01/11/2018 09:44 GMT+7

'Vũ khí bí mật' của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Ngày càng ít chủ doanh nghiệp, khách du lịch và du học sinh Trung Quốc đến Mỹ, và đó có thể là một "vũ khí bí mật" được áp dụng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Vũ khí bí mật của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Du khách Trung Quốc là nhóm "chịu chi" nhất đối với ngành du lịch Mỹ - Ảnh: AFP

Theo The Washington Post (WP), lưu lượng khách đến Mỹ dần ít đi, thể hiện rõ qua lượng hộ chiếu và vé máy bay.

Dù chưa có thông tin nào cho thấy đây là kết quả từ sự tác động trực tiếp từ Bắc Kinh nhưng điều này thể hiện rõ rằng Trung Quốc có một loại vũ khí có thể dùng tới nếu chiến tranh đi sâu hơn, gây hậu quả nặng nề hơn cho kinh tế Trung Quốc.

Đó là viễn cảnh du khách Trung Quốc sẽ cắt các khoản chi tiêu cho các dịch vụ như đi lại và du lịch ở Mỹ mà mỗi năm con số này cũng lên đến 60 tỉ USD.

Thống kê từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy lượng du khách Trung Quốc nhận hộ chiếu làm việc, du lịch hay du học đã giảm 13% (102.000 người) từ tháng 5 tới tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên trang Skyscanner, vé máy bay đặt từ Trung Quốc đến các địa điểm tại Mỹ giảm 42% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 10, vốn là thời điểm nghỉ lễ dài ở Trung Quốc và dân nước này thường có xu hướng đi du lịch nước ngoài. 

Tờ Washington Post nhận định Tổng thống Donald Trump thường hay than phiền về các khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong giao thương hàng hóa trong khi Mỹ lại thu về một khoản thặng dư lớn từ ngành dịch vụ, và điều này có thể dễ dàng trở thành một mục tiêu lớn nếu cuộc đối đầu thương mại tiếp tục kéo dài.

Kể từ năm 2011, thương mại dịch vụ của Mỹ và Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần so với thương mại hàng hóa mà ông Trump thường nhắm vào.

Du lịch là một trong những vũ khí Trung Quốc hay sử dụng. Chẳng hạn, thời tranh chấp cùng Hàn Quốc năm ngoái, Bắc Kinh đã cấm bán các gói lữ hành đến thành phố Seoul hay đảo Jeju. Hệ quả là giới doanh nghiệp Hàn Quốc tổn thất gần 7 tỉ USD chỉ sau vài tháng.

Theo Washington Post, nếu một lệnh cấm tương tự tái diễn, Mỹ có thể mất hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đến Mỹ du lịch và du học.

Du khách Trung Quốc nổi tiếng là chịu chi, với mức chi tiêu trung bình 6.900 USD mỗi chuyến du lịch.

Các đại học Hoa Kỳ có thể mất luôn lượng sinh viên đăng ký học ngày càng tăng từ Trung Quốc mà năm ngoái có hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Mỹ, gần gấp đôi của Ấn Độ.

Nếu Trung Quốc thẳng tay đánh vào chi tiêu của người dân nước họ cho du lịch, dịch vụ tài chính hay các hợp đồng tư vấn, nền kinh tế Mỹ sẽ ngay lập tức cảm nhận được sức nặng. 

Bà Joy Dantong Ma, một chuyên gia liên kết với Học viện Paulson, Chicago, nhận định tốc độ "ngấm đòn" sẽ nhanh hơn nhiều so với việc Bắc Kinh tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

"Dịch vụ rất khác với xuất khẩu hàng hóa. Khi nhu cầu cho một sản phẩm biến mất, bạn khó có thể cảm nhận được tác động ngay lập tức. Nhưng khi điều tương tự xảy ra với dịch vụ, những con số sẽ tuột dốc ngay tức khắc", bà nói.

Công ty lữ hành Ctrip của Trung Quốc cảnh báo Mỹ tuột từ hạng 6 xuống hạng 9 trong bảng xếp hạng các địa điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc.

Cho tới nay, khu vực dịch vụ lớn nhất của Mỹ vẫn là du lịch và đi lại. Các hãng hàng không, khách sạn và doanh nghiệp lữ hành Mỹ kiếm 23 tỉ USD từ khu vực này. 

Tuy nhiên, Washington Post nói rằng cho tới nay Bắc Kinh chưa có dấu hiệu tác động tới đòn đánh này. Có thể cả hai bên đều hy vọng sẽ có một cuộc thương lượng thành công trong tương lai.

Singapore tính đường dài từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

TTO - Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) lên tiếng cảnh báo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế của đảo quốc này trong dài hạn.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên