Gần đây nhiều tỉnh thành lo lắng dữ liệu đất đai bị ngắt gián đoạn, trong khi lại chậm thực hiện thủ tục quy trình ký hợp đồng thuê dịch vụ vận hành Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS của Viettel.
Hướng dẫn gì về thuê dịch vụ dữ liệu đất đai?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, 36 tỉnh thành đã sử dụng miễn phí hệ thống dữ liệu đất đai của Viettel để giải quyết hồ sơ đất đai của người dân những năm gần đây. Bao gồm 28 tỉnh thành thuộc dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (viết tắt VILG) và 8 tỉnh ngoài dự án VILG.
Việc sử dụng miễn phí trên bắt đầu từ tháng 1-2021, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn (số 340) thông báo đến các tỉnh thành về kết quả đánh giá phần mềm xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo đó, bộ khẳng định phần mềm VBDLIS đã đáp ứng các yêu cầu xây dựng, quản lý, thông tin dữ liệu đất đai.
Đồng thời bộ thông báo các địa phương căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai để xem xét, lựa chọn phần mềm cho phù hợp, đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng báo cáo Thủ tướng về cơ chế đầu tư xây dựng VBDLIS theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (dự án BOO). Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt thì "các địa phương được sử dụng VBDLIS miễn phí".
Đến tháng 6-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn thông báo dừng triển khai cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo hình thức BOO. Đồng thời khuyến cáo để dữ liệu đất đai không bị gián đoạn thì các địa phương "xem xét ưu tiên bố trí kinh phí và chủ động có phương án tổ chức thực hiện lựa chọn phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để sử dụng cho phù hợp với điều kiện của địa phương".
Về trình tự, thủ tục thuê dịch vụ dữ liệu đất đai vào tháng 7-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cho các địa phương căn cứ quy định hiện hành.
Địa phương: "Việc khó, cần chịu khó làm từng bước một"
Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các địa phương về quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin có sẵn trên thị trường và quy trình thử nghiệm thuê dịch vụ công nghệ thông tin chưa sẵn có trên thị trường.
Đồng thời hướng dẫn xác định về thẩm quyền phê duyệt thuê dịch vụ, kinh phí, hạn mức, thời hạn thuê, nguồn vốn, dự toán, điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập kế hoạch thuê dịch vụ, an toàn thông tin cho hệ thống dữ liệu...
Dẫu vậy, các địa phương vẫn còn loay hoay với quy trình, thủ tục dù lo ngại dữ liệu đất đai bị ngắt khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Viettel sẽ không thể cho sử dụng miễn phí mãi dịch vụ.
Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là địa phương "làm rất tốt" việc thuê dịch vụ dữ liệu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Hùng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh - cho biết tỉnh đã hoàn thành thuê dịch vụ vận hành hệ thống dữ liệu đất đai VBDLIS và hệ thống đang hoạt động tốt.
Theo ông Hùng, trung bình tỉnh Trà Vinh mỗi ngày tiếp nhận, xử lý 700-800 hồ sơ về đất đai, mỗi tháng trên 10.000 hồ sơ. Đơn vị cung cấp phần mềm và tỉnh Trà Vinh cũng căn cứ định mức, quy mô hồ sơ phát sinh hằng ngày để đàm phán thuê dịch vụ.
"Từ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, địa phương đã triển khai nhanh chóng và thuê được phần mềm đúng tiến độ. Quá trình thực hiện có sự vào cuộc từ nhiều sở ban ngành của tỉnh, đơn vị tư vấn...
Biết rằng đây là vấn đề mới, khó, nên mình phải chịu khó nghiên cứu quy định liên quan để làm từng bước một. Nếu gặp khó thì mình điều chỉnh cho hợp lý. Hiện nay có 7 tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang... tổ chức các đoàn đến Trà Vinh để chia sẻ kinh nghiệm từ tỉnh chúng tôi", ông Hùng chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận