Sáng 8-8, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết đang cùng với Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM vào cuộc xác minh thông tin một bác sĩ rút ống thở của ba mẹ để cứu một sản phụ song thai lan truyền trên mạng.
Tất cả bác sĩ ở các bệnh viện sản khoa lớn đều không biết "bác sĩ Khoa" là ai
Các bệnh viện gồm Chợ Rẫy, Lê Văn Việt, Từ Dũ, Quốc tế Hạnh Phúc, Hồi sức COVID-19; nơi được cho là có thông tin liên quan về vụ "bác sĩ nhường máy thở của ba mẹ để cứu sản phụ song thai" đều lên tiếng khẳng định không có bác sĩ nào tên Khoa và không có ca mổ nào để cứu song thai như trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Cao Hữu Thịnh, người bị lấy hình ảnh trên trang cá nhân để minh họa cho câu chuyện nêu trên, bức xúc nói: "Tôi mổ cho rất nhiều bệnh nhân, việc lấy hình bé sơ sinh đăng Facebook tôi luôn xin phép sản phụ. Việc lấy hình bé sơ sinh để lồng ghép vào chuyện chết chóc là điều rất không nên, vô đạo đức và ảnh hưởng đến bé và gia đình bé".
Bác sĩ Thịnh cho biết ông sẽ có hồi âm trên Facebook để mọi người nắm rõ vấn đề, tránh gây hoang mang, ảnh hưởng đến bệnh nhân.
Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu cho biết khi đọc các thông tin đăng tải trên mạng và nhận thấy có nhiều điểm mâu thuẫn, phản khoa học.
Thứ nhất, bác sĩ không thể tự rút máy thở của bệnh nhân này cắm qua cho bệnh nhân khác được; mặt khác, việc bệnh nhân đang sống mà rút máy thở để bệnh nhân chết là điều bác sĩ không được phép làm. Điều này là vô đạo đức. Trong trường hợp nếu có xảy ra tình huống này thì cần phải có hội đồng thẩm định nghiêm túc.
Thứ hai, thực tế dịch bệnh tại TP.HCM đang căng thẳng là có thật nhưng không đến mức thiếu máy thở đến nỗi phải giành giật nhau như vậy. Ước tính hiện chỉ có khoảng 1% bệnh nhân mắc COVID-19 ở TP.HCM phải thở máy thở và các bệnh viện đều có thể đáp ứng đủ, đặc biệt trong tình huống sản phụ mang song thai như trên lại càng phải được chủ động chuẩn bị máy thở từ trước.
Thứ ba, với các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt sản phụ thường ảnh hưởng suy hô hấp, do đó khi mổ bắt con buộc phải gây mê. Trong điều kiện phòng mổ, chắc chắn sẽ phải có máy thở lắp đặt sẵn, không thể có chuyện lấy máy thở khác ở ngoài để mổ như thông tin lan truyền trên mạng.
Có nhiều thông tin cho rằng "bác sĩ Khoa" này chăm sóc cha mẹ ở Bệnh viện Lê Văn Việt và việc nhường máy thở để cứu sản phụ song thai này xảy ra tại bệnh viện này. Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Khoa Lý - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt - khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.
"Ở bệnh viện không có bác sĩ nào tên Khoa cả (kể cả lực lượng hỗ trợ) và ngày hôm qua bệnh viện không có bất cứ ca sản khoa nào cần xử lý. Việc hỗ trợ cũng phải được Sở Y tế TP.HCM và bệnh viện đồng ý, chứ không thể khơi khơi như nội dung đăng tải trên mạng" - bác sĩ Lý khẳng định.
Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là "bác sĩ Khoa" là ai? Làm ở cơ sở y tế nào? Các nội dung này Tuổi Trẻ Online đã chuyển cho lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM xác minh và đến nay chưa có kết quả cuối cùng.
Những bất thường về y khoa
Trên trang cá nhân sáng nay 8-8, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Y tế cũng chia sẻ đứng về chuyên môn ngành y thì các chi tiết trong câu chuyện của "bác sĩ Khoa" là không logic, những mảng thông tin chắp vá.
Bà Lưu Thị Hồng, chuyên gia về sản khoa, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, cũng chỉ ra một số bất hợp lý về chuyên môn trong câu chuyện.
Thứ nhất, dù trong mùa dịch COVID-19, bệnh viện quá tải, nhưng rất khó có chuyện sắp xếp cho một sản phụ thai đôi, nhiễm COVID-19 sắp sinh cùng phòng với 2 bệnh nhân COVID-19 nặng, đều phải dùng thiết bị trợ thở.
Thứ hai, về chi tiết rút ống thở, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, khi sử dụng cho bệnh nhân khác phải trải qua quá trình tiệt trùng tiệt khuẩn theo quy trình chuyên môn của ngành y tế. Trong số các thiết bị trợ thở có thở máy xâm nhập, không xâm nhập, thở oxy qua gọng kính và qua mặt nạ.
Ngoại trừ yêu cầu tiệt khuẩn mỗi khi sử dụng, cần phải mở khí quản, máy thở không xâm nhập đặt qua đường miệng bệnh nhân và phải ràng chắc chắn.
Với thở oxy gọng kính hoặc qua mặt nạ chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 mức độ chưa nặng lắm, chưa phải trường hợp có nguy cơ tử vong ngay nếu cắt nguồn oxy.
Ngoài ra, thông tin của "bác sĩ Khoa" không nói bệnh nhân nằm ở khoa nào, bệnh viện nào, nhưng nguyên tắc hiện hành ở Việt Nam chưa cho phép rút ống thở chấm dứt cuộc sống của một người.
"Bác sĩ Khoa" không có quyền cắt nguồn oxy nếu bố mẹ đang được điều trị, kể cả bác sĩ là con đẻ. Việc rút ống thở hay không là tùy thuộc vào các chỉ số sinh tồn của người bệnh và phải thông qua hội chẩn, nếu không sẽ nguy cơ dẫn đến vô tình giết người và vi phạm các quy tắc nghề nghiệp.
Trước đó, tối 7-8, trên mạng xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa.
Theo nội dung lan truyền, người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Ngoài ra còn có hình ảnh 2 bé song sinh được lan truyền, được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Thông tin này sau khi đăng tải được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đa phần đều cảm phục trước hành động của "bác sĩ Khoa". "Tôi khóc cạn nước mắt trước hành động dũng cảm mà không phải ai đứng trước tình huống này cũng làm được" - một người chia sẻ.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã nhắn tin cho tài khoản Facebook của "bác sĩ Khoa", người chia sẻ câu chuyện nhường máy thở cứu sản phụ song thai, để hy vọng được chia sẻ thêm về quyết định nêu trên. Tuy nhiên "bác sĩ Khoa" nói “cảm ơn” và không chia sẻ thông tin gì thêm.
Sáng 8-8, tất cả các thông tin mà "bác sĩ Khoa" đăng tải trên Facebook cá nhân cũng đều bị xóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận