19/09/2024 07:57 GMT+7

Vụ máy nhắn tin có 'kích nổ' Trung Đông?

Mồi lửa từ hàng ngàn máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon nhắm vào các thành viên Hezbollah có nguy cơ thổi bùng xung đột ở Trung Đông vốn đã nóng sẵn gần một năm qua.

Vụ máy nhắn tin có 'kích nổ' Trung Đông? - Ảnh 2.

Lực lượng an ninh Lebanon được triển khai ở thủ đô Beirut sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ngày 17-9 - Ảnh: AFP

Một loạt máy nhắn tin, thiết bị liên lạc đời cũ đang được các thành viên Hezbollah sử dụng đã phát nổ khắp Lebanon trong ngày 17-9 làm ít nhất 9 người chết và 2.800 người bị thương. Vụ việc đã khiến Hezbollah và Iran giận dữ.

Đổ lỗi cho Israel

Các vụ nổ tập trung ở khu vực được coi là thành trì của Hezbollah như vùng ngoại ô phía nam Beirut, phía nam Lebanon và thung lũng Bekaa phía đông. Hezbollah xác nhận hai chiến binh của họ đã thiệt mạng, trong khi AFP nói có "hàng trăm thành viên Hezbollah đã bị thương do máy nhắn tin của họ phát nổ đồng thời".

Các phóng viên AFP đã chứng kiến hàng chục người bị thương được đưa đến bệnh viện ở Beirut và ở phía nam có hàng chục xe cứu thương hoạt động tại các thành phố Tyre và Sidon. Một nguồn tin tiết lộ trong số các nạn nhân thiệt mạng có con của một nhà lập pháp thuộc nhóm Hezbollah. 

Đại sứ Iran tại Lebanon cũng bị thương nhưng không nghiêm trọng, theo truyền thông Iran, còn tại nước láng giềng Syria có 14 người bị thương.

"Chúng tôi cho rằng kẻ thù Israel phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động gây hấn tội ác này" - nhóm Hezbollah tuyên bố và thề rằng Israel "chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt thích đáng".

Bộ Ngoại giao Iran, nước hậu thuẫn cho Hezbollah, cũng chỉ trích việc "giết người hàng loạt" này là hành động khủng bố, trong khi phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza nói bước leo thang này chỉ dẫn đến "sự thất bại của Israel".

Trong khi đó, Mỹ - nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và là đồng minh thân cận của Israel - khẳng định "không liên quan" và "không biết trước" về vụ việc. Trước diễn biến nóng này, Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ "cực kỳ lo ngại" nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông và kêu gọi các bên kiềm chế.

Một nguồn tin của AFP cho rằng số máy phát nổ thuộc lô 1.000 chiếc máy nhắn tin được Hezbollah nhập gần đây.

Sau vụ việc, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Israel đã giấu chất nổ trong máy nhắn tin Gold Apollo do Đài Loan sản xuất trước khi chúng được nhập vào Lebanon. Chất nổ được gắn cạnh pin với một công tắc có thể kích nổ từ xa, dù thông tin ban đầu cho thấy một số máy phát nổ khi đổ chuông.

Tuy nhiên, công ty Đài Loan giải thích các thiết bị do công ty đối tác BAC Consulting đặt tại Hungary sản xuất theo thương hiệu Gold Apollo, dù thừa nhận có điểm khác lạ khi khoản thanh toán là từ Trung Đông.

Hezbollah có chùn bước?

Các vụ nổ đã giáng một đòn nặng nề vào nhóm Hezbollah, vốn đã lo ngại về an ninh sau khi mất một số chỉ huy chủ chốt gần đây. Đầu tuần này, Israel tuyên bố sẽ mở rộng cuộc chiến ở Gaza, bổ sung thêm mục tiêu chống lại Hezbollah dọc biên giới với Lebanon để đưa người dân di tản tại khu vực này trở về.

Cho đến nay, mục tiêu của Israel là tiêu diệt Hamas và giải thoát những con tin bị nhóm này bắt giữ trong các cuộc tấn công ngày 7-10-2023. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Hezbollah nhằm ủng hộ Hamas khiến biên giới phía bắc Israel không yên trong nhiều tháng qua.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo nếu không có giải pháp chính trị, hành động quân sự sẽ là "cách duy nhất còn lại" để đối phó với tình hình ở biên giới với Lebanon.

Tuy nhiên, chiến dịch táo bạo lần này khiến giới phân tích đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược của Israel, bởi nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng chiến sự sang Lebanon không phải là điều khôn ngoan.

"Nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, không rõ Israel có kế hoạch hạ nhiệt căng thẳng thế nào, hoặc liệu (Thủ tướng Benjamin) Netanyahu có thực sự đang cố gắng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn không", nhà phân tích Mairav Zonszein của Tổ chức International Crisis Group nhận định với Đài Al Jazeera.

Vị này cũng nói hiện có nhiều binh sĩ Israel đồn trú ở Bờ Tây và dọc theo biên giới phía bắc hơn là ở Dải Gaza. Trong khi đó, chuyên gia Yossi Melman đánh giá trên tờ Guardian rằng đây có thể là đòn gây hoảng sợ cho Hezbollah bởi các vụ nổ dường như không nhắm vào mục tiêu nào cụ thể.

Dù vậy, các hành động cứng rắn dường như không làm Hezbollah chùn bước. Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem tuần trước nói nhóm này "không có ý định tham chiến" nhưng cảnh báo "sẽ có tổn thất lớn cho cả hai bên" trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện với Israel. Sau vụ nổ máy nhắn tin, ngày 18-9 nhóm này khẳng định sẽ tiếp tục hành động để hỗ trợ Gaza.

Hezbollah chọn công nghệ cũ

Hezbollah đã yêu cầu các thành viên không sử dụng điện thoại di động kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Gaza, thay vào đó sử dụng hệ thống liên lạc riêng để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel, theo AFP.
Dù là công nghệ cũ nhưng nhiều người vẫn coi máy nhắn tin là thiết bị đáng tin cậy do sử dụng tần số riêng biệt và không bị lộ vị trí.

Nhà sản xuất máy nhắn tin Spok cho biết: "Tín hiệu của máy nhắn tin có thể xuyên qua thép và kim loại, trong khi tín hiệu của điện thoại thông minh có thể bị chặn".
Còn nhà sản xuất Discover Systems thì khẳng định hệ thống máy nhắn tin "đại diện cho phương tiện liên lạc đáng tin cậy hơn, đặc biệt trong trường hợp mất mạng WiFi hoặc mạng điện thoại".

Vụ máy nhắn tin có 'kích nổ' Trung Đông? - Ảnh 2.Vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon: Iran lên án Israel, Nga và EU lên tiếng

Iran cáo buộc Israel 'hành động khủng bố' trong vụ máy nhắn tin phát nổ hàng loạt ở Lebanon, trong khi Nga và EU đều cảnh báo về tình hình leo thang ở Trung Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên