TTCT - Hình dung về một cuộc chiến trong tương lai sẽ là những luồng năng lượng cực mạnh, phá hủy mục tiêu từ xa của vũ khí năng lượng định hướng, hay những cuộc tấn công vượt mọi hệ thống đánh chặn bằng tên lửa có vận tốc nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Minh họa vũ khí năng lượng định hướng của hãng Lockheed Martin. Ngày 1-7, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố sẽ dành 270 tỉ đôla Úc (187 tỉ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong 10 năm tới. Con số này cao hơn mức dự chi 195 tỉ đôla Úc đưa ra trong Sách trắng quốc phòng 2016, do lẽ Canberra cần phải đối phó với “môi trường khu vực ngày càng xấu đi”, theo trang Defense News. Ngân sách mới sẽ được chi để tăng cường năng lực quốc phòng, bao gồm mua sắm thêm vũ khí tấn công, tăng cường sức mạnh trên không gian mạng và phát triển hệ thống theo dõi dưới biển công nghệ cao. Theo ABC News, Lực lượng quốc phòng Úc (ADF) dự kiến sẽ chi 800 triệu đôla Úc để mua tên lửa diệt hạm tầm xa LRASM từ Hải quân Mỹ, khi Canberra cần tập trung cho xung đột có thể có với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cũng theo ABC News, Canberra dự kiến sẽ dành 9,3 tỉ đôla Úc để nghiên cứu và phát triển vũ khí tầm xa, tốc độ cao, bao gồm vũ khí siêu siêu thanh (hypersonic, còn gọi là siêu vượt âm). Còn theo trang Information Age (Úc), ADF dự kiến sẽ trang bị các tàu hải quân và cả khí tài trên đất liền với vũ khí năng lượng định hướng (DEW - directed energy weapon), sử dụng tia laser hay vi sóng (microwave) cường độ cao. Các vũ khí này có thể tiêu diệt xe bọc thép, xe tăng chiến đấu mà không cần phụ thuộc vào dự trữ đạn dược. Những cái tên nằm trong “danh sách mơ ước” (wish list) của ADF kể trên cũng chính là những công nghệ, vũ khí đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia hiện tại nếu có chiến tranh xảy ra, dù là trên biển, trên bộ hay không gian ảo. “Định nghĩa lại chiến tranh trên biển” Ngày 22-5, tàu tuần dương USS Portland (LPD-27) của Hải quân Mỹ phát thông cáo cho biết trong tuần trước đó đã trình diễn thành công khả năng của DEW mà họ đang phát triển. Cuộc trình diễn được tiến hành trên Thái Bình Dương, khi LWSD bắn hạ thành công một thiết bị bay không người lái (drone) bằng tia laser thể rắn (solid state laser). Video do Hải quân Mỹ công bố cho thấy trên boong tàu LPD-27 có một điểm lóe sáng, và từ đó phát ra một luồng tia laser cực lớn, tiếp theo đó là hình ảnh drone bốc cháy. Chỉ huy tàu LPD-27, Karrey Sanders, cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm với các mục tiêu như drone và máy bay cỡ nhỏ nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của loại vũ khí bằng tia laser cường độ cao này, cũng như đặt nền móng cho các hệ thống vũ khí mới trong tương lai. “Với công nghệ tối tân này, chúng tôi đang định nghĩa lại chiến tranh trên biển cho hải quân” - Sanders nói. DEW là vũ khí phá hủy mục tiêu bằng một nguồn năng lượng tập trung cao độ như laser, vi sóng hoặc chùm hạt (particle beam). Công nghệ này có thể ứng dụng làm vũ khí sát thương con người, đánh chặn tên lửa, xe quân sự và các thiết bị quang học. Theo Hải quân Mỹ, hệ thống vũ khí mới nói trên đang được phát triển để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng bao gồm thiết bị bay không người lái, tàu nhỏ có vũ trang và các hệ thống tình báo, giám sát và thăm dò của đối thủ. Theo Business Insider, các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ có thể không đủ tên lửa để đánh chặn các tên lửa phóng từ đất liền của Trung Quốc, và đó sẽ là đất dụng võ của các khẩu “súng thần công laser”. Hải quân Mỹ cũng dự kiến trang bị ODIN, một hệ thống DEW do họ phát triển, trên tổng cộng tám chiến hạm trong vòng ba năm tới, theo tiết lộ tại một cuộc họp trực tuyến ngày 7-7 của Frank Peterkin, chuyên gia công nghệ DEW thuộc Cơ quan nghiên cứu Hải quân Mỹ. Tàu đầu tiên được gắn hệ thống có thể tiêu diệt các mục tiêu không người lái trên không này là tàu khu trục USS Dewey. Trong khi đó, lục quân Mỹ đang phát triển IFPC-HEL, hệ thống laser năng lượng cao có khả năng chống hỏa lực gián tiếp từ rocket, pháo và súng cối, còn lực lượng không quân cũng đang tìm kiếm giải pháp DEW, trước hết là để chống drone cỡ nhỏ, trước khi nâng cấp thành vũ khí đánh tàu tên lửa. Hệ thống DEW dùng vi sóng năng lượng cao của Không quân Mỹ, THOR, có thể hạ nhiều drone cùng lúc bằng cách làm cháy hệ thống điện tử của các thiết bị đó với tia điện từ trường. THOR được tạp chí Air Force Magazine mô tả là “có giao diện vận hành như trò chơi điện tử” có thể được lắp cho máy bay C-130 hoặc trên đất liền. Hệ thống này vẫn còn phải trải qua một cuộc kiểm tra cuối cùng ở bãi thử tên lửa White Sands (bang New Mexico) trước khi thử nghiệm thật, theo tuyên bố ngày 8-7 của Không quân Mỹ. Nga cũng đang nghiên cứu một vũ khí DEW có tên là súng thần công EMP (xung điện từ), theo Forbes ngày 14-7. Vũ khí này được mô tả giống như súng bắn tia vi ba (microwave gun), một công cụ chống drone khá phổ biến hiện nay. Theo TASS, vũ khí mới này dự kiến sẽ tích hợp vào các phiên bản điều khiển từ xa của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 do Nga sản xuất. Samuel Bendett, cố vấn về Nga của Tổ chức CNA, cho biết nghiên cứu và phát triển súng thần công EMP là một phần của công tác củng cố năng lực quốc phòng của Matxcơva nhằm chống lại các drone tầm cao đang dọ thám tại các khu vực gần biên giới Nga. Ảnh: Lockheed Martin Chạy đua siêu siêu thanh Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến một loại tên lửa “siêu cấp vô địch”, có thể bay nhanh gấp 17 lần tốc độ âm thanh - nhanh hơn bất kỳ tên lửa nào mà Washington hiện có - trong ít nhất ba trường hợp khác nhau kể từ tháng 5. Song mãi cho đến tuần trước, Lầu Năm Góc mới tiết lộ chút ít thông tin về thứ ông Trump không tiếc lời khen. “Ông ấy [Trump] đã nhắc đến buổi phóng thử nghiệm chúng tôi tiến hành hồi tháng 3, khi chúng tôi phóng một phương tiện lướt [glide vehicle] siêu siêu thanh, nhanh hơn âm thanh 17 lần, trên Thái Bình Dương” - một quan chức quốc phòng cấp cao nói với CNN. Nguồn tin giấu tên này chỉ nói buổi thử thành công chứ không cho biết gì thêm. Các tên lửa siêu siêu thanh thường có vận tốc nhanh hơn vận tốc âm thanh (1.236 km/h) ít nhất 5 lần. Loại tên lửa này được đánh giá là điều khiển linh hoạt và có thể ứng dụng vào tác chiến ở nhiều độ cao khác nhau. Chúng có tầm bắn xa đến 1.000 dặm hoặc hơn, song đắt và cồng kềnh hơn tên lửa hành trình. Với tốc độ và khả năng di chuyển linh hoạt, tên lửa siêu siêu thanh sẽ khó bị các hệ thống chặn tên lửa, vốn chỉ hiệu quả với các dạng tên lửa truyền thống, có quỹ đạo di chuyển dễ đoán. Theo CNN, Mỹ cũng đang nghiên cứu một loại tên lửa hành trình siêu siêu thanh - giống như tên lửa Tomahawk “truyền thống” song có tốc độ nhanh hơn 10 lần. Quan chức quốc phòng nói trên cho biết loại tên lửa này sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay. Cả hai loại tên lửa siêu siêu thanh này có thể hoạt động cùng nhau - tên lửa tầm xa dùng để triệt hạ hệ thống phòng không của đối phương, mở đường cho chiến đấu cơ trang bị tên lửa hành trình tiếp cận và tấn công nhiều mục tiêu. Ông Trump tự hào về con số “nhanh hơn 17 lần”, song năng lực đó chưa là gì so với mức độ phát triển vũ khí siêu siêu thanh của Nga và Trung Quốc. Nga từ cuối tháng 12-2019 đã đưa tổ hợp tên lửa Avangard, được tuyên bố là có khả năng đạt tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh, vào trực chiến. Matxcơva cũng đã thử nghiệm tên lửa phóng từ trên không Kinzhal, dự kiến triển khai trong năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc đã trình diễn các mẫu vũ khí siêu siêu thanh DF-17 trong cuộc duyệt binh mừng quốc khánh năm 2019. Theo báo South China Morning Post, DF-17 được cho là có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách gần 1.000 dặm (1.600km), với tốc độ cực cao và quỹ đạo di chuyển phẳng, đủ sức làm khó mọi nỗ lực đánh chặn của hệ thống phòng không. “Sự ưu việt của DF-17 là đầu đạn siêu siêu thanh của nó, vốn có thể xuyên thủng các hệ thống chống tên lửa, rađa và các hệ thống cảnh báo sớm, và có thể đánh trúng các mục tiêu mà [tên lửa truyền thống] DF-15 và DF-16 không thể vươn tới” - chuyên gia quân sự Song Zhongping nói với South China Morning Post. Theo báo Canberra Times, Pháp và Ấn Độ hiện cũng có các chương trình thử vũ khí siêu siêu thanh, Nhật Bản dự kiến 5 năm nữa sẽ thử nghiệm, còn Anh đã phân bổ ngân sách cho việc nghiên cứu loại vũ khí mới này. Trước những diễn biến đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Úc cũng nhảy vào cuộc chơi.■ Trong một phát biểu trước quốc dân được truyền hình trực tiếp hồi tháng 6, Thủ tướng Morrison nói nước Úc đang bị một thế lực ngoại bang tấn công, song không phải bằng chiến đấu cơ, tên lửa, xe tăng hay chiến hạm, mà bằng một loạt cuộc tấn công mạng, nhằm vào nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. Ông Morrison không nêu tên kẻ chủ mưu, chỉ phiếm chỉ đó là “một tác nhân phức tạp, do nhà nước bảo trợ”, đồng thời chỉ rõ nạn nhân của các vụ tấn công là các quỹ y tế, nhóm chính trị, tổ chức giáo dục và hạ tầng quốc gia. Trong mức chi quốc phòng mới, Canberra dành 15 tỉ đôla Úc cho năng lực chiến tranh mạng và thông tin. Úc không phải là ngoại lệ. Từ London đến Riyadh và từ Matxcơva đến Bắc Kinh, theo báo The Telegraph, các chính phủ đã quen với việc chống lại các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm, hoặc phá hoại. Các cuộc tấn công liên tục đã khiến nhiều chính phủ đầu tư tăng cường năng lực trong cả đối phó lẫn tấn công trên không gian ảo. Tags: Vũ khíChất cấmCông nghệ quốc phòngChiến tranh trên biển
Bầu cử Mỹ: 'Phó tướng' ông Trump bỏ phiếu, mong hàn gắn nước Mỹ DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.