13/08/2011 08:06 GMT+7

Vụ lao động TQ không phép: Pháp luật chưa được thực thi

PGS.TS Phạm Bích San
PGS.TS Phạm Bích San

TT - "Nhà thầu Trung Quốc không chỉ đưa sang Việt Nam máy móc mà cả công nhân, thậm chí cả tạp vụ. Có những trường hợp nhà thầu đưa nhân công sang không theo quy trình nào cả, kể cả chuẩn mực tối thiểu".

mqsz0u27.jpgPhóng to
Khu nhà ở của công nhân Trung Quốc tại công trường Sông Bung 4 (Quảng Nam) - Ảnh: V.Hùng

Từng tham gia khảo sát thực tế tại các công trường khai thác bôxit ở Tây nguyên, chứng kiến lao động Trung Quốc chỉ làm những việc đơn giản, PGS.TS Phạm Bích San - phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - nói:

- Quy định pháp luật về lao động nước ngoài chúng ta có khá đầy đủ và thời gian gần đây được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra cho thấy dường như pháp luật chưa đi vào cuộc sống.

Theo tôi, vấn đề “tràn ngập lao động Trung Quốc” hiện nay có bốn lý do. Thứ nhất, chế tài chưa đủ sức răn đe. Thứ hai là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bất cập, nếu không nói là có chỗ yếu kém. Thứ ba, dư luận đặt câu hỏi về “lợi ích nhóm”, khi số lượng các công trình Trung Quốc trúng thầu quá lớn và việc họ trúng thầu chính là nguyên nhân gốc rễ của câu chuyện lao động Trung Quốc. Thứ tư, quan trọng nhất là cách nhìn của một số cán bộ quản lý ở địa phương.

Trước hết, các cán bộ quản lý này phải nhìn vấn đề lao động nước ngoài ở tầm quốc gia, ý thức được rằng pháp luật của Nhà nước phải được thực thi nghiêm túc trên tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trên chính quê hương mình.

XXMakZUC.jpgPhóng toẢnh: L.Hoài

"Tôi thật sự không hiểu vì sao có tình trạng phần lớn lao động Trung Quốc ở công trường Nhân Cơ (Đắk Nông) không có bằng cấp như báo Tuổi Trẻ nêu, vì vấn đề này đã được chúng tôi đặt ra từ năm 2009 vậy mà đến nay vẫn không có chuyển biến gì:

* Có ý kiến cho rằng một số việc nhân công Việt Nam không làm được, ví dụ như lắp giàn giáo móng ở độ sâu hàng chục mét, làm việc liên tục 15-16 tiếng/ngày; đồng thời tính kỷ luật của lao động Việt Nam không cao bằng lao động Trung Quốc?

- Có thể trình độ lao động Việt Nam trong một số lĩnh vực nhất định còn hạn chế, nhưng trách nhiệm của các bên liên quan trước hết là chấp hành pháp luật Việt Nam, không ai có thể viện lý do này khác để vi phạm pháp luật.

Hơn nữa, đối với người lao động, chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo và rèn luyện để họ đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu được quan tâm tuyển dụng và đào tạo, tôi không tin lao động Việt Nam sẽ thua kém ai.

* Lâu nay nhiều nhà thầu Trung Quốc cũng đã triển khai các dự án ở châu Phi và ồ ạt đưa lao động Trung Quốc sang đó. Rõ ràng cung cách “nhà thầu đi trước, lao động đi sau” không còn xa lạ...

- Ngay từ khi việc khai thác bôxit ở Tây nguyên mới được khởi động, dư luận đã đặt ra vấn đề này. Bây giờ nhìn rộng ra nhiều công trường xây dựng khác cũng tràn ngập lao động Trung Quốc. Vấn đề là các lao động đó không đáp ứng được quy định pháp luật của Việt Nam. Như chúng ta đã thấy, nhà thầu Trung Quốc không chỉ đưa sang Việt Nam máy móc mà cả công nhân, thậm chí cả tạp vụ.

Có những trường hợp nhà thầu đưa nhân công sang không theo quy trình nào cả, kể cả chuẩn mực tối thiểu. Để xảy ra tình trạng này, cần phải đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý của các cơ quan chức năng ở địa phương, đồng thời các bộ ngành trung ương cũng nên thanh tra làm rõ các trường hợp như báo chí nêu để có xử lý trách nhiệm cụ thể.

* Như ông đã nói, gốc rễ của vấn đề là nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất nhiều công trình, dự án ở nước ta, cho nên họ mới có điều kiện để đưa lao động vào...

- Bản thân tôi từng đứng trước công trình nhà máy sản xuất alumin ở Tân Rai và chứng kiến rất nhiều lao động phổ thông Trung Quốc đang làm những công việc đơn giản, các lao động Trung Quốc đó nhất định không phải là chuyên gia hay lao động kỹ thuật cao gì cả. Như vậy, đối với các gói thầu do nhà thầu nước ngoài thực hiện thì chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước phải thật sự vào cuộc, để nhà thầu ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam.

* Hiện nay rất nhiều lao động nước ngoài có vi phạm, liệu việc trục xuất có vướng mắc gì không?

- Theo tôi, quy định pháp luật thì phải được thực thi, còn ai, cơ quan quản lý nào bỏ qua thì phải chịu trách nhiệm. Đã sai thì phải sửa chứ không thể hợp thức hóa hay sửa sai bằng một cái sai khác. Có những giá trị không thể thỏa hiệp.

CPMB nhận trách nhiệm

Ngày 12-8, ông Lê Thanh Tòng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết qua làm việc với sở vào ngày trước đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án cụm khí - điện - đạm Cà Mau (CPMB) đã nhận trách nhiệm vì không đôn đốc kịp thời để xảy ra tình trạng lao động Trung Quốc trái phép ở công trường Nhà máy đạm Cà Mau.

Theo ông Tòng, thông tin mới nhất từ CPMB cho thấy trong số hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại công trường Nhà máy đạm Cà Mau, có 607 công nhân thuộc diện phải lập thủ tục xin phép lao động, CPMB hứa sẽ hoàn tất việc này trước ngày 19-8. Số lao động còn lại làm việc dưới ba tháng, CPMB hứa sẽ yêu cầu nhà thầu báo cáo danh sách lao động và gửi hồ sơ đầy đủ cho cơ quan chức năng.

Ông Tòng cũng nói đã nhận được văn bản của Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm tra tình hình lao động Trung Quốc làm việc trái phép, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý theo quy định. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh về vấn đề này.

“Xử lý rốt ráo lao động làm chui”

Đề cập vấn đề lao động Trung Quốc tại các công trình nhà máy điện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả nói:

- Thông qua nhiều kênh tỉnh đều nắm được tình hình. Từ Sở Lao động - thương binh và xã hội đến công an và chính quyền sở tại đều nắm rất rõ số lượng công nhân Trung Quốc hoạt động trên địa bàn. Không phải cứ nhà thầu muốn đến đây làm gì cũng được.

* Vậy chính quyền tỉnh sẽ làm gì với số công nhân Trung Quốc đang lao động chui tại đây?

- Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh đang theo dõi nắm bắt tình hình lao động rất kỹ, nhiều lần xử lý nhưng chưa có hiệu quả. Họ đến đây lao động cũng phải có dây chuyền từ con người đến máy móc. Nhưng đến với số đông và lách luật là không được.

Lần này tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội và các ngành liên quan đến quản lý lao động người nước ngoài phải rà soát tất cả các công trường lần cuối. Nếu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì phải xử lý. Sẽ xử lý rốt ráo, đặc biệt là lao động Trung Quốc trái phép, xử lý đúng luật pháp Việt Nam.

* Cụ thể, mức xử lý là gì?

- Không có giấy tờ, không đủ điều kiện thì trục xuất, bất kể là công dân nước nào. Lao động nước ngoài vào Việt Nam làm chui đều phải xử lý hết.

PGS.TS Phạm Bích San
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên