Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan - Ảnh: AFP
Sau vụ nhà báo bị sát hại, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đang nắm lợi thế chính trị đáng kể để "nắn gân" Saudi Arabia, đồng thời gây dựng quan hệ tốt hơn với Mỹ.
Vừa "đánh" vừa "dụ"
Những năm qua, thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) đã luôn nỗ lực định vị bản thân như một đồng minh trẻ, tiến bộ, ủng hộ Mỹ và cũng có được tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể tại Washington.
Trước những ngờ vực về sự liên quan của thái tử MbS với vụ sát hại , ông Erdoğan khôn ngoan điều tiết diễn biến vụ việc để "nhấn nhá" theo những kịch bản có lợi nhất.
Bất kể lời đe dọa sẽ cung cấp "sự thật trần trụi" trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Erdoğan đã không nêu đích danh thái tử Saudi Arabia trong cáo buộc và cũng không cung cấp các chứng cứ âm thanh hay video mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nói đã có trong tay.
Bình luận việc này trên New York Magazine, chuyên gia Jonah Shepp giải thích: "Bằng việc tiết lộ dần các chứng cứ của họ về vụ sát hại ông Khashoggi thay vì tung tất cả một lượt, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đã muốn để ngỏ cơ hội cho phía Saudi Arabia có thể "mua" sự im lặng của họ".
Nói cách khác, cái chết của ông Khashoggi giúp ông Erdoğan có cơ hội tái cân bằng vị thế với Saudi Arabia.
"Lấy le" với Washington
Thực tế cho thấy ông Erdoğan đang tranh thủ tối đa "biến cố Khashoggi" để lấy lại niềm tin với giới chức tình báo Mỹ cũng như ông Trump. Giới phân tích lý giải sự trùng hợp không ngẫu nhiên khi Ankara chọn đúng thời điểm khủng hoảng này để thả tự do mục sư người Mỹ Andrew Brunson, người từng bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vì cáo buộc liên quan tới phong trào nổi dậy chống lại chính phủ ông Erdoğan.
Vụ đảo chính hụt năm 2016 từng khiến quan hệ Mỹ - Thổ căng thẳng thêm nhiều, tuy nhiên thời gian qua đã ấm lại đôi chút. Tuần qua, ông Erdoğan đã đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và vừa mới đây lại đón tiếp bà Gina Haspel, giám đốc CIA, tại Ankara.
Báo Financial Times dẫn nguồn một số quan chức Mỹ cho thấy chính quyền ông Trump đang cân nhắc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ì ạch nhiều tháng gần đây.
Dù vậy, ông Selim Sazak - nghiên cứu sinh thuộc Viện Watson, Đại học Brown (Mỹ) - cho rằng bất kể quan hệ Mỹ - Thổ cải thiện thời gian qua, vấn đề Khashoggi vẫn là chưa đủ để khôi phục toàn diện quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Bởi theo ông Sazak, giữa Ankara và Washington vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết, trong đó có chuyện Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd tại miền bắc Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Iran "né" các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một vấn đề khác nữa, tình huống hiện tại không phải không tiềm ẩn bất lợi cho Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ có giao dịch thương mại nhiều tỉ USD với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Và dù thế nào thì Saudi Arabia vẫn là một cường quốc trong khu vực.
Thái tử MbS sẽ kế nhiệm nhà vua Saudi Arabia trong tương lai trong khoảng một, hai năm nữa và hẳn ông ấy sẽ không dễ quên vụ Khashoggi.
Ông Khashoggi bị giết "có tính toán trước"
Trong phát biểu đăng tải trên hãng thông tấn Nhà nước Saudi ngày 25-10, bộ trưởng tư pháp nước này thừa nhận cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi "đã được sắp đặt từ trước". "Chúng tôi đã nhận được thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua một nhóm làm việc chung giữa hai nước, rằng các nghi can trong vụ giết hại ông Khashoggi đã tính toán trước hành động phạm tội của họ. Cơ quan công tố Saudi sẽ tiếp tục cuộc điều tra nhắm vào các nghi can dựa theo những kết quả mới nhất" - ông nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận