Lá cờ thêu sáu chữ vàng là vở diễn sân khấu Sen Việt thực hiện để tham gia Liên hoan Sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng năm 2024 tại Hải Phòng từ ngày 13 đến 20-5.
Ngoài Vũ Luân, vở còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Lệ Trinh, Hoàng Tùng, Lê Trung Thảo, Võ Ngọc Quyền, Huỳnh Thanh Khang, Du Bảo…
Vũ Luân vào vai thầy dạy võ của Trần Quốc Toản
Lá cờ thêu sáu chữ vàng là vở diễn đề cao sự gan dạ, dũng cảm, một lòng muốn góp sức bảo vệ quê hương của thiếu niên Trần Quốc Toản.
Đây được xem là vở diễn quen thuộc, được dàn dựng ở rất nhiều thể loại như cải lương, tuồng, chèo…
Lần này, vở được tác giả Nguyên Phương viết mới và đạo diễn Lê Nguyên Đạt lựa chọn cách thức thể hiện khá mới mẻ để sau khi tham gia liên hoan, vở sẽ tiếp tục kéo dài những suất diễn phục vụ khán giả.
Trước mắt là bốn suất diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vào ngày 11, 12-5 và 1, 2-6.
Nghệ sĩ trẻ Lệ Trinh vào vai Trần Quốc Toản. Còn nghệ sĩ Vũ Luân là nhân vật chú Phương, thầy dạy võ của Trần Quốc Toản.
Ngày xưa, khi còn ở Đoàn Đồng ấu Bạch Long, Vũ Luân đã cùng các bạn thời ấy như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Linh Tý, Bình Tinh… tham gia những vở diễn, có cả vở thiếu nhi do thầy Bạch Long dàn dựng.
Tuy nhiên, sau này anh được biết đến nhiều hơn trong vị trí kép chánh, hát cặp cùng các nghệ sĩ Ngọc Huyền, Tú Sương, Trinh Trinh…
Có thể nói, đây là lần hiếm hoi anh trở lại với một vở thiếu nhi. Trong nhân vật thầy dạy võ, có lẽ đạo diễn muốn phát huy khả năng ca diễn và vũ đạo của Vũ Luân, bởi cải lương tuồng cổ là thế mạnh của anh.
Muốn bạn nhỏ yêu lịch sử và yêu cả nghệ thuật truyền thống
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt tâm sự với vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng, anh không chỉ muốn khán giả nhí hiểu và thêm yêu sử Việt.
Bên cạnh đó, anh cố gắng để các bạn nhỏ có thể yêu thêm nghệ thuật truyền thống.
Chính vì mong muốn đó nên anh chú trọng vào âm nhạc của vở diễn. Anh đưa mấy chục bài lý, bài bản cải lương hay nhờ nhạc sĩ Thanh Liêm phối mới sử dụng trong vở để "chiêu dụ" con nít.
"Tôi sợ làm thuần cải lương không thì các bạn nhỏ, phụ huynh có thể ngại nên mình cứ "dụ" từ từ. Ví dụ sẽ ca vọng cổ nhưng không phải nguyên câu mà xuống là bắc vô bài lý liền.
Sẽ hấp dẫn hơn và cũng là cách để các em làm quen với cải lương từ từ" - Nguyên Đạt nói.
Vì là vở diễn cho thiếu nhi nên Nguyên Đạt dựng vở chỉ trong khoảng 90 phút. Mạch vở diễn súc tích, đẩy nhanh tiết tấu.
Sau bốn suất diễn, Sen Việt lên kế hoạch phối hợp đưa vở đến học đường, lưu diễn tỉnh. Công viên văn hóa Đầm Sen cũng đang bàn bạc kế hoạch đưa vở vào phục vụ khán giả đến vui chơi tại công viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận