Anh cho biết: “Khải tập từ 10g sáng đến 12g đêm, những ngày nào gần đến đêm diễn thì buổi tập bắt đầu từ lúc 9g sáng”.
Phóng to |
Diễn viên múa Vũ Ngọc Khải (phải) - Ảnh: Đức Nguyên |
- Phải nói là rất tình cờ. Hồi đó bố Khải đi bộ đội và tham gia đoàn văn công. Bố Khải có tham gia múa trong một vài trích đoạn để diễn cho các cô chú trong quân đội xem và sau đó thì bố mê múa. Nhưng rất tiếc là ông không theo được nghề này đến cùng mà phải làm một công việc khác. Và có lẽ vì thế trong ông luôn nung nấu một ý nghĩ gì đó liên quan đến múa…
Rồi Khải thi vào trường múa và cũng thật may mắn khi mình có những điều kiện mà các thầy cô khi ấy cũng bảo là tay chân mình rất là mềm và bật rất cao. Và múa đã đến với Khải như thế đấy.
* Anh thuận theo sự sắp đặt của bố mà không đắn đo xem mình có khả năng hay không?
- Lúc bố ngồi nói chuyện trước cả gia đình và bảo có ý định đưa Khải vào trường múa thì Khải rất bất ngờ. Bố cũng đã cân nhắc rất nhiều để con trai mình có thể chọn được một ngành nghề nào đó và sẽ yêu thích chính công việc mình làm. Đó có thể là kỹ sư, bác sĩ… hay đại loại là một ngành nghề nào đó, nhưng với ông như vậy vẫn là chưa đủ, vẫn chưa thỏa niềm ao ước hay nguyện vọng nào đó…
Và bố “hạ” quyết định cho Khải vào trường múa để thử nghiệm, có thể thầy cô trong trường múa sẽ khai phá ra Khải của một nghệ sĩ múa. Bản thân Khải khi đó còn khá nhỏ, cũng muốn bản thân mình thử xem thế nào và không ngờ lại có thể gắn bó lâu như vậy.
Phóng to |
Vũ Ngọc Khải: "Tôi chắc chắn trở về Việt Nam" - Ảnh: Đức Nguyên |
* Vì sao sau khi tốt nghiệp trường múa, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam có mời anh về nhưng anh lại từ chối trong khi đang thất nghiệp?
- Khi Khải tốt nghiệp, giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) có mời Khải về làm việc nhưng Khải đã từ chối và chỉ ở nhà hai tháng. Khải từ chối có thể là để chờ đợi một điều gì đó hoặc có thể không làm gì cả.
Khi đó bạn của Khải về VNOB rất nhiều nhưng Khải đã không chọn như các bạn. Chỉ đơn giản Khải nghĩ rằng khi về đó cũng cùng các anh em đó, làm một công việc giống nhau và nhận một đồng lương như nhau. Khải thấy như vậy là chưa đủ và mong chờ một màu sắc nào đó mới hơn. Bạn biết đấy, khi một người nghệ sĩ mà không tìm được cho mình một sự mới mẻ và thú vị thì mình cũng dần dần “chết” đi.
* Sau khi anh hoàn tất các khóa học bổng ở nước ngoài rồi đi làm, có vẻ như trong những nơi anh lựa chọn đến đều không có Việt Nam?
- Bây giờ thì Khải đang có rất nhiều ý tưởng về biên đạo và cả việc học thêm hơn nữa về giảng dạy. Và Khải vẫn còn nuôi ý định sẽ tiếp tục đi làm, rồi đi học thêm ở nước ngoài.
* Vậy trở về đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam có trong ý định mà anh “nuôi” không?
- Hằng năm Khải đều được nghỉ hè 6 tuần và Khải đều trở về Việt Nam trong khoảng thời gian đó để làm việc cùng với anh chị em nghệ sĩ múa. Thật ra là mình đã và đang đóng góp một phần nào đó nhỏ bé cho nghệ thuật múa nước nhà. Có lẽ thời gian này Khải sẽ tiếp tục đi và một ngày nào đó Khải sẽ trở về.
* Chắc chắn hay có thể về?
- Chắc chắn và có thể! (Cười)
Phóng to |
"Khải hy vọng Mộc sẽ đưa đến cho khán giả, có thể là một quan điểm hay một cách nhìn, để mọi người nhìn nó như một bức tranh có nhiều hình, nhiều chiều, vượt qua giới hạn tầm nhìn của con mắt để có thể cảm nhận ngôn ngữ của cơ thể, ngôn ngữ của múa" - Ảnh: Đức Nguyên |
* Nói về vở diễn sắp tới có sự tham gia của anh thì Mộc được gợi ý tưởng như thế nào?
- Từ nửa năm trước, lúc Khải vẫn còn ở nước ngoài thì anh Tấn Lộc có tâm sự mong muốn mời các anh chị em nghệ sĩ múa đang học tập, làm việc bên nước ngoài về cùng tham gia một chương trình mới hơn, hay hơn và quan trọng là để các anh chị em ở TP.HCM được hội nhập và biết được hơi thở của múa ở bên ngoài Việt Nam. Và Mộc là một chương trình như vậy.
Mộc được gợi ý tưởng từ ba anh em là Khải, anh Tấn Lộc và anh Ngọc Anh. Cả anh Tấn Lộc và anh Ngọc Anh đều có một cách lý giải riêng về Mộc, rằng Mộc gần với mình như thế nào. Còn với Khải thì Mộc là một hành trong ngũ hành của Trời và Đất.
Con người và Mộc có mối liên hệ sâu sắc về tinh thần và thể chất trong một vòng tròn khép kín để cùng nhau phát triển, giao thoa và tạo nên sự hài hòa của tự nhiên. Về căn bản, con người và Mộc có nhiều điểm tương đồng nào đó. Và các diễn viên múa đã kết hợp những nét tương đồng căn bản đó với động lực múa của bản thân để tạo nên những chuyển động thú vị tưởng chừng như bất tận…
* Vai trò của anh trong vở Mộc này là gì?
- Khải cùng với anh Tấn Lộc và anh Ngọc Anh đều đóng vai trò là người biên đạo. Nhưng có thể xem anh Tấn Lộc là đạo diễn chính của chương trình. Còn Khải và anh Ngọc Anh có biên đạo bài múa, đồng thời cũng tham gia múa trong vở Mộc này.
Khải hi vọng Mộc sẽ đưa đến cho khán giả, có thể là một quan điểm hay một cách nhìn, để mọi người có thể nhìn nó như một bức tranh có nhiều hình, nhiều chiều, vượt qua giới hạn tầm nhìn của con mắt để có thể cảm nhận ngôn ngữ của cơ thể, ngôn ngữ của múa. Nó cũng giống như khi bạn ngắm nhìn một bức tranh của một danh họa thế giới thì nó không còn giới hạn trong một khung tranh đơn thuần nữa mà vượt ra ngoài những giới hạn ấy.
Vũ Ngọc Khải sinh năm 1985 tại Hà Nội. Năm 1997, anh thi vào Trường cao đẳng Múa Việt Nam, học múa hệ 7 năm và tốt nghiệp vào năm 2004. Từ năm 2004-2006, anh công tác tại Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Cuối năm 2005, Ngọc Khải được Tổng lãnh sự quán Hà Lan đài thọ sang Hà Lan tập huấn 10 ngày. Vì những thành tích tốt của đợt tập huấn này mà một năm sau đó, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tiếp tục trao cho anh một suất học bổng toàn phần về nâng cao trình độ diễn viên tại Học viện múa Rotterdam. Từ 2007-2009 Ngọc Khải làm việc cho Công ty múa DanceWorks Rotterdam. Từ tháng 1-2010, Ngọc Khải là diễn viên Công ty múa Conny Janssen Danst. Và bắt đầu từ ngày 13-9 tới đây, anh sẽ về làm diễn viên tại Nhà hát Staatstheater am Gärtnerplatz (Munich, Đức). Trong 6 tuần về nước nghỉ hè lần này, Vũ Ngọc Khải đã tham gia chương trình Chuyện kể những chiếc giày lần 3 (ngày 3-8), Giai điệu mùa thu (18-8 và 19-8) và sắp tới là Mộc (hôm nay 28-8 và ngày mai 29-8) tại Nhà hát Kịch TP.HCM (30 Trần Hưng Đạo, Q.1). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận