Bị cáo Trần Văn Trường tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 14-12, tiếp tục phiên xét xử 19 bị cáo trong vụ án chuyển nhượng dự án giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Tổng công ty Phong Phú, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỉ, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo. Theo đó, một số luật sư cho rằng vụ án không có hậu quả, Nhà nước không có thiệt hại.
Luật sư nói vụ án không có thiệt hại
Theo hồ sơ vụ án, khi ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty Phong Phú, sau đó do phải thoái vốn khỏi dự án vì Sagri không được kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nên hợp đồng chuyển nhượng dự án đã được ký kết giữa Phong Phú và Sagri sau khi UBND TP chấp thuận.
Tuy nhiên, sau đó Sagri bị thanh tra toàn diện và phát hiện có sai sót trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng nên tổng công ty này và Phong Phú đã hủy hợp đồng chuyển nhượng trước khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án.
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy được dẫn giải đến phiên xử - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo bị xử tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" khẳng định trong vụ án này, thiệt hại không còn và hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn nên đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc tuyên các bị cáo bằng thời gian tạm giam.
Cụ thể, luật sư Tôn Nữ Thu Hà, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng của Sagri, bị đề nghị đến 28 năm tù cho 2 tội), cho rằng đối với tội vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, VKS mới đánh giá hành vi buộc tội mà không xem xét hành vi gỡ tội cho bị cáo.
Cụ thể, luật sư cho rằng biên bản ký ngày 17-8-2016 cách thời điểm ký chuyển nhượng dự án 28 tháng và không có dấu nên biên bản này không liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng sau nhiều biến động của dự án.
Luật sư cho rằng biên bản này không làm phát sinh hậu quả pháp lý. Theo luật sư, thực tế dự án là sự chuyển tiếp từ việc hợp tác của 2 tổng công ty. Khi Phong Phú huy động góp vốn thì Thúy chưa về làm tại Sagri. VKS chưa xem xét tờ trình đề xuất chuyển nhượng dự án thì Thúy có ý kiến về việc cần xác nhận dự án theo giá thị trường. Sau khi có tờ trình nêu trên, lãnh đạo không có ý kiến gì.
Luật sư cũng cho rằng thẩm quyền ký chuyển nhượng dự án do Hội đồng thành viên (HĐTV) Sagri phê duyệt chủ trương và hợp đồng chuyển nhượng ghi rõ căn cứ vào nghị quyết của HĐTV. Do đó, các văn bản bị cáo Thúy ký không có giá trị chuyển nhượng dự án.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Trường Sơn nói rằng vụ án không có thiệt hại, không có hậu quả xảy ra nên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không có tội.
Tội tham ô nhục quá, đề nghị HĐXX cho đổi tội danh
Ngay sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Trần Văn Trường (Công ty Du lịch Thanh niên xung phong) bị xét xử tội tham ô tài sản, đã có phần tự bào chữa.
Bị cáo này tiếp tục khẳng định không tư lợi, không có ý thức chiếm đoạt tài sản để bị xử tội tham ô.
Cụ thể, ông Trường nói bản thân là người không hiểu rõ quy định về pháp luật hình sự nên cũng không hiểu tại sao mình lại bị xử tội tham ô. Ông Trường nói "bị xử tội này, bị cáo cảm thấy kỳ kỳ".
Theo ông Trường, trong quá trình thanh tra, điều tra, ông làm đơn rất nhiều: "Thực sự mong HĐXX đổi tội danh cho bị cáo. Tự nhiên không lấy cắc bạc nào mà thành tham ô. Tội danh này thực sự rất nhục cho gia đình, cho danh dự, cho các con, cho mẹ bị cáo".
Ông Trường nói chưa từng nhận bất kể lợi ích vật chất nào từ Sagri ngoài việc Tết năm 2016 có nhận 2 quả dưa lưới từ ông Hùng tặng.
Ông Trường cũng xin HĐXX bằng cách nào đó xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác bởi dịch giã rất đáng sợ nhưng dịch ở trong tù còn đáng sợ hơn.
"Bị cáo không đối phó với hành vi tham ô mà thực tế là tình ngay lý gian, đây là những lời thực sự từ đáy lòng bị cáo. Bị cáo không kêu oan gì, ở đâu cũng có trường hợp sai sót, nếu sai sót thì là ý trời. Xin VKS, HĐXX và dư luận có cái nhìn bao dung cho trường hợp của bị cáo và các anh em ở đây. Không ai tư lợi gì về vụ này đâu" - ông Trường tha thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận