10/04/2021 09:54 GMT+7

Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Phân công giáo viên kèm học sinh yếu kém

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã mời hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn họp khẩn để bàn giải pháp chấn chỉnh việc “ngồi nhầm lớp”, sau bài viết học sinh lớp 6 không đọc được chữ trên Tuổi Trẻ Online ngày 8-4

Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Phân công giáo viên kèm học sinh yếu kém - Ảnh 1.

Gia đình T., một học sinh lớp 6 đọc viết không thạo, lo lắng con mình sẽ không đọc được chữ - Ảnh: N.TÀI

Bên cạnh việc chấn chỉnh, phòng này cũng chỉ đạo các trường phân công giáo viên kèm cặp đối với những học sinh yếu kém.

Chỉ tiêu thi đua không phù hợp

Cùng ngày, Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã có công văn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Theo đó, sở nhận định việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. 

"Thậm chí có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân", công văn nêu.

Để tránh tình trạng chạy theo thành tích, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học. Ngoài ra, sở yêu cầu các trường phải triển khai ngay việc kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu và báo cáo trước ngày 15-4.

Bà Nguyễn Thị Hiền - bí thư Huyện ủy Thanh Bình - cho biết đã giao lãnh đạo UBND huyện cùng Phòng GD-ĐT làm việc ngay với hiệu trưởng các trường để rà soát thực trạng, phân công giáo viên kèm cặp đối với các học sinh yếu kém. Riêng các học sinh đã bỏ học, nhà trường cùng địa phương kết hợp đến vận động các em đi học lại, hỗ trợ kịp thời đối với các em thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn.

Phụ huynh từng xin cho con ở lại lớp

Bà Nguyễn Thị Kim Hương - phụ huynh của một trong những học sinh lớp 6 đọc viết chưa thạo - cho biết khi con học lớp 4 nhưng đọc viết chưa rành bà đã rất lo lắng. Khi biết con được lên lớp 5, bà đã xin cho con ở lại lớp nhưng không được.

Theo học bạ của em H.K.T., năm học lớp 1 môn Tiếng Việt được đánh giá là "đọc to, rõ ràng, viết được, rèn đọc trơn và viết đúng độ cao". Tương tự, lớp 2 em cũng được đánh giá là "đọc viết được, rèn đọc trơn, viết đúng độ cao". Sang lớp 3, em tiến bộ hơn khi được đánh giá là "đọc khá lưu loát, chữ còn yếu, cần rèn viết nhiều hơn". Lớp 4 và 5 là "đọc viết còn chậm" nhưng vẫn lên lớp.

Sáng 9-4, thầy Trương Tấn Sĩ - hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Mỹ 1 - thừa nhận việc học sinh đọc viết chưa rành, trách nhiệm thuộc về giáo viên và nhà trường. Theo thầy Sĩ, cái khó hiện nay là việc đánh giá học sinh. Các kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ tuy do giáo viên lớp trên gác kiểm tra lớp dưới nhưng chấm bài lại do giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, dễ có "kẽ hở" để lọt những học sinh chưa đủ năng lực lên lớp mà đôi khi nhà trường cũng không biết.

Ông Lý Bảo Việt - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình - chia sẻ học sinh trên địa bàn huyện khá đặc thù vì có nhiều em hoàn cảnh không chỉ khó khăn mà cha mẹ phải mưu sinh xa nhà. Do đó, những em này không chỉ thiếu thốn điều kiện học tập mà còn thiếu sự quan tâm của gia đình. "Sau tết là thời điểm đau đầu nhất vì các em nghỉ rất nhiều, theo cha theo mẹ đi cắt lúa hoặc đi làm công nhân. Thực trạng đó đòi hỏi giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh, tận tâm giúp đỡ các em", ông Việt nói.

Giáo viên chịu nhiều áp lực

Bài viết trên Tuổi Trẻ Online "Học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Con không biết vì sao con được lên lớp" nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

Một bạn đọc là giáo viên nêu ý kiến: "Đầu năm đưa ra chỉ tiêu cuối năm học phải lên lớp thẳng 98%, còn 2% giáo viên cho thi lại, không được ở lại. Giáo viên phải phụ đạo cho học sinh thi lại vài lần, chừng nào đạt thì thôi. Nếu giáo viên cho ở lại thì xếp thi đua không hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu hai năm liên tục thì cho nghỉ việc hoặc đánh giá giáo viên dạy không chất lượng hoặc lên phòng GD-ĐT làm giải trình rồi bị kiểm điểm. Không chỉ giáo viên chịu ảnh hưởng thi đua mà còn trường, phòng, huyện, sở và ảnh hưởng cả tỉnh. Cuối cùng là giáo viên lãnh đủ".

Tương tự, một giáo viên khác nói thêm: "Cô thầy cho học trò ở lại lớp thì sẽ "lên bờ xuống ruộng" với cấp trên. Có khi cấp trên đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Hai năm thì có khả năng bị đuổi việc. Vậy nồi cơm của thầy cô bị mất nên họ bỏ qua và đẩy học trò lên lớp. Tôi dạy học và đã nghe có những học trò nói thi em không làm gì mà vẫn đậu. Từ đây thấy rằng bệnh thành tích là gốc rễ của vấn đề trên"...

Phải khen giáo viên, trường giúp học sinh yếu tiến bộ

Nhiều năm làm cán bộ quản lý trường THPT, tôi chưa thấy ngành giáo dục có thông tư, hướng dẫn nào về việc cho học sinh chưa đủ chuẩn được lên lớp trên. Ngược lại, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được quy định chặt chẽ, tường minh, khả thi. Cùng với đó là nêu rõ trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo các trường nghiêm túc thực hiện.

Quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc thì báo cáo cấp trên để phối hợp giải quyết. Như vậy, có thể nói ngay học sinh lớp 6 không đọc được chữ không phải do quy định cứng của ngành giáo dục hay quy định tạo kẽ hở nên bị lách.

Lãnh đạo các phòng, sở GD - ĐT cần có chương trình hành động giúp học sinh yếu thay đổi, giúp các trường ở vùng khó và các trường có chất lượng thấp. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở cần trung thực, khách quan, công bằng.

Khi phát hiện việc đánh giá học sinh bị lệch chuẩn, thông qua giám sát, kiểm tra và thanh tra, cần chấn chỉnh kịp thời. Trường nhiều học sinh giỏi thì được khen, nhưng thầy cô giúp học sinh yếu tiến bộ vượt bậc cũng cần phải khen. Được vậy thì từ hiệu trưởng đến giáo viên, ai cũng xắn tay vào việc, câu chuyện học sinh lớp 6 không đọc được chữ sẽ không xảy ra.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Phụ huynh từng xin cho con... ở lại lớp Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Phụ huynh từng xin cho con... ở lại lớp

TTO - Sáng 9-4, Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mời tất cả hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn họp khẩn, bàn giải pháp chấn chỉnh việc ngồi nhầm lớp, sau bài viết học sinh lớp 6 không đọc được chữ đăng trên Tuổi Trẻ Online.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên