13/08/2010 08:01 GMT+7

Vụ kiện lạ: đòi quyền bốc mộ

CHÍ QUỐC - NGUYỄN THANH
CHÍ QUỐC - NGUYỄN THANH

TT - Muốn bốc mộ, di dời hài cốt cha mẹ từ khu mộ gia tộc về nơi mình đang sinh sống để tiện bề viếng thăm, chăm sóc nhưng gặp sự cản trở của người chú, ông L.T. S. (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã làm đơn nhờ can thiệp.

e4JkktQw.jpgPhóng to

Tuy nhiên cơ quan nào cũng “lắc đầu” vì đây là trường hợp tranh chấp chưa từng được pháp luật quy định cụ thể.

Hòa giải không thành

Đầu tháng 4-2010, ông L.T.S. đến gặp chú ruột là ông L.T.M. để trình bày nguyện vọng được cải táng mồ mả cha mẹ ông, hiện chôn cất tại khu mộ gia tộc trên đất của ông M. ở Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để tiện bề chăm sóc nhưng ông M. không đồng ý. Trước đó ông S. đã trả 4 triệu đồng để lo hai chỗ cải táng cho cha mẹ mình tại một nghĩa trang ở TP Cần Thơ. Nhiều lần sau đó, yêu cầu di dời mồ mả cha mẹ do ông S. đặt ra cũng không được người chú chấp thuận.

Tại buổi hòa giải ngày 21-6, ông Lê Bá Hùng - bí thư Đảng ủy xã - thay mặt địa phương phân tích cho các đương sự rõ về tình, lý để có bàn bạc, thỏa thuận với nhau nhằm đi đến hài hòa, giữ tình nghĩa họ tộc trước sau như một, tránh vì sự việc này mà làm mất tình cảm họ tộc anh em. Theo ông Hùng, yêu cầu xin bốc mộ cha mẹ của ông S. là phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, do đó mong ông M. suy nghĩ xem xét.

Đầu tháng 6, ông S. làm đơn gửi UBND xã nhờ chính quyền can thiệp. Giữa tháng 6, đại diện đảng ủy và chính quyền xã đã vận động ông M. thống nhất cho ông S. bốc mộ cha mẹ nhưng bất thành. Lý do ông M. từ chối là hai ngôi mộ của cha mẹ ông S. nằm trên phần đất tổ tiên ông bà, mộ đã được xây dựng kiên cố, ổn định. Đồng thời ông M. cũng cho biết việc chôn cất cha mẹ ông S. ở đây là làm đúng theo di nguyện của hai người lúc sinh thời.

Một tuần sau đó, UBND xã mời ông S. và ông M. đến hòa giải nhưng ông M. vẫn giữ quan điểm không cho bốc mộ.

Hòa giải ở cấp xã không thành, ông S. gửi đơn đến UBND huyện Lai Vung nhờ can thiệp. Nơi đây đã có văn bản ngày 7-7 trả lời là nội dung yêu cầu của ông S. không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, quan hệ giữa ông S. và ông M. trong việc bốc mộ là quan hệ dân sự, do luật dân sự điều chỉnh nên tòa án nhân dân huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Tòa “lắc đầu”

Ông S. tiếp tục làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân huyện Lai Vung nhưng ngày 19-7 tòa cũng ra thông báo trả lại đơn khởi kiện và các hồ sơ liên quan vì cho rằng vụ việc của ông S. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ông Trương Phước Tự - chánh án Tòa án nhân dân huyện Lai Vung - nói gần 20 năm làm việc trong ngành ông chưa gặp một trường hợp tranh chấp nào như vậy. Đây là vấn đề mới, các nhà làm luật chưa dự liệu và đưa tình huống này vào nên tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào, kể cả cơ quan hành chính hay tòa án.

“Tòa sẽ có kiến nghị cấp trên có hướng dẫn giải quyết loại tranh chấp đó thế nào, xác định quan hệ đó là quan hệ gì để có cơ sở giải quyết những vụ việc tương tự sau này” - ông Tự nói. Trên quan điểm cá nhân, ông Tự cho rằng nhu cầu bốc mộ cha mẹ của ông S. về cải táng tại Cần Thơ là hợp lý, chính quyền địa phương có thể mời các đương sự để động viên cho ông S. được thực hiện việc bốc mộ.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông S. cho biết sở dĩ ông có nguyện vọng đưa hài cốt cha mẹ về cải táng ở Cần Thơ vì hiện ông và người chị (ông S. có hai chị em) đều đã lớn tuổi, bản thân ông lại bị thoát vị đĩa đệm nên đi lại rất khó khăn, khó có thể về xã dịp thanh minh và những dịp khác để chăm lo mồ mả cha mẹ.

Ông S. thất vọng: “Giờ tôi không biết nhờ cơ quan nào nữa. Tôi đã tuân thủ đúng pháp luật nhưng không nơi nào giải quyết cho tôi thì tôi biết kêu cứu ở đâu nữa bây giờ?”.

Có thể áp dụng tập quán

Theo quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự 2005, trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Trường hợp tranh chấp này chưa được pháp luật dự liệu, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và các cơ quan hành chính theo quy định pháp luật hiện hành.

Trong trường hợp này, theo tôi có hai vấn đề mà những người có liên quan cần quan tâm:

- Nếu di nguyện của cha mẹ ông S. lúc sinh thời là muốn yên nghỉ tại mảnh đất gia tộc thì cần tôn trọng di nguyện đó cũng như phong tục tập quán của người Việt Nam (nhất là miền Nam) là mồ yên mả đẹp và mồ mả của ông bà vẫn có người trông nom, chăm sóc thì không nên di dời.

- Nếu yêu cầu di dời mồ mả của cha mẹ là để tiện bề trông nom, thờ phụng (do không có ai chăm sóc) cũng như ý nguyện của người chết là ở gần con cháu thì việc di dời phù hợp với đạo đức, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể, gia tộc nên tổ chức vận động, thuyết phục các bên tìm ra hướng giải quyết phù hợp với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

Không phải việc gì cũng giải quyết bằng luật

Theo tôi, sự từ chối thụ lý của tòa án là có cơ sở bởi tranh chấp này có phần cá biệt, không nằm trong các loại tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Đáng ghi nhận là UBND xã cũng đã nhiều lần hòa giải giữa các bên nhưng rất tiếc là chưa có kết quả.

Tinh thần chung của pháp luật là khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.

Có một thực tế là cha mẹ của ông S. đang an nghỉ chung với nhiều người thân trong gia tộc đúng theo ý nguyện trước khi qua đời và lâu nay vẫn được chăm lo nhang khói. Do vậy, có lẽ nên duy trì tình trạng ổn định của hai ngôi mộ, mà nói theo cách thông thường là mồ yên mả đẹp theo tâm linh của số đông người Việt. Muốn vậy, hai chú cháu nên nỗ lực thương lượng để vừa giữ gìn được tình thân vừa hạn chế những xung đột không đáng có.

CHÍ QUỐC - NGUYỄN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên