20/04/2021 13:56 GMT+7

Vụ 'mua chai bia còn 1/2 nước, đòi bồi thường 23 tỉ': dừng phiên tòa, giám định lại chai bia

TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN

TTO - Viện Kiểm sát nhân dân quận 5, TP.HCM cho rằng chưa có cơ sở xác định chai bia ông Du cung cấp là của SABECO, nên đề nghị tạm dừng phiên tòa để giám định các khía cạnh khác, thu thập nguồn gốc, xuất xứ của chai bia.

Vụ mua chai bia còn 1/2 nước, đòi bồi thường 23 tỉ: dừng phiên tòa, giám định lại chai bia - Ảnh 1.

Chai bia lỗi do ông Du giao nộp cho TAND quận 5 - Ảnh: ĐAN THUẦN

Tại tòa sáng 20-4, phía SABECO cho rằng ông Nguyễn Phương Du mua chai bia không nhằm mục đích sử dụng và đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Hơn nữa, SABECO cho rằng chỉ bằng mắt thường thì không thể xác định chai bia trên là do SABECO sản xuất.

SABECO: "Quy trình nghiêm ngặt, khả năng có lỗi rất khó"

TAND quận 5 đã trưng cầu giám định chai bia nêu trên tại Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM. Kết luận giám định xác định nắp chai bia nhãn hiệu Sài Gòn export không phát hiện dấu vết thủng, trượt xước, biến dạng lạ. Nắp chai bia Sài Gòn export mẫu giám định có đặc điểm giống với mẫu so sánh.

Tương tự, đối với yêu cầu xác định chai bia trên có phải là sản phẩm do SABECO sản xuất ra hay không, cơ quan giám định kết luận các lớp in trên nhãn mác của mẫu giám định và mẫu so sánh không phải được in ra từ cùng một bản in.

Trong phần xét hỏi, đại diện nguyên đơn cho rằng chai bia này ông Du phát hiện khi uống bia ở quán nhậu Hòn Thơm. Sau đó, ông Du đã mua chai bia của quán này. Người tiêu dùng không thể xác định được chai bia này có phải do SABECO sản xuất ra hay không. Còn phía SABECO khẳng định không xác định chai bia có phải do SABECO sản xuất ra.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng cho biết năm 2019, ông Du nộp chai bia cho tòa không có biên bản thu thập vật chứng.

Đại diện SABECO khẳng định quy trình sản xuất khép kín, sử dụng công nghệ "mắt thần", được kiểm tra nghiêm ngặt nên khả năng sản phẩm có lỗi là cực kỳ khó.

Mua "chai bia lỗi" không phải để tiêu dùng?

Luật sư Hoàng Hữu Nhân (bảo vệ quyền lợi cho SABECO) cho rằng chai bia ông Du nộp cho tòa án không được xem là vật chứng vì không được thu thập theo quy định pháp luật. Việc chai bia mà nguyên đơn cho rằng bị lỗi và là sản phẩm của SABECO chỉ dựa theo thông tin phản ánh một chiều của ông Du, không có chứng cứ nào chứng minh chai bia bị lỗi đó được phát hiện ở đâu, vào thời gian nào, có ai làm chứng, chai bia đó có phải là sản phẩm của SABECO hay không.

Nếu là sản phẩm của SABECO thì liệu có bị cá nhân hay nhóm người nào đó vì mục đích xấu đã cố tình tác động dẫn đến sản phẩm bị lỗi, hay do những nguyên nhân khác như lỗi do sản xuất, do quá trình vận chuyển, bảo quản?

Đồng thời luật sư cũng cho rằng: nhân viên nhà hàng biết chai bia bị lỗi chưa mở nắp đã mang vào cất, nhưng ông Du cố tình yêu cầu đem ra và nói "chỉ xin làm kỷ niệm và báo công ty chấn chỉnh".

Theo luật sư, giả sử chai bia bị lỗi là sản phẩm của SABECO thì cũng chưa thỏa mãn điều kiện là hàng hóa. Bởi, lúc này chai bia này vẫn thuộc sở hữu của nhà hàng Hòn Thơm. Việc ông Du sau khi biết chai bia có lỗi đã quyết tâm mua bằng được chai bia này không phải nhằm mục đích tiêu dùng, mà để thực hiện một mục đích khác. Sau đó, ông Du cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ quan truyền thông về việc đòi bồi thường thiệt hại 1 triệu USD.

"Phải chăng đây một thủ đoạn nhằm triệt hạ uy tín của SABECO với khách hàng" - luật sư Nhân đặt câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho SABECO) cho rằng ông Du không nhất thiết phải mua chai bia có lỗi này để đau khổ, ông Du đã tự biến mình thành nạn nhân.

Không phải mua để uống mới là người tiêu dùng!

Trong khi đó, bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Phương Du, luật sư Trần Đình Dũng đề nghị HĐXX xác định ông Du có đầy đủ tư cách là người tiêu dùng và có quyền khởi kiện. Theo luật sư, khi uống bia tại quán Hòn Thơm, hóa đơn có bia Sài Gòn. Ông Du là người trả tiền mua chai bia và có quyền yêu cầu bồi thường.

Luật sư cho rằng pháp luật quy định người tiêu dùng được loại trừ nghĩa vụ chứng minh. Hơn nữa, ông Du đã thanh toán tiền để mua chai bia này nên ông Du là người tiêu dùng, không cần biết ông mua về để làm gì, cũng không có quy định mua bia xong phải uống thì mới là người tiêu dùng.

Luật sư viện dẫn các quy định của pháp luật và cho rằng hàng hóa khuyết tật là hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng tài sản cho người tiêu dùng.

Từ các lập luận của mình, luật sư đề nghị HĐXX buộc SABECO phải bồi thường thiệt hại gồm 10.000 đồng tiền chai bia và tiền tổn thất tinh thần.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận 5 cho rằng cơ quan giám định chỉ kết luận về 2 vấn đề như nêu trên, chưa có cơ sở xác định chai bia mà ông Du cung cấp là của SABECO nên đề nghị tạm ngừng phiên tòa để giám định các khía cạnh khác, thu thập nguồn gốc, xuất xứ của chai bia mà ông Du cung cấp.

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa.

SABECO đề nghị chuyển vụ SABECO đề nghị chuyển vụ 'mua chai bia còn 1/2 nước, đòi bồi thường 23 tỉ' sang cơ quan điều tra

TTO - Sáng 20-4, TAND quận 5 mở phiên tòa xét xử vụ khách hàng kiện Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đòi bồi thường 1 triệu USD (tương đương 23 tỉ đồng) vì mua phải chai bia còn 1/2 nước.

TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên