Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, tính đến 15h chiều 16-3, tổng số ca ngộ độc các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận là 358 ca, tổng số ca nhập viện điều trị là 245, tổng số ca hiện đang điều trị là 170 ca (ngày 15-3 là 201 ca).
Bên cạnh đó, số ca kê đơn cho về theo dõi ngoại trú là 110 ca, tổng số ca xuất viện trong ngày là 78 ca (ngày 15-3 là 38 ca).
Nhiều bệnh nhân ngộ độc nhưng triệu chứng nhẹ
Riêng trường hợp thai phụ đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân đang mang thai 18 tuần, hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, sinh hiệu ổn, triệu chứng đã giảm so với trước.
Thai phụ được điều trị kháng sinh, truyền dịch, mời bác sĩ khoa sản khám làm lại các xét nghiệm, theo dõi sát tình trạng lâm sàng bệnh nhân, điều trị, chăm sóc tích cực.
Ông Trịnh Ngọc Hiệp - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho hay đa số các bệnh nhân còn đang điều trị sức khỏe dần ổn định, một vài bệnh nhân còn triệu chứng buồn nôn nhẹ, sốt giảm.
Số ca xuất viện trong ngày hôm nay nhiều, một số bệnh nhân mới nhập viện nhưng triệu chứng nhẹ, giảm, đã được bác sĩ kê thuốc về điều trị tại nhà.
Cũng theo ông Hiệp, cơ quan chuyên môn vừa phát hiện thêm 5 mẫu bệnh phẩm cấy từ phân của bệnh nhân trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa dương tính với vi khuẩn Salmonella. Trước đó, Bệnh viện đa khoa Vinmec cũng đã cấy phân 2 bệnh nhi cho ra kết quả dương tính với khuẩn Salmonella.
Chủ quán cơm gà hỗ trợ bệnh nhân gần nửa tỉ đồng
Đại diện quán cơm gà Trâm Anh cho hay đã hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Mức hỗ trợ tùy theo mỗi bệnh nhân có bảo hiểm y tế hay không có bảo hiểm y tế, và bệnh nhân điều trị dịch vụ hay không dịch vụ.
Ngoài ra chủ tiệm cùng các thành viên trong gia đình đã tìm tới các bệnh viện và trung tâm y tế tại địa phương gặp thân nhân, bệnh nhân để xin lỗi.
Ngoài ra, quán cũng công bố 2 số điện thoại để người bệnh liên hệ.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm ra sao?
Về vi khuẩn Salmonella, đây là nguyên nhân gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn, thậm chí gây tử vong.
Tại Nha Trang trước đó vào năm 2022, tại một trường học vi khuẩn này cũng khiến hơn 600 em học sinh, giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 ca tử vong. Tại Hội An năm 2023, vi khuẩn này cũng khiến 150 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa, nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella là thịt gà, thịt heo, sữa tươi, trứng, rau...
Thịt bị nhiễm Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt, hoặc bị nhiễm trong và sau khi giết thịt (do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột...). Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.
Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ nhiễm Salmonella (vi khuẩn lây từ món ăn không nấu chín sang...).
Sau khi con người ăn phải thức ăn nhiễm Salmonella, thời kỳ ủ bệnh thường từ 12 - 24 giờ, có trường hợp kéo dài vài ngày, thậm chí 6 - 7 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận