa là việc bị cho là bất lương này lại được giao cho chính sinh viên làm cho các bạn của mình.
Từ phóng sự trên chương trình chuyển động 24 - Đài truyền hình Việt Nam, có sinh viên đã làm việc "dồn cơm thừa, canh cặn" cho biết họ buộc phải làm, bị yêu cầu làm dù thấy điều đó không ổn.
Câu chuyện "cơm thừa, canh cặn" đã chạm đến giới hạn tối thiểu mà người có lương tâm không nên bước qua. Chính vì điều đó mà khi sự việc bị phanh phui, nhiều người sốc và cho rằng đây là sự việc "quá kinh khủng".
Mặc dù trước đó đã có nhiều vụ việc ăn bớt khẩu phần, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến nhiều người hơn cả vụ việc xảy ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Rất nhiều người đã hoang mang đặt câu hỏi vụ cơm thừa, canh cặn kia đã tồn tại bao lâu? Trong thời gian nó tồn tại, vai trò người giám sát từ phía đại học ở đâu?
Một ngôi trường danh tiếng còn xảy ra sự việc này thì các cơ sở đại học khác, trường học ở các cấp học khác liệu có xảy ra việc này không?
Băn khoăn, hoang mang, lo ngại là những phản ứng tâm lý thể hiện niềm tin vào điều đúng đắn và lớn hơn là lương tri bị lung lay.
Bởi thế, dù Đại học Bách khoa Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, chuyển sinh viên sang nhà ăn khác và yêu cầu cán bộ, giảng viên ăn cùng sinh viên, nhưng vụ việc vẫn chưa thể khép lại.
Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội còn những việc phải làm như rà soát để xác định trách nhiệm của những người liên quan tới bữa ăn của hơn 2.000 sinh viên, liên quan tới hợp đồng với đơn vị cung ứng bữa ăn và các quy trình giám sát, phát hiện, xử lý...
Trong buổi làm việc với báo chí, lãnh đạo cơ sở đại học này cũng cho biết không có một sinh viên nào phản ánh trực tiếp với nhà trường về tình trạng trên. Thay vào đó, họ chọn một cơ quan truyền thông để phản ánh bức xúc.
Đây cũng là vấn đề phải xem xét trách nhiệm của nhà trường khi chưa tạo được niềm tin, sự sát sao, gần gũi để sinh viên sẵn sàng cởi mở chia sẻ những vấn đề bất ổn.
Và có lẽ câu chuyện của Đại học Bách khoa Hà Nội không phải vấn đề của riêng cơ sở đào tạo này mà là sự cảnh báo, là bài học cho những cơ sở đào tạo khác, những đơn vị làm dịch vụ giáo dục khác.
Cho dù nơi này nơi khác có thể chưa chu toàn trong công tác phục vụ học sinh, sinh viên nhưng xin đừng dễ dàng bước qua ranh giới tối thiểu của lương tri.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận