29/10/2018 10:03 GMT+7

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Cơ hội để điều chỉnh

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Tính chất tàn bạo của vụ nhà báo Khashoggi và sự tiền hậu bất nhất của phía Saudi Arabia đang làm tổn hại nghiêm trọng đến thể diện của vương quốc giàu có nhưng cũng đầy bí ẩn này.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Cơ hội để điều chỉnh - Ảnh 1.

Người dân tưởng niệm nhà báo Jamal Khashoggi bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-10 - Ảnh: AFP

Sau hơn hai tuần kể từ khi vụ việc vỡ lở, Saudi Arabia từ chỗ khăng khăng giải thích sự "mất tích" của nhà báo Jamal Khashoggi là "đã ra khỏi lãnh sự quán ngay trong ngày 2-10" đã phải công nhận rằng ông này "bị chết bên trong lãnh sự quán, vì một cuộc ẩu đả giữa ông ta với những người thẩm vấn ông".

Nhưng Saudi Arabia lại biện minh rằng vụ ẩu đả xảy ra "một cách đột biến" và những người thẩm vấn nhà báo xấu số "đã vượt thẩm quyền" của họ.

Vụ giết người có chủ đích

Tuy nhiên, các bằng chứng từ phía cơ quan điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ được "cung cấp nhỏ giọt" đã bác bỏ lập luận này. Các bằng chứng này khiến có thể khẳng định rằng việc giết hại nhà báo là "một kế hoạch có trước", được thực hiện bởi một nhóm gồm 15 người từ Saudi Arabia nhập cảnh vào Istanbul cùng ngày xảy ra vụ việc.

Sau những liên hệ trực tiếp ở cấp cao nhất giữa Saudi Arabia với Thổ Nhĩ Kỳ, nay vương triều Ả Rập đã phải chấp nhận sẽ điều tra theo hướng đây là một vụ giết người "có chủ đích từ trước". Chính hoàng thái tử Mohammed Bin Salman đã phải công nhận rằng "đây là một sự kiện tàn bạo và đau lòng với cả thế giới"!

Nghi vấn lớn nhất hiện nay là ai đã ra lệnh cho thực hiện vụ sát hại dã man này? Saudi Arabia vẫn khẳng định rằng nhà vua và hoàng thái tử của họ "không hề biết gì về vụ giết người"; rằng những kẻ thực hiện vụ này "đã báo cáo láo từ đầu đến cuối về vụ việc"... khiến ban đầu vương triều đã có những giải thích sai lệch.

Nhưng các thông tin rò rỉ từ nhiều phía, nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn đang hướng nghi vấn vào khả năng cao là hoàng thái tử "có thể dính líu đến vụ này"(?).

Nghi vấn nghiêm trọng thứ hai là các thông tin cho rằng ông Khashoggi "đã bị phân thây để phi tang sau khi bị giết"! Saudi Arabia không đả động đến điều này vì nó quá bi thảm! Nhưng vì sao hoàng thái tử Mohammed lại công nhận tính "tàn bạo và đau lòng" của vụ việc? Thêm nữa: Công luận đòi hỏi minh chứng bằng thi thể của nạn nhân thì đến nay phía Saudi Arabia vẫn chưa có câu trả lời!

Nhiều tin nói cơ quan điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay một băng ghi âm về diễn biến việc thẩm vấn Khashoggi và diễn tiến vụ giết hại ông này. Tin còn nói Thổ Nhĩ Kỳ đã cho ngoại trưởng Mỹ và giám đốc CIA nghe băng ghi âm này, khi hai quan chức cao cấp của Mỹ đến Ankara trực tiếp kiểm chứng vụ việc với chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Ngoại trưởng Mỹ và giám đốc CIA không xác nhận việc đã được nghe băng ghi âm này. Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng không chính thức khẳng định về sự tồn tại của một bằng chứng như thế. Nếu đúng có một băng ghi âm như vậy, đây quả là một "tử huyệt" rất bất lợi cho Saudi Arabia và là "át chủ bài" của Thổ Nhĩ Kỳ để khống chế quan hệ với đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực.

Nhưng không dễ đưa ra công khai dù Thổ Nhĩ Kỳ thật sự sở hữu băng ghi âm này. Nếu xác nhận có băng ghi âm ấy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải giải thích vì sao họ có một bằng chứng như vậy? Ai cũng biết việc cài thiết bị kỹ thuật tình báo bí mật vào một cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài là vi phạm luật pháp quốc tế!

Hi vọng một sự thay đổi

Lúc này, nhà vua Salman và hoàng thái tử Mohammed đều khẳng định sẽ điều tra công minh và trừng phạt nghiêm khắc những người dính đến vụ giết hại , "dù người đó là ai"!

Đích thân nhà vua đã vào cuộc điều hành xử lý vụ này, chứ không trao quyền cho hoàng thái tử. Đồng thời, nhà vua giao trách nhiệm cho Mohammed đứng đầu một tiểu ban mới được thành lập để cải tổ sâu rộng cơ quan tình báo của vương quốc.

Trong số những người bị cách chức vì dính đến vụ này có một lãnh đạo cơ quan tình báo và một phó chánh văn phòng của vương phủ. Họ đều được coi là những người thân cận nhất của hoàng thái tử Mohammed Bin Salman.

Hi vọng rằng việc phanh phui một vụ "tàn bạo và đau lòng" như thế này sẽ tạo bước ngoặt cho cách hành xử của vương triều Saudi Arabia nói riêng và những chế độ độc đoán khác trong thế giới Ả Rập đối với những trường hợp bị coi là "tội phạm chống chính quyền". Lịch sử đã có những bằng chứng cụ thể về sự tàn bạo của các lãnh chúa Ả Rập một thời. Nhưng cách hành xử tàn bạo kiểu bạo chúa như thế không thể tiếp tục tồn tại trong một thế giới văn minh như thế kỷ 21 này!

Đòi hỏi khó

Tổng thống Erdogan đòi phải dẫn độ những kẻ tội phạm sang Thổ Nhĩ Kỳ để được xét xử tại tòa án Istanbul. Ông Erdogan lập luận rằng tuy vụ việc diễn ra bên trong tòa lãnh sự Saudi Arabia, nhưng tòa lãnh sự này lại nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ! Đòi hỏi này quả là "quá khó" đối với nhà vua Saudi Arabia.

Cần điều tra quốc tế độc lập

Sau khi Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại, nhiều nước phương Tây đã thể hiện sự không hài lòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 28-10 đã kêu gọi cần có sự minh bạch trong việc điều tra nguyên nhân cái chết của ông Khashoggi. Anh và Pháp, với sự dẫn đầu bởi Đức, trước đó ra tuyên bố chung yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27-10 còn thẳng thừng tuyên bố sẽ tìm kiếm sự đồng thuận tại châu Âu trong việc hạn chế và chấm dứt bán vũ khí sát thương cho Saudi Arabia. Tại Mỹ, một dự thảo cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia được trình lên Hạ viện. BẢO DUY

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Cơ hội của Thổ Nhĩ Kỳ

TTO - Cuộc khủng hoảng mang tên Jamal Khashoggi đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế "trên cơ" so với Saudi Arabia, cả trong quan hệ với Mỹ lẫn trong cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng khu vực.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên