Bạn bè, đồng nghiệp của cô giáo Th., đến thăm hỏi, động viên sau sự việc - Ảnh: TIẾN THẮNG
Như đã thông tin, sau khi xin về lại trường cũ nhằm tiện chăm sóc con khi chồng công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 1 Cảnh sát biển nhưng không được giải quyết, cô giáo tự tử, để lại thư tuyệt mệnh.
Tự tử vì thấy mình bị lừa...
Trong tâm thư của mình, cô Th., cho biết đầu tháng 7-2017, chủ tịch UBND huyện An Dương cùng đoàn cán bộ đã đồng ý gặp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên của trường THCS An Đồng bị điều chuyển.
Tại cuộc gặp này thì chính chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết tại trường THCS An Đồng vẫn còn thiếu một giáo viên dạy Sinh học, do đó một trong hai cô giáo (dạy Toán - Sinh) có thể về lại trường THCS An Đồng, còn một cô giáo khác nếu có nguyện vọng thì về trường THCS Đồng Thái.
Trước thông tin này, cô giáo P.Th., đã chủ động nhận về giảng dạy tại trường THCS Đồng Thái và "nhường suất" về trường THCS An Đồng cho cô Th., vì thấy hoàn cảnh của cô giáo này tất bật hơn khi một mình phải chăm sóc 3 con.
"Sau cuộc gặp này, cô giáo P. Th., đã có quyết định điều động về trường THCS Đồng Thái, còn tôi chờ mãi vẫn không thấy có tiến triển gì nên sốt ruột chạy lên huyện để hỏi thì người ta yêu cầu tôi phải rút đơn khiếu nại, sau đó xin mẫu đơn để khai lại hồ sơ. Tất cả tôi đều thực hiện làm theo không sót việc gì." - cô Th., kể lại.
Sau khi làm xong hồ sơ mới, cô giáo Th., tiếp tục lên huyện để nộp thì được yêu cầu phải có chữ ký nháy của chủ tịch huyện nhưng vì lãnh đạo huyện bận nhiều công việc khác nên không xin được chữ ký.
"Chỉ một mong ước rất nhỏ nhoi, chính đáng của mình nhưng cứ nơi này đổ cho nơi kia, tôi thấy mình chẳng khác gì quả bóng bị họ đá lăn đi lăn lại và cảm thấy mình như bị lừa. Cứ thế kéo dài hết lần này đến lần khác nên tôi chẳng còn thiết điều gì nữa, chỉ muốn sớm chấm dứt cảnh uất ức này." - cô Th. tâm sự.
Bức tâm thư gửi chủ tịch UBND huyện An Dương được mọi người tìm thấy bên cạnh người của nữ giáo Th., khi cô đã uống thuốc ngủ - Ảnh: TIẾN THẮNG chụp lại
Đã ưu tiên, hỗ trợ hết mức
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào cuối ngày 11-9, ông Lê Anh Quân - chủ tịch UBND huyện An Dương, xác nhận tại cuộc gặp các giáo viên vào đầu tháng 7-2017 thì ông có nói rằng qua báo cáo rà soát của trường THCS An Đồng cho biết hiện đang thiếu giáo viên dạy môn Sinh học, tuy nhiên tại trường này vẫn phải rà soát lại nên chưa thể xem xét, điều động ai cả.
Riêng với những trường khác khi đã rõ việc thiếu thì các giáo viên có nguyện vọng là huyện sắp xếp ngay.
Theo ông Quân, sau khi rà soát thì phát hiện tại trường vẫn còn thừa nhiều biên chế, trong đó vẫn còn đến 3 giáo viên dạy bộ môn Sinh học nên không thể điều chuyển cô Th. về ngay lập tức được.
Ông Quân cho rằng đối với cô giáo Th., UBND huyện cũng đã tạo điều kiện hết mức để cô được công tác gần nhà khi nhiều lần trao đổi với cô về việc điều chuyển đến công tác tại trường THCS thị trấn An Dương, vốn chỉ cách nhà riêng khoảng 2km nhưng cô Th., kiên quyết không đồng ý.
"Cô Th., cứ nói mình có con nhỏ, chồng công tác xa song thực tế đây lại là đứa con thứ 3, trong khi vẫn có những giáo viên khác cũng có chồng đang công tác trong đơn vị Cảnh sát biển và có con còn nhỏ hơn. Như vậy nếu chúng tôi giải quyết cho cô Th., thì những cô giáo khác họ sẽ nghĩ sao?" - ông Quân nêu vấn đề.
Trước thắc mắc cho rằng vì sao huyện không xem xét đến yếu tố hậu phương quân đội cho những trường hợp có cán bộ chiến sĩ công tác vì biển đảo, ông Quân cho rằng đã rà soát kỹ và thấy theo quy định hiện nay thì chỉ xét ưu tiên đối với những trường hợp gia đình có con em, cán bộ công tác tại đảo xa.
"Chồng của cô giáo Th., công tác trong đơn vị Cảnh sát biển nhưng đóng quân ở ngay phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng nên rất khó để xét ưu tiên" - ông Quân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận