30/03/2019 14:19 GMT+7

Vụ ly hôn ngàn tỉ: Ông Vũ tiếp tục với Trung Nguyên là hướng xử lạc quan nhất?

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM)
TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM)

TTO - Phiên tòa ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để lại kết cục khiến không ít người thắc mắc. Sự quan tâm của dư luận còn hướng đến tính hợp pháp của phán quyết, bạn đọc Trương Trọng Hiếu thử phân tích một số vấn đề pháp lý

Xử ly hôn chứ không phải xử tranh chấp quyền điều hành

Hãy bắt đầu từ quá trình góp vốn và sở hữu cổ phần.

Trong mối quan hệ này, ông Vũ và bà Thảo là những cổ đông của các công ty và đương nhiên có các quyền của cổ đông. Nhưng cần lưu ý quyền của cổ đông chỉ phát sinh khi ông, bà là cổ đông, có nghĩa phải là người nắm cổ phần. 

Nói cách khác, nếu không còn nắm cổ phần, có nghĩa ông Vũ hay bà Thảo sẽ không còn là cổ đông và lúc này cũng không còn quyền của cổ đông.

Đến đây, có thể nhận thấy các quy định của Luật doanh nghiệp về tư cách cổ đông và quyền của cổ đông sẽ được tiếp cận từ thời điểm họ chuyển vốn (mua cổ phần) và trở thành cổ đông.

Trở lại với tình huống của vụ án ly hôn, phán quyết của tòa không đụng đến tư cách cổ đông và quyền của cổ đông. 

Nên có thể nói, bản án ly hôn vẫn đang giải quyết tài sản chung của vợ, chồng - là tài sản đem đi góp vốn và những giá trị tăng thêm có được từ việc góp vốn đó. Chắc chắn việc phân chia đó sẽ tạo ra những hệ quả pháp lý của nó.

Cụ thể, việc phân chia sẽ quyết định ai là người nắm giữ phần tài sản được chia, điều đó tiếp tục quyết định họ có còn trở thành cổ đông hay không. 

Điều này đồng nghĩa người kia, khi không còn nắm giữ cổ phần thì không còn là thành viên công ty, không còn quyền đối với cổ đông, kể cả quyền quản lý là hệ quả xuất phát từ việc chia tài sản chung này của vụ ly hôn.

Điều đó cho thấy tòa vẫn đang làm công việc của một vụ án ly hôn chứ không đá sân sang vụ việc kinh doanh - thương mại, tranh chấp nội bộ hay quyền điều hành công ty. 

Đương nhiên, nội dung tuyên án có đề cập đến điều đó nhưng đây là cơ sở cho việc quyết định tỉ lệ phân chia tài sản chung của tòa theo quy định của pháp luật mà một số ý kiến đã nêu ra.

Có cần phải chuyển giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ? 

Đương nhiên, nội dung tuyên án về phương án này đã đưa ra các lập luận. Ở đây, người viết xin chia sẻ thêm một số thông tin từ thực tiễn áp dụng luật và thi hành án.

Về nguyên tắc, trong một vụ án ly hôn có quyết định chia tài sản, ngoài việc đưa ra tỉ lệ phân định, hội đồng xét xử cần phải xác định việc tỉ lệ phân chia tài sản đó được thực hiện như thế nào. 

Lấy ví dụ đơn giản, nếu vợ chồng có tài sản chung là căn nhà và tỉ lệ phân chia được xác định là 5:5 thì tòa tùy vào điều kiện có thể đưa ra phương án: một người giữ nhà, thối tiền lại và một người nhận tiền để rời khỏi ngôi nhà.

Đương nhiên, có nhiều phương án lựa chọn và tòa sẽ quyết định, đặc biệt là khi các bên không thống nhất được phương án.

Việc lựa chọn phương án triển khai chia tài sản như thế nào sẽ dựa vào nhiều yếu tố, đơn cử như những lập luận mà tòa đã đưa ra trong vụ ly hôn này. 

Điều người viết muốn đề cập ở đây là nếu thiếu nội dung này, cơ quan thi hành án sau khi tiếp nhận bản án sẽ không biết đâu mà lần.

Vấn đề định giá cổ phần

Đây có lẽ là vấn đề được tranh luận nhiều nhất vì cảm thấy bà Thảo bị thua thiệt.

Về nguyên tắc, trong tình huống tòa quyết định giao toàn bộ tài sản cho một bên thì bên nhận tài sản phải hoàn trả lại tiền tương ứng với phần giá trị tài sản mà bên kia được chia. 

Nhưng sẽ không ổn nếu giá trị của cổ phần trong vụ việc này được xác định theo mệnh giá của cổ phần, đặc biệt là đối với quyền lợi của bà Thảo vì hầu như ai cũng nghĩ rằng giá cổ phần của Trung Nguyên… chỉ tăng.  

Trước hết, cần phân biệt rõ mệnh giá và giá cổ phần. Nếu mệnh giá của cổ phần là giá trị danh nghĩa thì giá của cổ phần là giá trị thực.

Để xác định giá của cổ phần, cách đơn giản nhất là nhìn vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (tại thời điểm chia) hay dựa vào giá trị vốn hóa của đồng vốn bằng các phương pháp phân tích tài chính.

Thực ra, giá trị rất lớn mà mô hình công ty cổ phần mang lại so với các loại hình công ty khác là ở điểm này. 

Người bỏ vốn mua cổ phần sẽ có cơ hội được nhận lại giá trị thích đáng của đồng vốn được đầu tư vào các chiến lược marketing, tái sản xuất, cấu trúc, định vị thương hiệu… và cuối cùng là tạo ra giá trị doanh nghiệp. 

Thay vì được nhận cổ tức (vì đã chi tiêu cho các việc trên), cổ đông không sợ thua thiệt vì giá của cổ phiếu được thị trường nâng cao (hoặc thấp trong tình huống ngược lai) sẽ bù đắp cho họ.

Điển hình nhất, nhà đầu tư đến sau không thể nhảy vào… hốt của người khác bằng cách nắm giữ cổ phần qua mệnh giá, mà phải bằng giá.

Đương nhiên, một phương án khác cũng có thể được sử dụng là sử dụng cơ chế tư vấn định giá.

Nhưng cần lưu ý tất cả mọi kết quả trong hành trình đi tìm giá trị thực của cổ phần đều mang tính tương đối. Vì đó là kết quả của sự đánh giá, dự đoán và đặc biệt là sự phản ứng theo thời đoạn của một thị trường (chứng khoán) hẹp.

Vấn đề phát sinh

Một vấn đề khác cũng được nhận diện từ vụ việc này là pháp luật hiện hành điều chỉnh thế nào việc vợ - chồng đều là thành viên của công ty trong tình huống tài sản góp vốn là tài sản chung. Rõ ràng họ cũng vì mục đích chung, một tiếng nói chung là… bảo vệ tài sản chung (được góp vốn). Việc tách bạch thành hai cổ đông liệu có cần thiết.

Câu trả lời là vẫn cần và điều này thực ra đang được Luật doanh nghiệp giải quyết bằng các tình huống tương tự khác.

Cụ thể, theo quy định, một nhà đầu tư khi góp vốn vào một công ty với tỉ lệ góp vốn cao có thể ủy nhiệm cho nhiều người đại diện và quản lý phần vốn góp của mình. Mức độ ủy nhiệm được nhà đầu tư quyết định bằng tỉ lệ phần vốn góp mà họ chia cho mỗi người đại diện.

Hay một ví dụ khác là với mô hình công ty TNHH một thành viên có chủ sở hữu là tổ chức. 

Khi đó, ông chủ "tổ chức" có thể cử nhiều người làm đại diện phần vốn góp và tất cả họ tập hợp lại để trở thành một hội đồng thành viên như một Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên khác.

Việc ủy nhiệm như vậy nhằm tập trung sức mạnh của nhiều "cái đầu", đồng thời cũng là cách để nhà đầu tư phân bổ rủi ro thay vì phải tập trung toàn bộ số vốn vào quyền quyết định của một người.

Cho nên, pháp luật các nước đều không ngăn cản việc cả hai vợ chồng đều là cổ đông của một công ty. Chỉ có điều nhiều chuyên gia và nhà tư vấn đã cảnh báo rằng tình huống đó dễ làm cho hoạt động của công ty và mọi việc rối tung lên và lời khuyên của họ là mỗi người một con đường sẽ là phương án khả dĩ hơn. 

Phải chăng đó có thể là lạc quan nhất từ cuộc chia tay này khi ông Vũ tiếp tục với Trung Nguyên và bà Thảo có cơ hội đi con đường riêng của mình.

Trên đây chỉ là những ý kiến riêng của bạn đọc Trương Trọng Hiểu.

Tuổi Trẻ Online mong đón nhận những ý kiến cùa bạn đọc xung quanh phán quyết còn gây thắc mắc này.

TTO - Đã có nhiều luồng dư luận khác nhau về việc hội đồng xét xử (HĐXX) chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ toàn bộ cổ phần tại các công ty, ông Vũ sẽ thanh toán tiền cho bà Thảo. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu quan điểm của một luật sư về việc này.

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên