24/03/2017 09:37 GMT+7

Vụ sập nhà ở Cao Bằng: Chủ đầu tư không thể vô can

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Ngày 23-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Đình Dương trong vụ sập nhà ông Nguyễn Hữu Điếm (P.Hợp Giang, TP Cao Bằng, Cao Bằng) khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương.

Anh Đức cùng hai con thơ thoát chết sau vụ sập nhà - Ảnh: Quang Thế
Anh Đức cùng hai con thơ thoát chết sau vụ sập nhà - Ảnh: Quang Thế

Theo các chuyên gia pháp lý, ngoài trách nhiệm của đơn vị thi công không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra thảm kịch này.

Chờ đợi trong tuyệt vọng

Những nạn nhân tử vong và bị thương đều là người thân trong một gia đình. Rạng sáng 17-4-2016, gia đình ông Điếm đang ngủ ngon giấc thì bất ngờ ngôi nhà đổ sập khiến ông và vợ là bà Nguyễn Thị Huệ, cùng con dâu Hoàng Thị Duyên tử vong.

Anh Nguyễn Hoài Đức (con trai ông Điếm) cùng hai con anh Đức là cháu Nguyễn Đức Anh (6 tuổi) và cháu Nguyễn Hoàng Anh (3 tuổi) bị thương.

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ sập đến nay vẫn được quây tôn kín mít. Hiện trường còn lại chỉ là nền nhà cũ nằm cạnh một hõm nước sâu đen kịt. Sau khi ba cha con ra viện, anh Đức phải ở nhờ tại một căn phòng nhỏ của người anh trai.

“Những gì xảy ra với gia đình tôi vẫn đeo đuổi dai dẳng, ám ảnh tôi đến tận giấc ngủ. Thời gian đầu do thói quen mỗi khi tan sở tôi hay chạy xe về ngôi nhà cũ vì lúc nào tôi cũng nghĩ vợ con, bố mẹ đang đợi ở nhà” - anh Đức nghẹn giọng.

Thời điểm xảy ra vụ việc, anh Nguyễn Thanh Hoài (con trai ông Điếm) đi Hà Nội học nên sau đó mới được người thân báo tin. Anh bảo rằng về đến nhà cũng vẫn không thể tin được mọi chuyện lại xảy ra với gia đình mình.

“Sắp đến giỗ đầu rồi nhưng đến nay chúng tôi còn thấy đau đớn chưa thể nguôi ngoai bởi công tác điều tra quá chậm. Nhìn em trai tôi và các cháu chịu cảnh mất mát, khó khăn trong chuỗi ngày qua mới hiểu hết được đau đớn này...” - anh Hoài đỏ hoe mắt nói.

Chủ đầu tư vô can

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Như Hoan - chánh văn phòng Cơ quan điều tra (PC44) Công an tỉnh Cao Bằng - cho biết: “Quá trình điều tra thu thập chứng cứ, chúng tôi nhận định chủ đầu tư công trình dẫn đến sập ngôi nhà ông Điếm vô can vì trước khi xây dựng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã có hợp đồng. Trong hợp đồng thể hiện rất rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công”.

Lý giải về tiến độ điều tra vụ án quá chậm, đại diện PC44 cho biết ngay sau khi xảy ra vụ sập nhà, ban giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo phòng cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chuyên môn thu thập chứng cứ, tài liệu để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sập nhà.

Đến ngày 20-6-2016, công an tỉnh đã giao cho PC44 thụ lý, tiếp tục điều tra. Ngày 9-9, cơ quan điều tra khởi tố vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 20-10-2016, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) mới có kết luận về nguyên nhân dẫn đến vụ sập nhà.

Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu phạm tội do gia đình ông Trương Xuân Hòa (tổ 30, P.Hợp Giang) làm chủ đầu tư xây dựng căn nhà kế bên gây sập nhà ông Điếm nên PC44 đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Đình Dương, chủ đơn vị thi công.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi xác định chủ đầu tư, đơn vị cấp phép không liên quan đến vụ sập nhà vì tất cả đã được thể hiện qua hợp đồng cùng các giấy tờ, thủ tục cần thiết” - đại diện PC44 cho biết.

Theo tìm hiểu, ngày 13-4-2016 (3 ngày trước vụ sập) phòng quản lý đô thị (thuộc UBND TP Cao Bằng) cấp giấy phép cho ông Hòa xây dựng ngôi nhà 5 tầng. Ngày 15-4-2016, ông Hòa có hợp đồng thuê ông Dương xây dựng căn nhà kế bên nhà ông Điếm.

Ông Dương thuê Lương Mạnh Cường giám sát công trình.

Trả lời câu hỏi về việc hợp đồng giữa các bên có đúng thủ tục pháp luật và có hay không chuyện hợp thức hóa các hợp đồng sau khi vụ sập nhà xảy ra, đại tá Hoan cho biết: “Về chuyện có hợp thức hóa hợp đồng hay không chúng tôi cũng đã xem xét điều tra nhưng chưa phát hiện sai phạm.

Giữa ông Hòa và ông Dương có hợp đồng về nội dung hoàn toàn đúng nhưng hình thức không phù hợp do nội dung hợp đồng dẫn quy định, văn bản chưa đúng với pháp luật hiện hành”.

Về thông tin hai phương tiện xây dựng của gia đình ông Hòa có mặt tại thời điểm xảy ra vụ sập, đại diện PC44 cho rằng đó là hai xe chuyên dụng tham gia thi công công trình do ông Hòa cho ông Dương mượn.

Cần xem xét trách nhiệm chủ đầu tư

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Thu Hằng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại Bộ luật dân sự, Luật xây dựng thì chủ nhà là chủ đầu tư thuê đơn vị thi công gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong quản lý chất lượng xây dựng.

Theo đó, chủ nhà, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở chịu trách nhiệm công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật và theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Theo đó, ông Hòa phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Điếm. Trong trường hợp ông Hòa cố tình chỉ đạo, thuê người xây dựng không tuân thủ giấy phép của UBND TP Cao Bằng thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan cảnh sát điều tra cần phải làm rõ, có căn cứ phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hòa.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự, đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, 20 ngày sau khi xảy ra vụ án phải ra quyết định khởi tố hay không khởi tố. Trong vụ án này phải đến gần 5 tháng sau cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án.

Hơn nữa, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù giam nhưng bị can Dương lại được tại ngoại điều tra là không phù hợp với quy định pháp luật.

Cũng theo luật sư Hằng, cơ quan điều tra cũng cần phải giám định hợp đồng giữa ông Hòa và ông Dương để xác định hợp đồng được làm trước hay sau vụ sập nhà. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phải xem xét trách nhiệm của người thiết kế và giám sát công trình dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến thông tin ông Trương Xuân Hòa (tổ 30, P.Hợp Giang) là thông gia với một phó giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng nên việc điều tra không đảm bảo khách quan, đại tá Hoan khẳng định:

“Gia đình ông Hòa và một phó giám đốc công an tỉnh thông gia là có thật. Tuy nhiên vị lãnh đạo này không phụ trách lĩnh vực điều tra. Vả lại trong quá trình điều tra chúng tôi luôn thu thập chứng cứ khách quan, không bỏ lọt người phạm tội. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo toàn bộ sự việc lên Bộ Công an”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Cao Bằng cho rằng quá trình điều tra chậm do chờ kết luận trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân. Các đơn vị chuyên môn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tài sản bên trong ngôi nhà vì thiếu các hóa đơn chứng từ.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên