Phóng to |
Luật sư Trương Thị Hòa - Ảnh: M.ĐỨC |
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vụ kiện Vedan, luật sư Trương Thị Hòa đã cho biết như vậy.
Bồi thường xong, kiện được không?
"Nguyên tắc chung nhất là những người không tham gia trong cam kết bồi thường của Vedan đều có quyền khởi kiện Vedan, không một ai, kể cả Nhà nước có quyền cấm dân khởi kiện một công ty khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm" |
- Về mặt pháp lý thì Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm chặt chẽ khi người dân ủy quyền cho một số luật sư, các luật sư này ủy quyền lại cho một luật sư, nếu trong giấy ủy quyền cho phép ủy quyền lại thì đó là người có tư cách hợp pháp. Theo quy định của luật pháp hiện thời, hội nông dân không có tư cách đương nhiên đại diện cho các nông dân, do đó phải căn cứ theo giấy ủy quyền và trong trường hợp này là ủy quyền cho cá nhân chủ tịch hội nông dân.
* Vấn đề quan tâm kế tiếp là cách thức chi trả số tiền mà Vedan bồi thường cho nông dân?
- Cách giải quyết tốt nhất là phải họp dân, công khai quy trình nhận tiền bồi thường với những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, được sự đồng thuận của người dân. Theo tôi, lẽ ra việc nên làm là kèm theo cam kết bồi thường của Vedan (đã ký), phải có luôn danh sách chi tiết từng hộ nông dân với số tài khoản và khoản tiền mà họ sẽ nhận được từ Vedan. Như vậy, sẽ không làm phát sinh những rắc rối từ phút ban đầu.
Tuy nhiên, ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM thì tôi thấy chuẩn bị có vẻ chu đáo, còn ở Đồng Nai nếu ứng xử không khéo thì quả bóng rắc rối từ tay Vedan sẽ chuyển sang tỉnh Đồng Nai. Hậu quả sẽ là khó lường nếu nơi này không xác định được tiêu chí bồi thường và những ai sẽ được bồi thường, số tiền cụ thể là bao nhiêu...
Việc cần thiết trước khi ký cam kết với Vedan, Đồng Nai nên có bàn bạc cụ thể, khoanh vùng đối tượng và có danh sách những nông dân sẽ được bồi thường và số tiền mà họ nhận được... để kèm vào cam kết thì tránh được rắc rối. Tôi lo ngại khi thấy báo chí đăng tin 120 tỉ đồng chỉ bằng 1/10 con số thiệt hại của Đồng Nai!
* Điều khoản được chú ý nhất trong cam kết vừa được ký là sau khi nhận tiền bồi thường thì người dân có hay không có quyền kiện tiếp tục?
- Toàn bộ vấn đề này là căn cứ vào nội dung giấy ủy quyền và nội dung thỏa thuận giữa Vedan và người được ủy quyền. Trong cam kết này có hai việc đáng lưu ý về phía người dân. Khi thực hiện việc ủy quyền cho luật sư hay một ai đó, người dân phải chú ý đến việc “ủy quyền hoàn toàn” hay chỉ “ủy quyền tham gia tố tụng”.
Nếu ủy quyền hoàn toàn, tức là luật sư hay người đại diện hợp pháp có toàn quyền quyết định về mức tiền đền bù và việc có còn kiện nữa hay không. Nếu chỉ ủy quyền tham gia tố tụng tại tòa, lúc đó họ còn bảo lưu mọi quyền quyết định. Hồ sơ về việc ủy quyền này phải được kèm trong hồ sơ vụ án. Người được ủy quyền phải có trách nhiệm báo cáo lại cho người ủy quyền về tình hình vụ kiện.
Có hai trường hợp xảy ra sau khi thực hiện cam kết: một, nhận tiền, rút đơn mà không còn được kiện và hai, rút đơn nhưng vẫn còn được kiện.
Nguyên tắc “bán hột xoàn”
* Trong cuộc hội thảo các vấn đề pháp lý về vụ kiện Vedan do Tuổi Trẻ tổ chức, bà nhắc đi nhắc lại điều tâm đắc của mình về khía cạnh pháp quyền trong xử lý vụ kiện Vedan, vậy yếu tố nổi trội của nhà nước pháp quyền ở đây là gì?
- Tôi cho rằng vụ kiện Vedan là một tình huống pháp lý rất lớn có thể sẽ được mang ra làm ví dụ khi nói về câu chuyện môi trường của VN đến các nước khu vực và thế giới. Vụ việc diễn tiến một cách tự nhiên trong sự kiềm chế của các bên. Từ phía dư luận xã hội, người dân, các tổ chức, đoàn thể xã hội, cơ quan bảo vệ pháp luật... đã hành xử theo đúng những quy định của luật pháp.
Còn nhớ giai đoạn đầu, khi dư luận báo chí và xã hội có những đấu tranh đòi xử lý hình sự Vedan nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghiên cứu thật kỹ luật và trả lời theo quy định luật hiện hành, họ không xử lý hình sự được. Rồi tới lúc nông dân Đồng Nai nộp đơn kiện, tòa trả đơn vì có cách hiểu khác về chứng cứ nhưng khi các luật sư chứng minh được rằng người dân có thể chứng minh được mọi chứng cứ về thiệt hại do Vedan gây ra, tòa án đã phải thụ lý hồ sơ.
Ngay cả chuyện có sự chệch choạc về mức án phí, cách tạm ứng án phí theo giá ngạch... cũng được điều chỉnh theo đúng quy định luật pháp. Rồi các vấn đề về ủy quyền, về sự tham gia của luật sư ngay trong khâu hỗ trợ pháp lý... cũng đều diễn ra trên các quy định pháp luật.
Thời gian đấu tranh kéo dài, người ta vẫn dành cho Vedan những cơ hội thương lượng và buộc công ty này phải thay đổi ngôn ngữ từ “hỗ trợ” sang “bồi thường”. Không hề có một chiến dịch “đánh Vedan” ở bất cứ nơi nào. Các cơ quan ngôn luận cũng đã đưa tin một cách khách quan. Đến khi cách hành xử của Vedan khiến người dân tẩy chay thì chính Vedan phải tự nguyện ký cam kết bồi thường.
Vụ kiện Vedan minh chứng cho hành xử tích cực của VN đối với vấn đề môi trường và các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi thích cách xác định vấn đề của tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (trong hội thảo trên) rằng: Ở đây không có chuyện “đánh” Vedan mà là đấu tranh để “người gây ra ô nhiễm phải bồi thường”!
* Trở lại khái niệm xã hội pháp quyền, có ý kiến cho rằng: “Trong một nhà nước pháp quyền, mọi người dân phải tin tưởng pháp luật và phải tin vào việc sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình”, theo bà điều đó đúng không?
- Nói vậy là sai. Sai ngay cái chữ “phải”. Theo tôi, trong một nhà nước pháp quyền, người dân tin tưởng vào pháp luật và tin vào việc sử dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Chữ “phải” kia thuộc về Nhà nước: pháp luật và cơ quan pháp luật “phải” như thế nào để người dân tin và “phải” bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người dân trong mọi tình huống.
Trong vụ Vedan, cơ quan bảo vệ pháp luật bước đầu đã thể hiện được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Con đường đi sẽ còn rất dài và đang thuận lợi, tuy nhiên trong thực hiện mà có phát sinh rắc rối thì bằng mọi giá phải nỗ lực để đạt được hiệu quả.
* Vậy thì cách hành xử nào để đừng nản lòng trên niềm tin đó, thưa bà?
- Tôi đọc một quyển sách về “nghệ thuật bán hột xoàn”. Đây là quyển sách nổi tiếng được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Sách nói đại ý rằng hột xoàn là thứ có giá trị cao và đắt tiền, vì thế khi bán phải biết người ta mua dùng vào việc gì.
Giả sử mua nó tặng người yêu hay mẹ, tặng dịp sinh nhật hay ngỏ lời yêu đương... sau đó mới bắt đầu hướng dẫn người ta rằng hột xoàn này màu sắc như thế nào, hình dáng có ý nghĩa ra sao, khi mua tặng nó mang lại được gì cho người tặng... Một khi đã cảm thấy vui vẻ, hài lòng, người ta sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn USD mà thấy lòng nhẹ nhàng.
Nguyên tắc thuyết phục kiểu “bán hột xoàn” có thể ứng dụng bất cứ ở đâu. Trên đường đến mục tiêu nhà nước pháp quyền, Nhà nước cũng phải giải thích cho người dân biết nếu họ cố gắng một tí thì sẽ được lợi lâu dài hơn. Đó là cách tốt nhất để thuyết phục rằng ta đang hướng tới những tiêu chuẩn của một xã hội văn minh. Nhà nước phải “thổi hồn” và làm sinh động để ươm mầm cho nguyên tắc pháp quyền phát triển tại VN.
Vedan không theo cam kết, vẫn có quyền khởi kiện Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) Bùi Cách Tuyến đã khẳng định như trên sau khi Vedan chấp nhận bồi thường thiệt hại 100% số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM. Theo ông Tuyến, vấn đề chính hiện nay là giám sát và thực hiện các biện pháp ràng buộc yêu cầu Vedan thực hiện đúng theo cam kết đã ký. “Việc chuyển tiền bồi thường vào tài khoản của các tỉnh đã có điều kiện ràng buộc và được bảo lãnh của ngân hàng theo quy định, tức là tài khoản nhận tiền được mở dưới dạng Vedan chỉ có quyền chuyển tiền mà không được rút lại” - ông Tuyến nói. Trong văn bản của Tổng cục Môi trường gửi ba tỉnh thành có đoạn nêu: “Số tiền bồi thường nêu trên là số tiền bồi thường cho toàn bộ người dân bị thiệt hại của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM trên lưu vực sông Thị Vải từ thời điểm hiện nay trở về trước và người dân bị thiệt hại của ba tỉnh, thành phố này sẽ không khởi kiện Công ty Vedan ra tòa án; các khiếu nại (nếu có) sẽ không thuộc trách nhiệm của Công ty Vedan”. Theo ông Tuyến, nội dung này cũng đã được thể hiện trong biên bản làm việc khi Vedan chấp nhận bồi thường 100% và trong cam kết của Vedan với từng tỉnh thành. “Việc khởi kiện Vedan ra tòa nhằm yêu cầu Vedan phải bồi thường cho người dân vùng bị thiệt hại theo đúng tính toán đã công bố. Ngược lại, khi Vedan đã chấp nhận bồi thường 100% thì việc kiện ra tòa cũng không cần phải thực hiện” - ông Tuyến nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận