20/03/2023 11:50 GMT+7

Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 4: Cuộc gọi nhỡ và bóng hồng đàm phán hạt nhân

Trong lịch sử 50 năm đàm phán về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô/Nga, bà Rose Gottemoeller là người phụ nữ đầu tiên dẫn đầu đoàn đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thứ trưởng Rose Gottemoeller (trái) phát biểu về vấn đề phê chuẩn hiệp ước New START tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 11-8-2010 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thứ trưởng Rose Gottemoeller (trái) phát biểu về vấn đề phê chuẩn hiệp ước New START tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 11-8-2010 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cuộc phỏng vấn vã mồ hôi

Trong cuốn sách Đàm phán hiệp ước New START xuất bản vào tháng 5-2021, bà bộc bạch: "Năm 2009, tôi trở thành người phụ nữ đầu tiên đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga. Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chọn tôi dẫn đầu các cuộc đàm phán về hiệp ước START sau này, tôi biết tôi sẽ nổi bật vì giới tính của mình trong thế giới ngoại giao hạt nhân toàn nam giới...".

Vào tháng 12-2008, bà đang sống trong một căn hộ nhỏ đơn sơ thuê ở Matxcơva. Vài tuần nữa, bà kết thúc nhiệm kỳ giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow. Bất chợt điện thoại di động của bà reo lên. Bà chưa kịp nghe điện thoại thì cuộc gọi ngưng bặt. Do hạn chế về công nghệ vào thời kỳ đó nên không có cách nào để nghe hộp thư thoại trên mạng di động Nga.

Đe dọa sử dụng hạt nhân cho dù là sử dụng một lần duy nhất và phi chiến lược cũng là đùa với lửa.

ROSE GOTTEMOELLER

Lúc bấy giờ bà rất băn khoăn: "Ôi trời, đó là gì vậy, Nhà Trắng hay chiến dịch của Obama gọi? Phải chăng mình vừa đánh mất cơ hội?". Sau đó, bà đã có câu trả lời. Cuộc gọi lần thứ hai đề nghị bà liên lạc với văn phòng ngoại trưởng chỉ định Hillary Clinton để thảo luận lời mời vị trí thứ trưởng. Lúc đó, ông Obama mới đắc cử tổng thống và đang xây dựng guồng máy chính phủ mới.

Cuộc phỏng vấn rất căng thẳng. Bà Clinton và hai thuộc cấp hỏi bà về khả năng răn đe hạt nhân, các chính sách chiến lược của Mỹ, vấn đề cắt giảm vũ khí chiến lược. Hồi ký của bà ghi lại: "Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tồi tệ. Một tiếng rưỡi thật mệt mỏi. Tôi nghĩ tôi đã không làm tốt lắm".

Thế nhưng hôm sau, một cuộc gọi đến thông báo bà Clinton không chỉ đề nghị bà làm thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề kiểm soát vũ khí mà sẽ đề nghị với Nhà Trắng cử bà làm trưởng đoàn đàm phán về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược sắp tới.

Tháng 6-2009, phái đoàn Mỹ đang cố đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành hiệp ước. Thật may mắn bà lại quen biết ông Anatoly Antonov, trưởng đoàn đàm phán Nga, vì bà từng làm giám đốc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva trong ba năm (năm 2006 - 2008).

Với khả năng sõi tiếng Nga, bà cũng từng ở Nga với tư cách viên chức của chính quyền Clinton để hợp tác bảo vệ các vật liệu hạt nhân và các đầu đạn Nga chống bọn trộm cắp và bọn khủng bố.

Ông Antonov là giám đốc Ban Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga, vì vậy hai người có dịp gặp nhau nhiều lần tại các sự kiện ở Matxcơva. Ông còn mời bà tham gia hội đồng cố vấn về kiểm soát vũ khí và bị nhiều chỉ trích vì để chuyên gia nước ngoài tham gia hội đồng. Thỉnh thoảng, họ vẫn ăn trưa.

Bà nhận xét: "Mối quen biết của chúng tôi là một yếu tố quan trọng giải thích vì sao các cuộc đàm phán về hiệp ước lại diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi không mất thời gian vào điệu nhảy "làm quen" của các nhà đàm phán quốc tế".

Tuy nhiên, thái độ tôn trọng lẫn nhau của họ hầu như đã bị đảo lộn chỉ vì một bài báo. Vào tháng 6-2009, một tờ báo Nga đã đăng bài khẳng định ông Antonov sẽ không bao giờ thắng vì bà Gottemoeller là "nhà đàm phán rất cứng".

Bà đã dự đoán hai tình huống. Nếu Antonov bị thay thế, quá trình đàm phán sẽ chậm lại khi nhà đàm phán mới của Nga được bổ nhiệm. Trong trường hợp tốt hơn, đây có thể là dấu hiệu sắp tới Antonov sẽ cứng rắn hơn với bà trên bàn đàm phán. Rốt cuộc, tình huống thứ hai đã xảy ra.

Hai trưởng đoàn đàm phán Rose Gottemoeller (Mỹ) và Anatoly Antonov (Nga) - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Hai trưởng đoàn đàm phán Rose Gottemoeller (Mỹ) và Anatoly Antonov (Nga) - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cái đập tay xuống bàn duy nhất

Theo thông lệ, thỉnh thoảng các nhà đàm phán vẫn gặp nhau thảo luận không chính thức trong bữa trưa hoặc bữa uống cà phê. Bà Gottemoeller và ông Antonov cũng làm tương tự. Họ đã tận dụng các bữa ăn để khắc phục những bế tắc về khái niệm hoặc thủ tục trên bàn đàm phán. Họ đã sử dụng khăn giấy để phác thảo ý tưởng.

Ngồi vào bàn đàm phán gồm có hai nhà đàm phán và các chuyên gia có kinh nghiệm nhất hỗ trợ. Ở hàng ghế sau là các chuyên viên hiểu tường tận về hệ thống vũ khí, các thanh tra viên nắm vững quy trình thanh sát, các luật sư am tường pháp luật về hiệp ước và các nhà ngôn ngữ học. Người phiên dịch viên chính luôn ngồi cạnh trưởng đoàn đàm phán.

Bà Gottemoeller sớm nhận ra một ê kíp nữ trẻ xuất sắc ngồi ở hàng ghế sau cùng các chuyên viên hàng đầu từ nhiều cơ quan của Nga. Bà bắt đầu truyền bá kiến thức chuyên môn để gửi thông điệp rằng phụ nữ vẫn có thể thực hiện chính sách hạt nhân tốt như nam giới.

Bà ghi trong hồi ký: "Ngay từ các phiên họp toàn thể ban đầu, tôi đã cung cấp chi tiết về khả năng tên lửa Nga và do đó Matxcơva không cần lo lắng về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Điều này có thêm lợi thế chứng tỏ tôi biết nhiều về chủ đề kỹ thuật. Đã có những cái gật đầu tán đồng từ các chuyên gia quân sự Nga".

Sau đó, bà tiếp cận trực tiếp hơn bằng cách tặng quà trang trí Giáng sinh của Nhà Trắng hoặc các chuỗi hạt dùng trong ngày Mardi Gras (ngày trước thứ tư lễ Tro của người Công giáo) cho cánh phụ nữ trong phái đoàn Nga. Bà nói với ông Antonov nên đưa một số chuyên gia nữ có năng lực trong phái đoàn Nga lên hàng ghế đầu và cho phép họ phát biểu.

Cuối cùng vào cuối cuộc đàm phán, Antonov thông báo nữ luật sư của ông sẽ phát biểu trong phiên họp toàn thể tiếp theo. Hôm đó, nữ luật sư ấy đã có bảng tóm tắt tốt về vấn đề pháp lý đang kết luận.

Về phía phái đoàn Mỹ, trong các cuộc họp chuẩn bị bí mật, phái đoàn Mỹ nhiều lần thúc giục bà thể hiện thái độ tức giận nhiều hơn và cứng rắn hơn với người Nga. Một ngày nọ, bà quyết định làm theo. Tại một phiên họp toàn thể, cũng như nhiều lần trước, phía Nga tiếp tục nêu quan điểm cần hạn chế về phòng thủ tên lửa trong hiệp ước mới.

Bà đã đập bàn đỏ mặt tía tai nói lớn: "Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev đã đồng ý ở London hồi tháng 4 rằng đàm phán lần này bàn đến lực lượng tấn công chiến lược chứ không phải phòng thủ tên lửa".

Cơn tức giận có tác dụng mong muốn. Người Nga ngạc nhiên nhưng quan trọng hơn cánh nam giới trong phái đoàn Mỹ rất sướng vì... bà có thể đập bàn khi cần! Hồi ký ghi lại: "Tôi đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong buổi tổng kết hôm đó. Quan trọng hơn là tôi không cần phải nổi cơn tức giận nào nữa trong thời gian đàm phán còn lại. Tôi đã chứng minh mình có thể làm được nếu buộc phải làm, thế là đủ!".

Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START) đặt ra các giới hạn cho Mỹ và Nga gồm: 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng trang bị vũ khí hạt nhân đã triển khai; 1.550 đầu đạn hạt nhân ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai; 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai của các ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng.

Mỹ và Nga đã đặt ra quy trình phản ứng rất chặt chẽ về tấn công hạt nhân. Vậy tống thống phải làm gì khi trả đũa hạt nhân theo cảnh báo và khi muốn tấn công phủ đầu?

Kỳ tới:Bảy phút kích hoạt chiến tranh hạt nhân

Vũ khí hạt nhân và "bóng ma ngày tận thế" - Kỳ 3: Báo động hạt nhân khủng khiếp lúc 3h sángVũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 3: Báo động hạt nhân khủng khiếp lúc 3h sáng

Thế giới đã có lúc ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi Mỹ cảnh báo hàng ngàn tên lửa đạn đạo liên lục địa Liên Xô đang phóng về hướng Mỹ. Hóa ra máy tính đã cảnh báo sai!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên