Các diễn viên của Đoàn nghệ thuật Sophiline Arts Ensemble biểu diễn vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol (ảnh chụp năm 2014) - Ảnh: Phnom Penh Post
Vũ kịch mặt nạ được gọi với những cái tên như Khol ở Thái Lan, Lakhon Khol đối với người Khmer và Pra Lak Pra Ram tại Lào.
"Niềm tự hào dân tộc to lớn"
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp thường niên tại Mauritius ngày 28-11 của một hội đồng liên chính phủ của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người cách đây hai năm nhận búa rìu dư luận vì đã hành động chậm chạp trong việc đăng ký bảo vệ vũ kịch mặt nạ trước người Thái, đã ca ngợi quyết định của hội đồng UNESCO là "niềm tự hào dân tộc to lớn và đây là thắng lợi xuất phát từ nỗ lực của chính quyền, các nghệ sĩ, các tổ chức xã hội và sự ủng hộ của dân chúng Campuchia".
Vũ kịch mặt nạ của Thái Lan và Campuchia đều có nguồn gốc dựa trên sử thi Ramayana của Ấn Độ. Các diễn viên mặc trang phục rất cầu kỳ và đầy màu sắc, dẫn dắt câu chuyện qua các điệu múa và cử chỉ.
Tháng 6-2016, khi có thông tin Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch đề nghị UNESCO công nhận vũ kịch mặt nạ "Khol’" (theo cách gọi của người Thái) là di sản văn hóa phi vật thể, dư luận Campuchia đã rất bất bình.
Người Campuchia khẳng định vũ kịch mặt nạ là một phần di sản văn hóa Khmer có tên là "Lakhon Khol" trong tiếng Khmer. Campuchia đã tức tốc hoàn chỉnh và nộp hồ sơ đề cử vũ kịch mặt nạ "Lakhon Khol" là di sản văn hóa phi vật thể đến UNESCO vào ngày 29-3-2017 trước Thái Lan.
Theo Bangkok Post, những người Thái quan tâm đến câu chuyện này đã bày tỏ thái độ giận dữ đối với hành động của chính quyền. Có lẽ, sau khi danh hiệu rơi vào tay người Campuchia, chính quyền Thái Lan sẽ chịu thêm nhiều sức ép từ dư luận.
Các tranh chấp khác
Tiến sĩ Lucas Lixinski - giảng viên khoa luật Đại học New South Wales, Úc - cho rằng rất khó để phân biệt ai là chủ nhân của một di sản văn hóa phi vật thể khi di sản này có từ hai nước trở lên tuyên bố sở hữu như trường hợp vũ kịch mặt nạ.
Ngoài vũ kịch mặt nạ, có thêm những tranh chấp liên quan đến di sản văn hóa ở nhiều quốc gia khác như trường hợp của lễ hội thuyền rồng - gọi là Dano trong tiếng Hàn Quốc và Duanwu trong tiếng Trung Quốc.
Năm 2005, khi biết Hàn Quốc chuẩn bị đăng ký lễ hội thuyền rồng vào danh sách kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, dư luận Trung Quốc đã dậy sóng, thậm chí truyền thông và một số học giả của nước này còn cho rằng người Hàn đã "ăn trộm" di sản có lịch sử 3.000 năm của Trung Quốc.
Đến năm 2009, Trung Quốc đã thành công trong việc nộp hồ sơ cho lễ hội thuyền rồng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một động thái mà nhiều người dân cho là hành động "đòi lại" quyền sở hữu với lễ hội thuyền rồng.
Khi Hàn Quốc và Trung Quốc đang tranh cãi ai mới thực sự là chủ nhân của lễ hội thuyền rồng, lễ hội này cũng đã được nhìn thấy trước đó ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Động tác múa của Thái nhẹ nhàng hơn
Sự khác nhau giữa vũ kịch mặt nạ Campuchia và Thái Lan không dễ nhận thấy, kể cả với những người đã quen thuộc với nghệ thuật này. Nó tinh tế đến mức chỉ có thể cảm nhận, như ông Norak Satya, người phát ngôn của Bộ Văn hóa và nghệ thuật Thái Lan, từng nói: "Động tác múa của vũ kịch mặt nạ Thái Lan nhẹ nhàng hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận