Siêu thị trái cây
Tự tin dù không còn "sân nhà"
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) mới đây đã có một báo cáo phân tích khá đầy đủ những ảnh hưởng của Hiệp định EVFTA đến các doanh nghiệp phân phối trong nước đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực phân phối, nhất là bán lẻ.
Trong đó, đáng chú ý là cơ quan quản lý chỉ ra một số tác động tiêu cực của thị trường phân phối từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA. "Việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm "sân nhà".
Điều này cho thấy thách thức đối với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Nhất là với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức", báo cáo nêu và phân tích thêm: lĩnh vực thương mại nội địa với hệ thống phân phối - nơi có sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nội với quy mô nhỏ và vừa sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi phân luồng đầu tư từ nước ngoài với dòng vốn mạnh mẽ đổ vào trong nước.
Tuy nhiên, báo cáo cũng không quá bi quan khi nhấn mạnh rằng, quy mô thị trường trong nước còn nhiều dư địa phát triển so với các nước trong khu vực chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. "Đặc biệt, cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển", báo cáo viết.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng chứng kiến một làn sóng đổ bộ của các đại gia phân phối đến từ nhiều nước phát triển, như Lotte, Parkson, Metro… Và trong số đó, không ít tên tuổi lớn phải thoái lui như Parkson, Metro, Auchan mà không hề đến từ việc thiếu kinh nghiệm, thiếu tài chính mà phần lớn thiếu sự am hiểu thị trường bản địa đã phần nào cho thấy cơ hội của bán lẻ nội.
Lợi thế lớn từ hệ sinh thái khép kín
Sự vững vàng của Saigon Co.op, hay sự vươn lên mạnh mẽ của Masan trong lĩnh vực phân phối bán lẻ là những minh chứng rõ nét.
Chỉ nửa năm sau thương vụ M&A đình đám với Vingroup để nắm quyền điều hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ cùng 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi, Tập đoàn Masan hồi giữa tháng này đã thông qua việc thành lập công ty hợp nhất là Công ty Cổ phần The CrownX để vận hành và sẽ sở hữu lợi ích kinh tế của MSN trong VCM và Masan Consumer Holding (MCH) nhằm hiện thực hiện hoá tuyên bố lập nên liên minh tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu khi M&A thành công VinCommerce hồi cuối năm ngoái.
Siêu thị trái cây
Theo các chuyên gia, việc thành lập CrownX sẽ giúp tối ưu cả 2 mảng sản xuất và bán lẻ của Masan Group - một thứ vũ khí mà không một doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực có được. Nên nhớ rằng, VCM là nền tảng bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán và hiện chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.
Sự vượt trội ở danh mục sản phẩm tươi sống là dấu ấn thu hút khách hàng của chuỗi bán lẻ này, cộng hưởng từ MEATDeli khi thương hiệu thịt mát của Masan đang có 60% thị phần trong VinMart và hiện đã được bán thử nghiệm thành công tại VinMart+.
Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu GDP bình quân ở mức 5.000 USD/người/năm và tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng đã kéo theo một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng của người Việt. Nhu cầu đối với bán lẻ hiện đại ngày càng cao. Vì với gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, an toàn, chất lượng và trải nghiệm mua sắm là những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Siêu thị Vin Eco
Báo cáo tài chính Q1-2020 của Masan Group cho thấy, VinCommerce đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40% trong Quý 1/2020. Lợi nhuận cải thiện đáng kể với biên EBITDA trong Quý 1/2020 đạt mức (5.1)%, tăng lên so với mức (9.1)% và (10.7)% lần lượt vào Quý 1/2019 và Quý 4/2019.
Như vậy, chỉ sau vài tháng tiếp nhận việc điều hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam, Masan có được những thành công bước đầu trong việc cải tổ và nâng cao hiệu quả hoạt động của VinMart/VinMart+.
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi cổ đông cho đại hội vào tuần tới, Masan Group cho biết doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 của Tập đoàn sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số và lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Trong đó, biên EBITDA năm 2020 của VCM sẽ từ -3% đến 0%, đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020.
Siêu thị trong nước
Một chuyên gia về marketing nhận định, mục tiêu đó không có gì là tham vọng mà hoàn toàn khả thi. Bởi việc thành lập CrownX sẽ giúp Masan tối ưu cả 2 mảng sản xuất và bán lẻ của mình.
"Ví dụ, khi Masan Consumer ra mắt sản phẩm mới, CrownX ngay lập tức có thể thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+. Đối với VinCommmerce, việc gia nhập vào sản xuất sẽ giúp nền tảng phát triển nhãn riêng đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác", ông nói.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, với hệ sinh thái khá hoàn chỉnh này, doanh nghiệp có lợi thế rất lớn trong việc tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng hiệu quả cũng như phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
"Đó là chưa kể, lợi thế này sẽ khiến họ dễ dàng liên kết và hợp tác với các đối tác để tận dụng công nghệ, thị trường; tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường", vị này phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận