Các bị cáo tại tòa - Ảnh: T.M
Cụ thể, tòa tuyên phạt 3 bị cáo gồm Lê Thị Thanh Tuyền (cựu chánh thanh tra Sở Tài chính, trưởng Phòng kế hoạch - tài chính thuộc UBND huyện Củ Chi), bà Nguyễn Thị Loan (cựu trưởng Phòng giáo dục huyện Củ Chi), và bà Lê Vũ Hồng Hạnh (giám đốc Công ty Đông Phương) 3 năm tù.
Tòa cũng phạt ông Phan Văn Duyệt (phó giám đốc Công ty Đông Phương) 5 năm tù, phạt ông Phan Văn Bình Tâm (giám đốc Công ty Tâm Phú Tài) 4 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí.
Theo nội dung vụ án, các bị cáo trên đã lợi dụng việc được giao, quản lý, sử dụng ngân sách để giao việc đầu tư, sửa chữa 7 trường học ở huyện Củ Chi không đúng quy định pháp luật; giao cho chủ đầu tư không có trình độ chuyên môn; giao cho nhà thầu không đảm bảo năng lực thi công; để nhà thầu lợi dụng các mối quan hệ để được thi công sửa chữa các trường học, nâng khống khối lượng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng.
Trong đó, bà Lê Thị Thanh Tuyền là người tham mưu cho UBND huyện Củ Chi về chi ngân sách. Bà Tuyền cũng biết rõ tình trạng các hạng mục cần sửa chữa tại các trường, nhưng đã thẩm định và trình duyệt danh mục, kế hoạch sửa chữa, duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học không có cơ sở pháp lý...
Từ việc thẩm định, phê duyệt của bà Tuyền, các trường đã tổ chức thực hiện, thi công, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền là 17,7 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Loan là người trực tiếp đi khảo sát các trường học, nhưng đã lập, trình duyệt danh mục, kế hoạch sửa chữa, duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học không có cơ sở pháp lý, không phù hợp quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; không yêu cầu các trường học thực hiện các thủ tục theo đúng quy định… dẫn đến hậu quả khối lượng nghiệm thu cao hơn thực tế thi công, rút dự toán ngân sách, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Đối với ông Phan Văn Duyệt, mặc dù ông Duyệt chỉ giữ vai trò phó giám đốc nhưng là người trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động Công ty Đông Phương trong việc sửa chữa 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi năm 2016.
Ông Duyệt là người liên hệ, chuyển hồ sơ khái toán các hạng mục sửa chữa cho Phòng giáo dục để trình phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa, trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng các trường học để tự lập dự toán, thiết kế, thi công và hoàn chỉnh thủ tục quyết toán.
Đối với việc lập dự toán, thiết kế, ông Duyệt là người nhờ ông Phan Văn Bình Tâm (em trai của ông Duyệt) dùng pháp nhân Công ty Tâm Phú Tài ký tên, hợp thức hóa hồ sơ thiết kế, dự toán và các thủ tục liên quan cho khớp số liệu do ông Duyệt lập, mà không tiến hành khảo sát trên thực tế và ký các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ quyết toán để kho bạc duyệt chi.
Ông Duyệt cũng là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình, nâng khống khối lượng công trình gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng.
Ông Phan Văn Bình Tâm đã dùng pháp nhân của công ty ký hợp thức các hồ sơ thiết kế, dự toán mà không khảo sát trên thực tế, giúp sức tích cực cho Phan Văn Duyệt để thực hiện sai phạm nêu trên.
Bà Lê Vũ Hồng Hạnh là người ký các hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán với tư cách giám đốc Công ty Đông Phương, đứng tên chủ tài khoản Công ty Đông Phương và nhận tiền do các chủ đầu tư thanh toán, nguồn tiền do Kho bạc Nhà nước huyện Củ Chi duyệt giải ngân, sử dụng tiền để chi trả nhân công và mua nguyên vật liệu, giao cho Phan Văn Duyệt phục vụ sửa chữa các công trình trường học.
Với vai trò là chủ sở hữu, người đại diện pháp luật và giám đốc Công ty Đông Phương, bà Hạnh phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty Đông Phương, chịu trách nhiệm toàn bộ về các hồ sơ, thủ tục chứng từ đã ký liên quan đến việc sửa chữa các công trình tại 7 trường học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận