Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - nhận đơn phản ánh của người dân tại cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Tuy An (Phú Yên) - Ảnh: DUY THANH
Ngày 24-6, 2 đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên là ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính trung ương, bà Phạm Thị Minh Hiền - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên - có cuộc tiếp xúc cử tri tại các xã phía nam huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Tại cuộc tiếp xúc, một số người dân ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) phản ảnh tại địa phương có 1 trường hợp không tham gia kháng chiến nhưng vẫn được xã trình lên cấp trên để được hưởng chế độ.
"Thậm chí khi tôi lên xã An Mỹ để hỏi giải quyết tố cáo thế nào thì có cán bộ xã còn "thách" là muốn đi kiện đâu thì kiện" - một cử tri bức xúc.
Một cử tri khác cũng nhắc đến tên của cán bộ địa chính, chủ tịch xã chậm giải quyết những tranh chấp đất đai ở cơ sở để dẫn đến chuyện kiện tụng kéo dài, nguy cơ dẫn vụ việc từ dân sự đến hình sự…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Thái Học nói rằng qua ý kiến cử tri cho thấy người dân chưa thực sự tin tưởng ở một số cán bộ của chính quyền.
Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương cần rà soát lại, đánh giá xem cử tri nêu như vậy là đúng hay sai; nếu đúng thì phải xử lý, còn nếu sai phải giải thích cho dân thông, dân hiểu.
"Dân không tin cán bộ thì rất khó, đừng để mâu thuẫn, bức xúc của dân kéo dài" - ông Học đề nghị.
Ông Học nói dân đấu tranh chống tiêu cực thì cán bộ, đảng viên, chính quyền phải trân trọng. "Không thể chấp nhận cán bộ có thái độ thiếu tôn trọng dân, người tố cáo. Cán bộ phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đúng" - phó trưởng Ban Nội chính trung ương nêu.
Theo ông Học, cấp cơ sở phải giải quyết những mâu thuẫn trong dân cho tốt, tránh để tình trạng khiếu kiện dai dẳng, kéo dài. "Có những cái sai không thể khắc phục được" - ông Học nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng cho nhận định này bằng việc lấy vụ án Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt chú ý thời gian qua.
"Vụ án này xảy ra 12 năm rồi, có những cái sai ngay từ quá trình điều tra ban đầu, giờ nếu khắc phục lại không thể làm được. Đó là việc cơ quan điều tra không giám định mẫu máu, nhóm máu khi khám nghiệm hiện trường để có cơ sở vững chắc xác định hung thủ.
Hay khi khám nghiệm tử thi nạn nhân lại không giám định để xác định thời gian chết là khi nào, chỉ nói thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn, nên việc xác định thời gian hung thủ có mặt ở hiện trường còn nhiều tranh cãi" - ông Học phân tích.
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương cũng nhắc về vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu ở TAND tỉnh Bình Phước tự tử: "Vừa rồi TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án để điều tra lại. Ông Phước chết rồi, giải quyết lại rất khó. Nếu từ đầu các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì đâu đến nỗi" - ông Học nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận