TAND TP Đà Nẵng vừa tuyên phạt bị cáo Lương Ngọc Vũ - đăng kiểm viên - mức án 13 năm tù, Bùi Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng - 8 năm tù, Lương Kim Quang - giám đốc Công ty Dịch vụ và kỹ thuật LKQ - 7 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.
Vụ án có hơn 500 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ gia đình, chủ xe) được tòa triệu tập.
Các chủ xe trong vụ án có hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho các bị cáo để được cấp giấy chứng nhận cải tạo xe. Nhưng họ không bị xử lý hành vi đưa hối lộ, vì sao?
Có đưa tiền nhưng không xử lý tội đưa hối lộ
Hồ sơ vụ án thể hiện Vũ cùng với Tấn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương để Quang thành lập Công ty LKQ và nhờ người đứng tên thành lập Công ty ô tô Trung Bộ.
Vũ thông qua Quang hoặc trực tiếp nhận tổng cộng 655 hồ sơ các loại và tiền của các chủ xe, để Tấn ký cấp giấy chứng nhận cải tạo.
Với xe do Công ty LKQ vừa thiết kế vừa thi công gồm 262 hồ sơ, nhận 5 triệu đồng/hồ sơ; xe do Công ty LKQ và Công ty Trung Bộ làm khống thủ tục cải tạo, nghiệm thu theo hồ sơ thiết kế được Cục Đăng kiểm thẩm định gồm 120 xe với số tiền là 10 triệu đồng/hồ sơ; xe do hai công ty này làm khống thủ tục nghiệm thu và có văn bản đề nghị Trung tâm Đăng kiểm nghiệm thu để cấp giấy chứng nhận mà không có hồ sơ thiết kế gồm 273 xe, nhận tiền 1 triệu đồng/hồ sơ. Các bị cáo đã nhận hối lộ của nhiều người với số tiền hơn 2,78 tỉ đồng.
Theo cáo trạng và nhận định của hội đồng xét xử, các chủ xe trong vụ án là các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân có hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho các bị cáo để được cấp giấy chứng nhận cải tạo xe.
Quá trình điều tra nhận thấy các chủ xe đều không nắm rõ quy trình làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cải tạo xe, do tin tưởng vai trò của đăng kiểm viên Lương Ngọc Vũ nên đưa tiền cho Vũ và Quang để làm hồ sơ.
Một số chủ xe có đơn tố cáo, cung cấp tài liệu, khai báo hành vi của các đối tượng nhận hối lộ nên cơ quan điều tra căn cứ quy định tại khoản 7, điều 364, Bộ luật Hình sự không xử lý trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ là có căn cứ, đúng quy định.
Chủ động khai báo
Đề cập vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thủy (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc lợi ích phi vật chất) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội với tính chất mức độ nghiêm trọng hơn theo quy định từ khoản 2 đến khoản 4, điều 364 thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi có thể bị phạt tù mức cao nhất lên đến 20 năm tù. Đối chiếu với quy định nêu trên, có nhiều trường hợp người dân, đại diện doanh nghiệp có các hành vi của tội đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự có thể bị khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Thủy, tại khoản 7 điều 364 Bộ luật Hình sự có quy định: "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".
Theo luật sư Thủy, trên thực tế người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính công có thể có những trường hợp buộc phải "làm luật" ngoài quy định. Có khi bị nhũng nhiễu ép buộc nhưng cũng có khi có luật ngầm sẵn, nếu không chung chi không giải quyết được công việc.
"Từ các quy định nêu trên, thực tiễn nhiều vụ án liên quan đến tội danh đưa - nhận hối lộ xảy ra ở nhiều nơi, để thể hiện tinh thần bảo vệ cho người khai báo sự việc, bảo vệ người yếu thế thì việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp dù có dấu hiệu phạm tội là điều rất cần thiết để thúc đẩy việc bài trừ tham nhũng, tiêu cực trong xã hội" - luật sư Thủy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận