Ngày 26-3, trở lại hiện trường tại Công ty du lịch sinh thái Rừng Dừa Cẩm Thanh nơi xảy ra vụ phá rừng, lấn chiếm đất để làm nhà hàng (Tuổi Trẻ ngày 21-3), một phần diện tích khu nhà hàng của doanh nghiệp đã được tháo dỡ.
Đây không phải vụ lấn phá đầu tiên
Tại hiện trường, ông Lê Văn Nhực, chủ doanh nghiệp này, nói đã tìm cách múc phần đất cơi nới lấn chiếm rừng, trồng lại dừa nước phục hồi. Một dãy nhà trụ sắt, nền bê tông, khung thép đã được tháo dỡ. Dù vậy, rất nhiều diện tích trong khuôn viên nhà hàng này bị cơi nới trái phép trước đó vẫn chưa được tháo dỡ.
Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, các phòng ban chức năng cũng đã đo đạc hiện trường và thống kê có tới 11 công trình đang nằm trong rừng dừa. Nhiều trong số các công trình này được xây lắp bằng bê tông cốt thép. Trong khi đó ông Trần Chiến, chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nói rằng quy định hiện tại ở rừng dừa Cẩm Thanh không cho phép xây dựng công trình kiên cố.
Thực tế trước vụ việc này, tình trạng xây dựng, lấn chiếm, cơi nới và có cả chặt phá dừa nước diễn ra ngang nhiên.
Ngày 20-3, dù ông Trần Chiến nói với PV rằng "việc chặt phá rừng dừa Cẩm Thanh là không có", nhưng trước đó một ngày, tức 19-3, chính ông Chiến là người đã trực tiếp cùng đoàn cán bộ làm việc với ông Đỗ Văn Thành (43 tuổi, trú tại phường Thanh Hà, TP Hội An) về việc lấn chiếm đất rừng phòng (dừa nước) tại rừng dừa Cẩm Thanh.
Trong biên bản do UBND xã Cẩm Thanh lập có nêu việc tự ý chặt phá dừa nước, đổ đất san lấp để lấn chiếm gần 1.000m2. Đoàn kiểm tra đã làm văn bản báo cáo lên TP Hội An đề nghị ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu ông Thành phục hồi nguyên trạng phần đất đã lấn chiếm.
Trước đó UBND xã Cẩm Thanh cũng đã lập biên bản nhiều doanh nghiệp xâm hại, lấn phá rừng dừa. Nhưng sau đó không những không khắc phục mà việc cơi nới, xây dựng trái phép lại làm quy mô hơn.
"Cả trăm trường hợp vi phạm"
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định "cả trăm trường hợp vi phạm" tại rừng dừa chứ không riêng Công ty Rừng Dừa Cẩm Thanh. Mới nhất, trong báo cáo của HĐND xã Cẩm Thanh có đề cập năm trường hợp cơi nới, lấn chiếm, xây dựng bê tông cốt thép chỉ trong thôn Vạn Lăng, ngay sát trụ sở UBND xã Cẩm Thanh.
Ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng rừng dừa không chỉ là môi trường mà chính là sinh kế, nồi cơm của bà con Hội An. Phá rừng dừa tức là phá chính nồi cơm của mình.
"Tôi đi thực tế cũng thấy xâm lấn rất nhiều. Tôi sẽ có ý kiến chính thức với các cấp quản lý, không thể để tình trạng này kéo dài, nếu không thì ít năm nữa rừng dừa sẽ không còn. Doanh nghiệp phá thì nguy ở chỗ không những rừng bị mất mà người dân thấy thế cũng không còn có ý thức gìn giữ cho rừng như lâu nay nữa" - ông Sự nói.
Rừng dừa Cẩm Thanh được chính thức bán vé tham quan du lịch từ năm 2017. Tới nay là một trong hai điểm đến đông khách nhất Hội An (cùng phố cổ). Không gian rừng dừa Cẩm Thanh là vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, được đưa vào nhóm rừng phòng hộ.
Lý giải việc rừng dừa bị xâm hại, một lãnh đạo TP Hội An nói rằng "đang rất có vấn đề" ở đây. Nguyên do là khách quá đông, lợi nhuận quá lớn nên nhiều doanh nghiệp bất chấp.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết tới ngày 26-3 UBND xã Cẩm Thanh vẫn chưa gửi báo cáo cụ thể về vụ phá rừng của Công ty du lịch sinh thái Rừng Dừa Cẩm Thanh.
Tuy nhiên quan điểm chỉ đạo của Hội An là không làm riêng vụ việc cụ thể này mà qua đây để cho tổng rà soát hết toàn bộ. Doanh nghiệp nào vi phạm, phá rừng, cơi nới sẽ buộc phải chịu trách nhiệm. "Lần này Hội An sẽ xử lý nghiêm để chấn chỉnh chung" - ông Sơn nói.
Sẽ mở tour mới trong rừng dừa Cẩm Thanh
Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết đoàn các sở ngành, phòng ban tại Quảng Nam vừa khảo sát và xúc tiến thủ tục mở tour mới ở rừng dừa Cẩm Thanh.
Theo đó, vị trí tổ chức tour nằm gần cầu Cửa Đại, thuộc một khu vực yên tĩnh bao quanh rừng dừa tự nhiên. Xã Cẩm Thanh được giao nhiệm vụ lập thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng bến bãi, nạo vét luồng lạch. Tour này dự kiến sẽ đón khách trong năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận