Ngày nay chỉ còn khoảng 1.500 người Dessana ở Brazil sinh sống trên 60 ngôi làng rải rác trong vùng Amazon rộng lớn. Họ thường tự gọi mình là Umukomasã (người của vũ trụ).
Thổ dân không “mù” World Cup
Khi thuyền của khách lạ cập bến, những phụ nữ Dessana ngực trần và đám trẻ con đen nhẻm vẫn tắm vô tư bên bờ sông.
Một thanh niên trong làng với “trang phục truyền thống” (cởi trần, đầu đội mũ gắn chi chít lông vũ, cổ đeo nhiều xâu chuỗi răng nanh heo rừng lủng lẳng trước ngực, vải bố che phần bụng dưới, phía sau gắn chùm lá cây rừng, mắt cá chân đeo dây quả lắc lục lạc) tự giới thiệu tên anh là Poron (nghĩa là “Con cá của ngày”). Thật ngạc nhiên khi Poron từng đến thủ phủ Manaus học và nói được tiếng Anh cơ bản mặc dù hầu như tất cả thổ dân còn lại trong làng (trên 250 người) đều chỉ nói và hiểu được tiếng thổ ngữ của họ.
“Ở nơi xa xôi trong rừng như thế này, các anh có xem World Cup qua truyền hình không?” - chúng tôi hỏi. “Có, có chứ! Trong làng chúng tôi có năm chiếc tivi với nguồn máy phát điện. Chúng tôi có cả máy tính và nối được mạng Internet!” - Poron đáp trong sự tròn xoe mắt ngỡ ngàng của khách. Té ra các thổ dân ở Tupé không hề “mù” thông tin về World Cup. Những ngày có đội tuyển Brazil thi đấu, cả làng quây quần bên những chiếc tivi và cổ vũ. “Chúng tôi rất mê thể thao và bóng đá” - chàng thổ dân có thân hình vạm vỡ khẳng định, và cho biết các thổ dân từng tranh tài trong đại hội thể thao thổ dân do Chính phủ Brazil tổ chức.
Không chỉ xem World Cup qua truyền hình, người Dessana còn được tận hưởng bầu không khí World Cup khi các CĐV ồ ạt kéo đến thăm làng. Poron cho biết: “Bình thường mỗi ngày chỉ vài chục người đến, nhưng tháng qua mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm người”. World Cup giúp thổ dân có cơ hội giới thiệu nhiều hơn bản sắc văn hóa truyền thống của họ với du khách và nhắc nhớ thế giới về sự tồn tại của họ. World Cup cũng giúp làng Tupé có thêm tiền từ nguồn bán đồ trang sức thủ công để tăng chất lượng bữa ăn, mua những loại vải khố mới và áo ấm cho trẻ em trong làng.
Điệu nhảy giữa rừng Amazon
Cứ mỗi nhóm khách đến thăm, bất kể họ mặc áo màu vàng Brazil, màu trắng tuyển Anh, màu xanh lơ của CĐV Argentina hay màu cam rực rỡ đích thị người Hà Lan..., các thổ dân Dessana đều nhiệt tình chào đón và chiêu đãi khách bằng các màn múa hát tập thể do chính họ nghĩ ra trong ngôi nhà lớn trên một khu đất cao giữa làng thường được dùng để thực hiện các nghi lễ thờ cúng.
Sau mỗi lời giới thiệu của thổ dân, người dẫn đường Carlos bảo lại với chúng tôi rằng nội dung bài hát và điệu múa ca ngợi tổ tiên, nguồn gốc bản sắc bộ tộc, sự sinh sản và sức khỏe của con người, sự di cư của cá và các loài chim trong thế giới tự nhiên.
Dù vui hay buồn vì đội nhà còn thi đấu hay đã bị loại, khách đến làng Tupé khó mà cưỡng lại lời mời của các thổ dân cùng tham gia điệu nhảy với họ. Ông Stephan Pronk đến từ tiểu bang Victoria (Úc) năm nay trên 70 tuổi vẫn hào hứng “thấy mình trẻ lại” khi được một nữ thổ dân nắm chặt tay để nhảy. Ông gật gù bảo với người đàn ông đi bên cạnh mặc áo cam của đội Hà Lan rằng “vũ hội World Cup chính là đây - giữa rừng Amazon - chứ không chỉ riêng ở trong các sân vận động hay nơi bãi biển Copacabana”.
Chúng tôi gặp vị tù trưởng và pháp sư (pajé) của làng Tupé và phỏng vấn thông qua “đệ tử” biết tiếng Anh Poron của ông. Ông năm nay 64 tuổi, là người đeo mũ lông vũ to và đẹp nhất trong bộ tộc. Pháp sư có khả năng chữa chấn thương lưng cho Neymar dựa trên thảo mộc và “phép lạ” rừng thiêng Amazon. Ông cho biết cầu nguyện mỗi ngày cho “hexa” (tức chức vô địch lần thứ 6 của Brazil).
Người tù trưởng cũng nhấp nháy ánh mắt tỏ ra rất hài lòng về World Cup, rằng chiến thắng của đội tuyển Brazil có thể giúp những thổ dân Amazon tạm quên đi rằng rừng thiêng của họ đang bị hủy hoại bởi những băng đảng bạo lực và nuôi tham nhũng để khai thác gỗ trái phép, các dòng sông mà thổ dân đánh cá đang bị ô nhiễm và thực phẩm tự nhiên (động vật hoang dã) trong rừng ngày càng khan hiếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận