Bị cáo Nguyễn Văn Thới được dẫn giải về trại tạm giam sau phiên tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Mua logo để quảng cáo garage cho người khác?
Trong phần xét hỏi, VKSND TP.HCM cho rằng bị cáo Nguyễn Văn Thới (42 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) có thái độ khai báo lòng vòng, né tránh, các lời khai của bị cáo mâu thuẫn nhau.
Cụ thể, ban đầu bị cáo Thới khai mình tự in logo để bán cho những lái xe, chủ xe rồi sau đó mướn người đi canh các tuyến đường có tổ CSGT, TTGT kiểm tra và báo lại cho các lái xe, chủ xe để những người này né những tuyến đường này ra.
Thực chất, Thới không đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT như cáo trạng quy kết.
Sau đó, khi đại diện VKSND TP.HCM hỏi Thới dán logo "68", "Thành Đô" lên xe và bán các logo này cho người khác để làm gì thì Thới trả lời là để "quảng cáo garage Thành Đô của bị cáo".
Tuy nhiên, VKS cho rằng lời khai này không hợp lý vì những người lái xe, chủ xe phải bỏ ra từ 2,5 - 3 triệu đồng mua logo để quảng cáo giùm bị cáo.
VKS cũng đặt ra câu hỏi nếu việc dán logo Thành Đô là quảng cáo cho Garage của bị cáo và để những người canh đường biết thì việc dán logo "68" có ý nghĩa gì thì bị cáo Thới lúng túng.
Về việc bị cáo Thới khai bị điều tra viên ép cung, chích điện, Thới khai không nhớ người đã chích điện mình là ai. VKS cho rằng phòng hỏi cung đều được kiểm tra rất kỹ, bên cạnh đó bị cáo đã đến công an huyện Bình Chánh để khai nhận tội sau đó mới được chuyển lên cơ quan CSĐT Bộ công an thì không thể có việc bị cáo bị chích điện. Nếu bị cáo chứng minh được thì VKS sẽ đề nghị HĐXX khởi tố vụ án.
Sau đó, VKS hỏi đối với những trường hợp kiểm tra liên ngành có cả TTGT và CSGT không xin được thì bị cáo có chung chi không thì Thới khai nhận là có chung chi, nhưng số xe mua logo và số tiền bị cáo thu lợi như cáo trạng là quá lớn. Thực tế bị cáo phải chi nhiều tiền để nộp phạt xe vi phạm và tiền công cho người canh đường.
Ngoài Thới, một số bị cáo trong vụ án cũng "khiếu nại" về số tiền thu lợi, số lượng logo bán mỗi tháng trong cáo trạng lớn hơn thực tế.
"Cấp trên không nhận tiền trực tiếp"
Đó là lời khai của bị cáo Nguyễn Cảnh Chân, nguyên cán bộ CSGT tỉnh Đồng Nai, tại tòa.
Bị cáo Chân khai rằng có nhiều xe mang logo Thành Đô nhưng vẫn bị CSGT xử phạt vi phạm vì những xe này không phải của bị cáo Thới gửi. Nếu xe bị cáo Thới gửi thì Thới sẽ gọi cho bị cáo để bị cáo gọi cho ông Sơn giải quyết.
Trong phần xét hỏi, Chân khai giới thiệu Thới gặp trực tiếp ông Sơn. Tuy nhiên, Thới phủ nhận việc này. Chân cho rằng bị cáo chỉ là chiến sĩ công an, trong khi tổ công tác có 1 tổ trưởng, 2 tổ viên nên bị cáo không có thẩm quyền giải quyết khi xe của Thới bị bắt, nên Chân đã dẫn Thới đi gặp ông Sơn.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc vì sao Thới không đưa tiền cho ông Sơn mà phải đưa qua bị cáo, Chân trả lời: "Cấp chỉ huy rất kỹ trong những chuyện này, họ không nhận trực tiếp nên phải thông qua bị cáo".
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân khai việc xử lý vi phạm phải tuân theo mệnh lệnh cấp trên - Ảnh: TUYẾT MAI
Bị cáo Chân cũng khai rằng khi gặp nhiều xe vi phạm, bị cáo đang lập biên bản nhưng nếu có điện thoại của cấp trên thì phải dừng ngay. Bị cáo này cũng cho biết "đây là chuyện trong nghề ai cũng biết, bị cáo không thể giải thích được tại sao, nếu xét về pháp luật thì bị cáo chấp nhận mình làm sai" - Chân nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Mai Hữu Nhân bị truy tố về hành vi đồng phạm với Lê Thị Cẩm Vân đưa hối lộ tuy nhiên Nhân khai chỉ đi giao logo giúp rồi đưa tiền về cho bị cáo Mai Văn Thái Em (người làm cho Vân). Tại tòa cả Thái Em cũng khai nhờ Nhân đi giao logo, Nhân không biết gì về việc đưa hối lộ. Bị cáo Vân cũng khẳng định không biết Nhân cho đến khi ra tòa.
Xét thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần làm rõ nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận