PGS.TS Phạm Bích San cho rằng từ sự kiện Bộ GTVT đề nghị thẩm tra học vị tiến sĩ của ông Trần Đình Bá, thấy lộ ra nhiều chuyện đáng bàn và rất đáng buồn.
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần phải hiểu rằng bất cứ một người dân nào cũng có thể có ý kiến phản biện chứ không phải có học vị này, học vị kia mới có quyền đưa ra ý kiến.
Do đó ở trường hợp này, đáng lý ra Bộ GTVT chỉ nên tập trung xem căn cứ khoa học của những ý kiến phản biện từ ông Bá có xác đáng, khoa học, ý kiến có chất lượng hay không.
Chả lẽ nếu không phải là tiến sĩ thì dù ông Bá có những phản biện sắc sảo, chính xác thế nào thì Bộ GTVT cũng không tiếp nhận, không lắng nghe hay sao?
Thứ hai, tôi cũng thấy rất ngạc nhiên tại sao ông Bá lại không tự tin vào những ý kiến đóng góp của mình, mà phải đưa danh xưng “tiến sĩ” vào để vững tin hơn với luận điểm của mình.
Và vì thế, điểm thứ ba lộ ra từ câu chuyện này chính là điểm yếu nhất của xã hội chúng ta là luôn coi trọng bằng cấp hơn thực chất.
Bộ GTVT coi trọng bằng cấp, người phản biện cũng có vẻ tự tin hơn nếu có bằng cấp. Bằng cấp ở đây không biết thực hư ra sao, nhưng đó là trở lực khiến xã hội chúng ta không thể tiến xa được.
Trở lại cách ứng xử của Bộ GTVT thì thấy rõ bộ này không sòng phẳng, không “chơi đẹp” chút nào. Một bộ thường nắm nhiều ưu thế hơn công dân bình thường nhưng lại không dám đương đầu ứng xử đàng hoàng, mà lại dùng “tiểu xảo”.
Bộ GTVT nên “đấu” với ông Bá một cách sòng phẳng bằng văn bản chính thức. Là nơi tập hợp nhiều nhà chuyên môn về lĩnh vực, tại sao bộ không dám tự tin đấu sòng phẳng? Cơ quan quản lý nhà nước là nơi cầm cân nảy mực chứ không thể tự nhảy vào để lệch cán cân đi.
Riêng với việc xác minh ông Bá có bằng tiến sĩ thật hay không thì nên để cộng đồng khoa học lên tiếng, xã hội đánh giá. Nhà nước có nhiều việc để làm, không nên chăm chăm xem người có tiếng nói phản biện kia có bằng tiến sĩ thật hay không.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết việc công nhận bằng tiến sĩ cho người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp công nhận văn bằng phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, kèm theo những minh chứng văn bằng cụ thể. Trong đó, bắt buộc người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người có văn bằng, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hồ sơ đến Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. |
* PGS.TS HỒ UY LIÊM (ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam): Ứng xử của cơ quan quản lý có ảnh hưởng đến tinh thần phản biện? Cần tách bạch rõ hai vấn đề: ý kiến phản biện của ông Trần Đình Bá về các dự án giao thông và bằng cấp thật sự mà ông Bá đang sở hữu. Việc thẩm tra xem ông Bá có phải là tiến sĩ hay không, nếu cần, là việc của cơ quan khác, chứ không phải việc cần làm của Bộ GTVT. Việc mà bộ này cần quan tâm là những ý kiến đóng góp của ông Bá đối với dự án sân bay Long Thành hay các dự án giao thông khác có khách quan không, có đủ luận cứ khoa học không. Trường hợp bộ thấy ý kiến của ông Bá không đúng thì phản biện ý kiến đó một cách khoa học. Nhưng nếu ý kiến đó thuyết phục thì phải bình tĩnh lắng nghe. Có một thực trạng chung là ở nhiều cấp hiện nay không thích nghe ý kiến trái chiều. Người ta cứ chuộng cái lý phải theo ý mình, bất chấp nhiều khi chính mình cũng sai thê thảm. Sai thì nên biết nhận, đó mới là điểm sáng của nhà khoa học. Vậy cách xử lý hiện nay của Bộ GTVT với một người có ý kiến đóng góp với các dự án mà bộ đang thực hiện như vậy có làm cho tinh thần phản biện bị ảnh hưởng không? Tất nhiên là có. Song tôi tin những người bản lĩnh có thể coi đó là bình thường, nếu chưa có bằng tiến sĩ thì nhận mình chưa có bằng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận