Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - Ảnh: haui.edu.vn
Vụ việc này đã đó nhận sự vào cuộc của cả thanh tra Bộ Công thương và thanh tra Bộ GD-ĐT.
Ngày 11-1, trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải đóng tiền "chống trượt" bất thường cho môn Ngoại ngữ, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã vào cuộc.
Thanh tra đã phát hiện một loạt sai phạm của trường và Khoa Ngoại ngữ trong việc tổ chức lớp bồi dưỡng môn ngoại ngữ phục vụ việc thi và cấp chứng nhận đạt chuẩn đầu ra không theo quy định.
"Nhà trường thừa nhận đây là bài học sâu sắc. Bản thân việc bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nếu có được các quy định phù hợp. Tuy nhiên, cách làm của Khoa Ngoại ngữ không đúng quy định, thiếu nghiêm túc.
Thanh tra bộ phát hiện việc ra đề thi không đúng định dạng, phần thi nói không được ghi âm, phần thi viết lại không thể hiện rõ được minh chứng của việc có hai người chấm độc lập..." - ông Bằng nói.
Sau khi có kết luận của Thanh tra, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thừa nhận Khoa Ngoại ngữ đã tổ chức các lớp học bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên khi chưa được nhà trường phê duyệt đề án.
Trong đó, ông Hoàng Ngọc Tuệ, trưởng Khoa Ngoại ngữ, chưa tuân thủ quy trình khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, để cá nhân thuộc quyền quản lý vi phạm nghiêm trọng quy định nhà giáo trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Bà Phạm Tố Linh, giảng viên hợp đồng Khoa Ngoại ngữ, đã chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện nghề nghiệp; có một số phát ngôn chưa chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và hình ảnh của nhà giáo.
Theo đó, trường quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hoàng Ngọc Tuệ và chấm dứt hợp đồng giảng dạy, xem xét bố trí công việc khác với bà Phạm Tố Linh (nếu bà có nhu cầu).
Ngoài ra, kiểm điểm, phê bình bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, giảng viên Khoa Ngoại ngữ, do triển khai công việc chưa phù hợp dẫn đến dễ gây hiểu sai chủ trương của khoa và trường.
Kiểm điểm, phê bình, hạ bậc đánh giá viên chức đối với viên chức quản lý Khoa Ngoại ngữ, Phòng Đào tạo, Phòng Tài chính kế toán, Phòng Thanh tra giáo dục.
Tập thể, cá nhân lãnh đạo nhà trường cũng phải thực hiện kiểm điểm trước lãnh đạo Bộ Công Thương.
Hàng nghìn sinh viên đã đóng tiền
Theo phản ánh, nếu sinh viên đóng tiền chống trượt thì sẽ biết được phần lớn nội dung đề thi chính thức, học thuộc lòng đáp án, thậm chí được cả giảng viên nhắc bài trong phòng thi. Còn nếu không đóng số tiền này, sinh viên sẽ bị "làm khó" trong việc vượtqua môn ngoại ngữ.
Thanh tra Bộ GD-ĐT xác nhận: đúng như phản ánh, số tiền mỗi sinh viên đóng để "ôn thi" là 1,9 triệu đồng. Riêng năm 2018, có hơn 4.000 sinh viên được nhà trường cấp chứng nhận đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra, trong đó có 1.800 sinh viên đã tham gia "ôn thi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận