11/01/2019 12:11 GMT+7

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 5: Nước nào cũng 'máu' vũ khí tự động

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - So với Mỹ, Nga và Trung Quốc, các nước châu Âu chậm chân hơn trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí sát thương tự động.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 5: Nước nào cũng máu vũ khí tự động - Ảnh 1.

Xe tăng không người lái điều khiển từ xa được quân đội Anh thử nghiệm tại triển lãm AWE vào tháng 11-2018 - Ảnh: TWITTER

Đáng chú ý là một số nước như Anh và Pháp tuy có công nghệ quân sự phát triển nhưng kiên quyết phản đối vũ khí hoàn toàn tự động.

Vũ khí tự động không giết người

Tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp vũ khí Eurosatory ở Paris hồi tháng 6-2018, Công ty Nexter Robotics (Pháp) đã giới thiệu xe bánh xích Optio X20 nặng 1 tấn có tháp pháo điều khiển từ xa.

Optio X20 có bốn nhiệm vụ: tình báo - giám sát - trinh sát (ISR), vận tải, mở đường qua địa bàn gài mìn và tăng cường hỏa lực. Xe trang bị pháo 20mm và súng máy Optio có thể khoan thủng lớp thép 3cm ở cự ly 500m. Người điều khiển sẽ quyết định khai hỏa hay không.

Tại triển lãm, Công ty SD4E (Pháp) cũng đã giới thiệu robot bắn tỉa đầu tiên Snibot điều khiển từ xa. Khác với robot tự động bắn hàng loạt để tiêu diệt, Snibot bắn theo công nghệ siêu chính xác, bảo đảm 100% trúng đích.

Tướng Michel Yakovleff - người phát ngôn SD4E - giải thích: "Công nghệ siêu chính xác là bảo đảm ở cự ly 200 - 300m bắn chính xác hơn người bắn tỉa và bắn những phát kế tiếp chính xác như phát đầu".

Snibot được trang bị thiết bị ngắm quang học và thuật toán ngăn cản bắn trúng đầu, bụng dưới và thân người.

Như vậy robot được thiết kế chỉ bắn trúng tay chân nhằm mục đích bắt làm tù binh khai thác thông tin chứ không cần tiêu diệt. Snibot không thể tự chọn mục tiêu và người điều khiển sẽ quyết định nổ súng.

Hiện nay, robot Snibot đang được Bộ Quốc phòng Pháp thẩm định, song tướng tham mưu phó lục quân Charles Beaudouin báo trước:

"Hiện giờ không ưu tiên cho robot trang bị vũ khí". Chương trình Scorpion của Pháp (trang bị vũ khí cho bộ binh đến năm 2020) chỉ chú trọng chế tạo robot loại lớn khoảng 1 tấn để di chuyển thương binh, vận chuyển thiết bị và trinh sát trên địa bàn gài mìn.

Đến năm 2021, quân đội Pháp mới bắt đầu triển khai robot đầu tiên ra chiến trường với số lượng hạn chế từ 20 - 50 robot. Đối với robot sát thủ, theo quy hoạch đến năm 2030 quân đội Pháp mới triển khai.

Trong cuộc chạy đua , Pháp chạy theo các nước khác song Pháp chủ trương con người quyết định khai hỏa chứ không phải robot.

Anh có cùng quan điểm với Pháp. Anh là một trong những nước xây dựng chương trình máy bay không người lái quân sự tiên tiến nhất, tuy nhiên trong thông cáo ngày 30-9-2017, Chính phủ Anh minh định:

"Chính sách của Anh là phải luôn kiểm soát việc vận hành vũ khí nhằm bảo đảm tuyệt đối việc giám sát, kiểm soát và trách nhiệm con người. Anh không có hệ thống vũ khí hoàn toàn tự động và không có ý định phát triển hệ thống như thế".

Ngày 12-11-2018, Anh đã tổ chức cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử mang tên Thử nghiệm chiến binh tự động (AWE18) tại Salisbury. AWE18 kéo dài bốn tuần, giới thiệu hơn 70 mẫu máy bay không người lái, xe tăng, robot vận tải và quan sát.

Lần đầu tiên quân đội Anh đã thử nghiệm xe không người lái Titan Strike hoạt động tự động, trừ khâu quyết định khai hỏa. Quân đội Anh muốn thử nghiệm robot này để cải tiến khâu bảo đảm an ninh cho kilômét tiếp tế cuối cùng.

Đây là chặng đường cuối hết sức nguy hiểm cần vượt qua để tiếp tế lương thực, đạn dược, xăng dầu cho các binh sĩ đang chiến đấu.

Tự động hóa sẽ xóa bỏ mọi trách nhiệm. Đối với tôi điều này không thể. Quyết định bật đèn xanh phải do con người đưa ra bởi phải có người chịu trách nhiệm

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 5: Nước nào cũng máu vũ khí tự động - Ảnh 3.

Xe không người lái tuần tra biên giới của Israel - Ảnh: Defence Horizon

Vũ khí tự động của Israel

Không chỉ các nước phát triển, một số quốc gia nhỏ cũng chạy đua chế tạo .

Triển lãm Eurosatory 2018 tại Pháp đã giới thiệu xe không người lái THeMIS nặng 2 tấn của Estonia trang bị tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và súng máy; pháo điều khiển từ xa của Bỉ; xe tăng mini điều khiển từ xa của Serbia trang bị súng phóng lựu và súng máy; máy bay không người lái mini Rotem 1200 của Israel trang bị camera và 2 lựu đạn.

Rotem 1200 của Israel nặng 5,8kg là loại máy bay đánh bom liều chết có thể len lỏi trong các khu nhà cách xa người điều khiển 10km rồi lao thẳng vào mục tiêu. Máy bay không người lái Harop của Israel cũng chuyên đánh bom liều chết vào các ụ phòng không.

Israel là một trong những nước tiên phong trong phát triển vũ khí sát thương tự động vì đã trải qua nhiều năm đối đầu với các nước Ả Rập. Đây là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng xe không người lái Guardium để tuần tra biên giới Israel - Syria và dải Gaza từ năm 2009.

Guardium có trang bị vũ khí, được điều khiển từ xa hoặc hoạt động tự động. Thế hệ xe mới Border Patroller có thêm thiết bị trinh sát.

Năm 2016, Công ty General Robotics của Israel đã công bố robot sát thủ Dogo điều khiển từ xa phù hợp để chống khủng bố. Robot bánh xích nặng 12kg được trang bị súng ngắn Glock 9mm và tia laser.

Đây có lẽ là robot chiến thuật đầu tiên trên thế giới trang bị sẵn vũ khí chứ không cần lắp ráp. Cùng năm này, Israel đã trình làng xe tăng không người lái tự động RoBattle hạng nặng (7 tấn, 6 bánh) nhưng lại rất cơ động.

Ngoài ra Israel còn nghiên cứu chế tạo xe ủi đất bọc thép không người lái Panda, xe vận tải tiếp liệu không người lái RoboCon, robot dò mìn Sahar.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện dự án Wattozz nhằm chế tạo mìn điều khiển từ xa hoạt động như cá đuối. Wattozz bằng vật liệu titan và nhôm, có 3 động cơ, 2 camera và mang theo chất nổ, di chuyển với vận tốc 10 km/h theo kiểu di chuyển của cá đuối.

Nhờ nam châm, mìn sẽ bám dính bên dưới tàu địch và phát nổ. Mìn có lớp áo đặc biệt nên rađa rất khó dò. Hàn Quốc thì đã triển khai robot tự động cố định SGR-A1 canh gác dọc khu phi quân sự từ năm 2013 cũng như tại các căn cứ của họ ở Iraq.

Ấn Độ chỉ mới chuẩn bị nghiên cứu

Tháng 2-2018, Ấn Độ đã thành lập tổ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhắm đến mục tiêu phát triển hệ thống robot tự động thông minh. Tổ nghiên cứu 17 người gồm đại diện của quân đội, Bộ Quốc phòng, các nhà sản xuất vũ khí và các tổ chức nghiên cứu.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ giải thích: "Thế giới đang hướng đến chiến tranh do trí tuệ nhân tạo giữ vai trò chủ đạo. Do đó, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một tổ công tác về trí tuệ nhân tạo để chuẩn bị lộ trình cho vấn đề này".

Dự kiến trong hai năm nữa Chính phủ Ấn Độ sẽ mở thầu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho quốc phòng.

Kỳ tới: Có nên trao cho máy móc quyền đoạt mạng con người?

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên